Lễ cưới giữa tháng Ngâu

Bà nội tôi sinh ra trong một gia đình điền chủ khá giả ở Phú Thọ. Hồi trẻ bà đẹp lắm nên không ít chàng trai muốn ngỏ lời tìm hiểu. Ấy vậy mà ông nội tôi, bấy giờ là một anh bộ đội tập kết nói giọng Quảng đặc sệt, lại chinh phục được bà.

Năm 1958, nhân dịp được nghỉ phép, bất luận đang giữa tháng Ngâu, ông tôi xin cưới bà. Năm 1961, ông quay lại chiến trường B và hy sinh năm 1965, tại Quảng Nam quê ông. Bà tôi nhẩm tính từ lúc cưới đến khi ông đi B, cộng cả những ngày ông nghỉ phép lẫn dịp bà đến đơn vị thăm ông thì hai người được ở bên nhau chưa đầy 5 tháng. Vậy mà tình yêu của bà dành cho ông qua bao tháng năm không hề mờ phai... Chiếc áo bông chần ông tặng bà ngày cưới dù vải đã mủn hết cả nhưng bà vẫn quyết giữ. Năm 2013, kỷ niệm 55 năm ngày cưới của ông bà, tôi đã đem “chiếc áo tình yêu” ấy cho một bác thợ lành nghề may lại. Và đến tận bây giờ, bà tôi vẫn mặc nó. Còn chiếc đồng hồ Liên Xô ông mua tặng, thậm chí bà không dám đeo mà cất kỹ trong hộp, thi thoảng mới đem ra ngắm.

Một báu vật nữa đối với bà tôi là những bức thư của ông. Có chi tiết rất dễ thương là cuối mỗi thư, bên cạnh những “Anh yêu em nhất trên đời”, “Anh hôn em và con”... luôn có hai chữ cái M và T viết hoa rất đẹp lồng vào nhau. M là Mên-tên ông, còn T là Thủy-tên bà là Nguyễn Thị Thanh Thủy. Sau này, bà tôi đã đưa chiếc “logo” với hai chữ MT ấy cho thợ kim hoàn đánh thành mặt dây chuyền. Từ đó đến nay, “nàng Chức Nữ” U.90-bà tôi-vẫn đeo chiếc mặt dây chuyền ấy.

Qua lời kể của bà và trong hình dung của tôi, ông nội hiện lên như một người hùng. Có chuyện kể rằng, khi quay lại Quảng Nam, ông tôi ghé thăm một người bà con. Sau giây phút mừng tủi ôm nhau trong nước mắt, người bà con bảo ông từ nay đừng ghé nữa, kẻo bên “Quốc gia” phát hiện thì nguy hiểm cho ông. Ông tôi liền bảo: “Tình máu mủ trên hết, cùng lắm là chết, sao phải sợ...”. Nói rồi, ông vung dùi đánh một hồi trống dài. Nghe tiếng trống, lính ngụy ập đến nhưng ông đã thoát đi tự bao giờ. Quê tôi ngày ấy là vùng “ngày Quốc gia, đêm cộng sản” và phía Quốc gia yêu cầu mỗi nhà phải treo một cái trống để khi cộng sản về thì đánh trống báo động. 3 ngày sau hồi trống của ông tôi, trên báo địa phương đưa tin Sáu Mên (tên thường gọi của ông) cầm đầu một tốp cộng sản bắn chết 6 lính Quốc gia.

Nhưng “người hùng” của tôi trong ký ức bà nội lại là một người đàn ông rất tình cảm. Thời đang tìm hiểu nhau, tối nào ông cũng đến nhà giúp người yêu sàng gạo, chẻ sắn, rồi dạy mấy đứa em học bài. Khi lấy nhau rồi, mỗi lần từ đơn vị về, ông đều giành lấy việc đi chợ. Ông sẽ chọn mua những thứ tươi ngon nhất cho vợ con, lựa những trái cau đẹp nhất biếu mẹ vợ. Quần áo của vợ con cũng một tay ông giặt giũ.

leftcenterrightdel

Vợ chồng đồng chí Lê Mên và Nguyễn Thị Thanh Thủy trong ngày cưới, tháng 8-1958. Ảnh do gia đình cung cấp

Ngay cả khi vợ Bắc, chồng Nam thì ông vẫn là nguồn an ủi lớn nhất với bà. Thư ông viết cho bà không chỉ là nhung nhớ, yêu thương mà còn là “kim chỉ nam” cho bà trong mọi việc ở hậu phương. Ông luôn động viên bà phải gương mẫu trong vai trò đảng viên, hoàn thành tốt nhất mọi việc tổ chức giao, hẹn thề cùng phấn đấu vì sự nghiệp thống nhất nước nhà. Không chỉ thư ông mà thư của anh em nhà chồng gửi ra miền Bắc cho bà tôi ngày ấy đều có chung một mong ước lớn, đó là mong sớm đến ngày Bắc-Nam sum họp.

