Hiện tại, do gánh nặng tuổi tác cộng với bệnh tật khiến người cán bộ địch vận đầy mưu lược ngày nào, nay không thể gượng ngồi dậy được nữa nhưng ánh mắt vẫn khá tinh anh khi bà kể về một thời sôi nổi chiến đấu trong lòng địch.

leftcenterrightdel
Bà Hoàng Thị Nghị (người đội mũ) được chụp ảnh lưu niệm với nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Thị Định. Ảnh tư liệu 
Hai lần bị đày ra Côn Đảo

Sinh ra tại mảnh đất Đồ Sơn đầy nắng gió, từ nhỏ Hoàng Thị Nghị đã chăm chỉ học hành, hết giờ ở trường lại phụ giúp gia đình lao động sản xuất. Đến năm 1947, khi tròn 18 tuổi, Hoàng Thị Nghị bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Thời gian đầu, bà công tác trong Ban địch vận Đồ Sơn. Sau đó được cử đi học ở Trường Cán bộ địch vận Trung ương. Học xong, bà được Cục Địch vận Trung ương phân công phục vụ các mặt trận Gia Lâm-Hà Nội, mặt trận Hải Phòng 300 ngày. Với lợi thế là người địa phương, có nhiều mối quan hệ, Hoàng Thị Nghị tiếp tục mở rộng các đầu mối lấy tin tức từ địch, gây dựng cơ sở nội tuyến và địch vận. Theo bà, trong thực hiện nhiệm vụ, muốn thành công thì điều quan trọng nhất là được lòng dân che chở. Nói về nữ cán bộ địch vận này, Trung tướng Đặng Kinh, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, bà Hoàng Thị Nghị là người cán bộ tháo vát và rất mưu trí. Nhớ có một lần bị tay cai Xương phụ trách bốt Bang Tá - Đồ Sơn  bắt vì nghi hoạt động ở vùng tạm chiếm, bằng sự mưu trí, thông minh, Hoàng Thị Nghị đã đánh lạc hướng cai Xương, chạy vào nhà bà Hoàng Thị Bằng (bà Bằng là mẹ vợ của Trung tướng Đặng Kinh). Bà Bằng nhanh trí bảo chồng lên giường giả ốm, rồi lấy các thúng, mủng che xung quanh gầm giường mà bà Nghị đang trốn ở đó. Cai Xương xộc vào, tra hỏi một hồi, không thấy, hậm hực bỏ đi...

Ngày 20-11-1954, Hoàng Thị Nghị được Tổng cục Chính trị lệnh gọi lên nhận nhiệm vụ mới là vào miền Nam công tác. Bà rời Hải Phòng vào miền Nam từ sân bay Cát Bi, với lý lịch giả là vợ một trung úy phi công ngụy. Vào đó, bà kết nối với cơ sở của ta ở miền Nam và tiếp tục hoạt động dưới nhiều hình thức như bán hàng xén, bỏ mối hàng ở các chợ, gây cơ sở… Tổ công tác (sau lên đội công tác) do Hoàng Thị Nghị phụ trách phát triển khá sâu rộng, đã giáo dục, cảm hóa, giao nhiệm vụ cho hàng trăm sĩ quan, binh lính địch. Không may, ngày 21-3-1956, Hoàng Thị Nghị bị địch bắt. Chúng dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ đến tra tấn bằng những ngón đòn hiểm độc nhưng không khuất phục được ý chí của người cán bộ địch vận, chúng đày bà ra Côn Đảo năm 1957. Sau hơn 3 năm tù chịu nhiều cực hình tra tấn, năm 1960, bà được ra tù. Về đơn vị cũ hoạt động, Hoàng Thị Nghị tiếp tục tham gia công tác địch vận, tham gia trận đánh đồn Lái Cua (Long An); địch vận cùng Trung đoàn 38 pháo binh đánh Gò Đậu. Năm 1969, bà bị bắt lần thứ hai và ngay lập tức chúng lại đầy người cán bộ kiên gan này ra Côn Đảo. Tại đây Hoàng Thị Nghị tiếp tục đấu tranh, lại nếm đòn thù chết đi sống lại… Đêm 30-4, rạng sáng 1-5-1975, người con của quê hương Hải Phòng vận động cai tù mở khóa, cùng hàng trăm tù chính trị đứng lên tự giải phóng và vận động binh lính ngụy đầu hàng, làm lại cuộc đời. Từ “địa ngục trần gian” Côn Đảo, bà trở về với đất liền, khi đó đã bước sang tuổi 46. Nhìn lại, xem như cả quãng đời thanh xuân - một thời tuổi trẻ của bà đã được tôi luyện trong lò lửa cách mạng.

