QĐND - Vừa rồi họa sĩ George Burchett, con trai của nhà báo Úc Wilfred Burchett, phóng viên nước ngoài đầu tiên đến miền Nam Việt Nam, đã tìm được cuốn phim tài liệu của cha mình quay tại khu giải phóng ở miền Nam thập niên 1960. George Burchett có hỏi tôi về một phụ nữ, bà Nguyễn Thị Tú - Chủ tịch Hội Phụ nữ Giải phóng có hình trong cuốn phim đó. Tôi chưa được gặp bà, nhưng một sự may mắn đã cho tôi gặp cô Tố Nga - con gái của bà. Bà đã anh dũng hy sinh trong trận càn Cedar Falls của quân Mỹ năm 1967.

Ảnh bà Nguyễn Thị Tú trong cuốn phim tư liệu của nhà báo Úc Wilfred Burchett.

Cuộc đời bà như một huyền thoại. Chồng bà mất năm bà 24 tuổi, để lại bốn đứa con, đứa nhỏ nhất còn phải bế bồng. Bà cùng các con và bố mẹ từ giã Cần Thơ về Sài Gòn mở một tiệm bánh làm cơ sở liên lạc, nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1949, căn nhà bà ở Tân Định trở thành một nhà in bí mật của cơ quan Đảng Dân chủ. Năm 1950, cơ sở bị lộ, anh Tòng, người đồng chí cùng hoạt động, cũng là người chồng sau này, bị bắt vào khám Chí Hòa. Năm 1951, vừa sinh đứa con thứ năm, bà đã tham gia biểu tình ủng hộ người tù khám Chí Hòa đấu tranh tuyệt thực đòi bảo đảm các điều kiện sinh hoạt tối thiểu trong nhà tù.

Năm 1955, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, bà bị đày ra Côn Đảo, bị giam giữ ở nhiều nhà tù: Thủ Đức, Phú Lợi, Chí Hòa, Phú Quốc… Bà bị giặc tra tấn dã man. Có lần bà bị cột suốt ngày đêm trong thùng phuy chứa đầy nước dưới cái nóng cháy da cháy thịt. Ý chí bà vẫn vững vàng. Từ trong nhà tù, bà bí mật gửi thư ra miền Bắc động viên con gái Nguyễn Thị Tố Nga: “Cố gắng học và tu dưỡng để không phụ lòng mong mỏi của đồng bào miền Nam”.

Vừa ra khỏi nhà tù, bà vào chiến khu tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và được đề cử là Chủ tịch Ban Chấp hành lâm thời Phụ nữ Giải phóng miền Nam đầu năm 1961.

Nghe tin con gái vượt Trường Sơn trở về, bà gửi lên chiến khu từng chiếc khăn cho con sử dụng. Tố Nga kể về mẹ mình: “Ngồi trên hầm gác ban đêm, trong rừng Củ Chi trụi lá vì chất độc hóa học, muốn mẹ kể cho nghe nhiều chuyện, nhất là về thời gian mẹ bị giam giữ ở các nhà tù Mỹ Diệm, mẹ chỉ nói: “Mẹ đã làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên, con chỉ cần nói với các em nhớ như vậy thôi”. Tố Nga cũng tâm sự: “Mẹ không muốn chúng tôi biết. Mẹ rất buồn vì nhiều người cho là “tiểu tư sản không bao giờ có thể là người cách mạng trung kiên được”. Mẹ buồn, nhưng ở chiến khu, mỗi tuần bà đều học hát những bài hát mới, chiều chiều sinh hoạt cùng các anh, chị em thanh niên. Bà được gọi với cái tên trìu mến là cô Năm. Cô Năm luôn luôn dịu dàng, chăm sóc mọi người như người mẹ hiền”.

Bà bị mất tích trong trận càn Cedar Falls. Đây là chiến dịch quân sự lớn từ ngày 8 đến 16-1-1967 trong chiến tranh Việt Nam do quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện nhằm triệt nhổ gốc rễ các căn cứ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở “Tam giác sắt”. Chiến dịch có sự tham gia của 16 nghìn lính Mỹ và 14 nghìn lính Việt Nam Cộng hòa. Trong trận càn này, xe tăng, xe thiết giáp của Mỹ lần đầu tiên xuất hiện, đi sâu vào rừng, phá hủy nhiều đoạn công sự của ta. Bị áp đảo cả về quân số và hỏa lực, Quân Giải phóng miền Nam quyết định không giao chiến mà phân tán rút vào rừng, ẩn nấp trong các địa đạo, chỉ sử dụng các nhóm nhỏ để đánh phục kích Mỹ. Ông Huỳnh Tấn Phát - Phó chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng chồng bà - ông Tạ Bá Tòng và các anh chị em trong cơ quan tìm kiếm bà suốt nhiều ngày liền. Theo lời kể của chị Tố Nga: “Bác Huỳnh Tấn Phát và ba Tòng cùng các anh em tay cuốc, tay lon cháo đi tìm khắp các rừng cao su. Bà ngoại đi tìm khắp các nhà tù của Mỹ - ngụy nhưng mẹ như hòa vào trong không gian. Mấy đứa con đi tìm mẹ khắp nơi, khắp các nẻo rừng, bới từng gốc cây, bụi cỏ, nơi trận càn của địch diễn ra mà chưa tìm thấy dấu vết. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, mẹ vẫn không về. Ông ngoại, bà ngoại lần lượt qua đời nhưng vẫn không biết đứa con gái duy nhất đã gửi xương nơi nào…”.

Và rồi cuối cùng thì hơn ba mươi năm sau, ở ven một ngôi làng xa của rừng cao su Bình Dương, Nguyễn Thị Tố Nga và các em Quế, Ly… vui mừng tìm được những mảnh xương còn sót lại của mẹ mình, nhưng vô cùng căm uất quân giặc khi thấy những sợi dây trói tay, trói chân. Những mảnh xương sọ chỉ cách mặt đất không đầy ba tấc, không một mảnh áo quan, không một tấc vải liệm...

Nhà văn NGUYỆT TÚ