“Mối thù xương máu, con xin thề”

Nhưng trên đường đi đến ngày mơ ước ấy, nhà nội tôi đã đổ không ít máu xương. Ông nội tôi sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn (nay là phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam. Tháng 5-1946, ông cố tôi (tức liệt sĩ Lê Tự Đặt) cùng hai cán bộ Việt Minh bị Pháp bắt rồi đem ra xử bắn giữa cánh đồng, ngay trước mặt dân làng, vợ con. Riêng ông cố tôi vì là cán bộ chủ chốt nên bị địch chặt đầu bêu 3 ngày ngoài đình để uy hiếp những ai theo Việt Minh. Sau 100 ngày ông cố, ông nội tôi khi ấy mới 15 tuổi đã trốn nhà lên chiến khu, thề trả thù cho cha. Nhà tôi hiện vẫn giữ bút tích mà ông nội ghi sau bức ảnh người em trai của ông cố: “Nhìn chú nhớ cha, đứt từng đoạn ruột, mối thù xương máu, con xin thề. Mên”.

Sau ông nội tôi, các anh chị em của ông cũng lần lượt ra đi “đền nợ nước, trả thù nhà”. Tháng 12-1965, ông nội tôi hy sinh tại địa bàn Núi Lở (Đại Lộc, Quảng Nam). Chưa đầy một năm sau, tháng 11-1966, em trai út của ông là Lê Lào cũng hy sinh. Thân xác ông Lê Lào đã tan lẫn vào đất vì bom, pháo địch, chỉ còn sót lại chiếc bật lửa khắc tên “Mên”. Đây là chiếc bật lửa của ông nội tôi, khi ông hy sinh, em trai đã giữ lại. Vậy là chiếc bật lửa từng chứng kiến sự ra đi của ông nội tôi mà ông Lào mang bên mình làm kỷ niệm lại một lần nữa quay về báo tin dữ cho bà cố tôi. Chưa hết, liên tục trong hai năm 1968, 1969, bà cố tôi lại lần lượt mất đi hai người con là ông Lê Thí (ông Bốn) và bà Lê Thị Đĩnh (bà Năm). Cả hai đều hy sinh trên đường làm nhiệm vụ. Vậy là chỉ trong 5 năm, một tay bà cố tôi đã chôn cất 4 người con liệt sĩ. Còn khi bà cố mất vào năm 1971 (cùng gia đình người con trưởng, vì trúng pháo kích địch) thì chống gậy đưa bà là ông Ba-người con duy nhất còn sống...

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (ngồi giữa) cùng con cháu, năm 2023. Ảnh: NGUYỄN QUỐC ĐẠT 

Hơn một tháng sau ngày đất nước thống nhất, bà nội tôi đã có mặt ở quê chồng. Hài cốt ông tôi được bà đặt trong chiếc hòm gỗ đơn sơ buộc sau xe đạp, rồi bà đạp xe suốt quãng đường 60km từ Đại Lộc về quê để an táng ông bên cạnh bà cố. Năm 1994, bà cố tôi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Gia đình nội cũng được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tại nhà tôi hiện nay (số 23 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà nội tôi đang thờ cúng cả 5 liệt sĩ của gia đình và bà cố tôi-Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Thêm.

Tôi lớn lên cùng những câu chuyện của bà nội về truyền thống gia đình. Từ khi còn chưa đi học, tôi đã thuộc bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu, vì đó là bài bà vẫn đêm đêm hát ru tôi. Những bài hát đầu tiên tôi thuộc là “Chiến sĩ Việt Nam”, “Du kích sông Thao”... cũng bởi nghe bà hát mãi. Bà vẫn bảo chúng tôi rằng, ông bà chẳng có gì để lại cho con cháu ngoài một lý lịch trong sạch, các con phải giữ gìn, phấn đấu, phải sống sao cho xứng đáng... Không ít nhà báo tìm gặp bà xin viết về gia đình, nhưng bà đều từ chối. Bà bảo: Trong hai cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc, mất mát, đau thương là không tránh được. Gia đình tôi đau lắm, hy sinh nhiều lắm, nhưng vẫn còn những người đau khổ hơn, các anh chị hãy viết về họ.

Còn tôi, tôi thường nói với sinh viên của mình rằng: Những kiến thức thầy dạy, sau này các em có thể quên, nhưng có một điều các em không được phép quên, đó là công ơn của ông bà tổ tiên, là những hy sinh to lớn của thế hệ trước để chúng ta có cuộc sống hôm nay.

Và tôi kể lại chuyện này cũng là để nhắc nhở chính tôi nói riêng, thế hệ trẻ nói chung về lòng biết ơn...

PHAN MINH NGỌC (Ghi theo lời kể của Lê Tuấn Đạt, cháu nội liệt sĩ Lê Mên)