Vào “hang hùm”

Hải Phòng những ngày cuối năm 1954 thật náo động. Nhất là chuyện di cư vào Nam. Hoàng Thị Nghị bước lên máy bay của Pháp với lý lịch giả là vợ một trung úy phi công di cư. Đến sân bay Tân Sơn Nhất, bà được mời về khu dành riêng cho các sĩ quan nhưng viện cớ về nhà riêng để che mắt địch. Đoàn cán bộ binh vận xuất quân đợt đầu này khá đông. Mỗi người đi một đường, người trà trộn vào đoàn dân di cư bằng tàu há mồm của Mỹ, người đi nhờ tàu nước ngoài... Chỉ mấy hôm, cả đội đã tập kết đầy đủ. Sau đó, Hoàng Thị Nghị được tổ chức bố trí cho ra ở nhà một người thím dâu họ và mở gánh hàng xén ở chợ Bà Chiểu. Chưa đầy một tháng, bà đã làm quen nhiều gia đình ở Tân Định, Phú Nhuận, chợ Đa Kao, Bà Chiểu...

Sau 14 tháng, tổ công tác do Hoàng Thị Nghị phụ trách phát triển khá rộng, bà phân công mỗi người đảm nhiệm một hướng khác nhau. Đã có hàng trăm sĩ quan và binh lính địch ở các lực lượng bảo an, bộ binh, pháo binh, thiết giáp, không quân... được giáo dục, cảm hóa giao nhiệm vụ, làm những việc có lợi cho ta. Trong hoạt động binh vận, Hoàng Thị Nghị luôn vận dụng uyển chuyển các hình thức, phương pháp công tác. “Vào hang hùm để bẻ nanh vuốt cọp” cũng là một trong những phương pháp được người nữ anh hùng này nhiều lần vận dụng thành công. Trong đó phải kể đến lần bà đã trực tiếp vào “hang cọp” để cảm hóa, giáo dục một trung tá hải quân ngụy thông qua việc chuyển những bức thư của gia đình viên sĩ quan này.

Trong cuốn hồi ký “Thời con gái của tôi” bà kể, viên sĩ quan này có một người em ruột làm việc cho ta và một người bạn thân là sĩ quan quân đội Việt Nam cộng hòa nhưng đã về với cách mạng, chuyển ra làm việc tại miền Bắc. Hai bức thư là của hai người này. Khi nhận nhiệm vụ “chuyển thư”, Hoàng Thị Nghị được tổ chức cho biết số nhà chứ chưa hề quen mặt, cũng như thái độ của viên trung tá hải quân này với cách mạng như thế nào. Hai bức thư là cầu nối duy nhất dẫn tới cuộc gặp gỡ đột ngột của bà với viên sĩ quan ngụy. Hôm người cán bộ địch vận mang thư đến, hai vợ chồng viên trung tá tỏ vẻ rất ngạc nhiên và lo lắng, đọc thư mà mồ hôi lấm tấm trên trán. Còn với bà, đó cũng là những giây phút cực kỳ căng thẳng, có thể sẽ bị bắt ngay lập tức. Sau một hồi suy nghĩ, viên trung tá ngẩng lên hỏi Hoàng Thị Nghị rằng, suy nghĩ như thế nào mà dám đem hai bức thư tới, có sợ sẽ bị bắt ngay hay không? Tuy nhiên anh ta cũng nhận được ngay câu trả lời rằng làm việc nghĩa thì dẫu có nguy hiểm cũng không sợ. Thế rồi viên sĩ quan hạ giọng và băn khoăn bởi ở hoàn cảnh trớ trêu hai anh em ruột ở hai chiến tuyến, còn người bạn thân cũng làm việc cho phía “bên kia”.

Thế rồi qua nhiều cuộc trao đổi qua lại nữa, đặc biệt trước sự cảm hóa của nữ cán bộ địch vận, viên trung tá hải quân đã tỏ ra mềm dẻo hơn và hứa sẽ tâm sự với những người bạn tốt của mình, để những người đó sống có lương tâm hơn, không làm gì hại đến những người dân cần lao vất vả dù cho họ có xu hướng chính trị nào. Hoàng Thị Nghị rất mừng vì khơi dậy được ở viên sĩ quan hải quân ngụy những suy nghĩ tích cực về cách mạng, về kháng chiến mà từ lâu họ chỉ nghĩ theo một giọng tuyên truyền phản động của Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa. Đây là một trong những thành công ngoài mong đợi bởi thoạt đầu bà nghĩ, thực hiện nhiệm vụ này nguy hiểm không khác gì vào hang hùm...          

NGÔ DUY