Đầu năm 1973, tôi được điều về làm Trung đoàn phó Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 (nay thuộc Quân khu 4). Tiền thân của Trung đoàn 3 là Trung đoàn 29 trực thuộc Quân khu 4, làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào. Mùa hè năm 1966, Trung đoàn trở về tác chiến trên Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị (B5). Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (tháng 1-1973), Trung đoàn đứng chân xây dựng tuyến phòng ngự đánh địch lấn chiếm.

Giữa năm 1974, sau khi tham gia giải phóng Đăk Pek (Kon Tum), chúng tôi nhận được lệnh khẩn trương cơ động về phía Đông tăng cường cho Quân khu 5 tham gia Chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức, tiến công tiêu diệt Chi khu quân sự và quận lỵ Thượng Đức.

leftcenterrightdel
 Bộ đội và nhân dân địa phương kéo pháo lên đỉnh đồi bắn vào Chi khu Thượng Đức (Quảng Nam), năm 1974. Ảnh tư liệu

Chiến dịch tiêu diệt cụm căn cứ Thượng Đức mang mật danh K711. Từ Đăk Pek, sau hơn hai ngày hành quân đường núi, ngày 12-6-1974, Trung đoàn 3 có mặt tại vị trí tập kết. Tại sở chỉ huy nhẹ của Sư đoàn, anh Hồ Hữu Lạn-Trung đoàn trưởng, tôi và anh Hồng Hải là hai Trung đoàn phó, được anh Minh Long-Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 trực tiếp giao nhiệm vụ. Trung đoàn 3 có nhiệm vụ tăng cường cho Sư đoàn 304, đảm nhiệm một hướng quan trọng. Trong giai đoạn 1, Trung đoàn cùng lực lượng địa phương đánh chiếm các điểm cao phía Đông Ba Khe, Gò Cấm-phía Đông quận lỵ Thượng Đức, chốt cắt giao thông, không cho địch ứng cứu, đồng thời đón đánh quân địch ở Thượng Đức tháo chạy khi bị Sư đoàn 304 tiến công tiêu diệt cứ điểm. Sang giai đoạn 2, Trung đoàn tiến công tiêu diệt địch ở Hà Sống (điểm cao 52), Hà Nha, Bàn Tân, Phú Hương, uy hiếp địch ở Ái Nghĩa. Giai đoạn 3, sau khi ta làm chủ Thượng Đức, Trung đoàn lập tuyến phòng thủ bảo vệ vùng giải phóng từ điểm cao 1062 đến Bàn Tân. Nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần giữ vững Thượng Đức mà còn tạo thế mới uy hiếp trực tiếp Đà Nẵng từ phía Tây Nam.

Sau bước trinh sát thực địa, nghiên cứu tình hình địch-ta, ngày 15-6-1974, Đảng ủy Trung đoàn họp mở rộng bàn kỹ các bước chuẩn bị và phương thức tác chiến. Đảng ủy thống nhất ưu tiên cho Tiểu đoàn 8 (lực lượng chủ công) tranh thủ huấn luyện cấp tốc một số hình thức chiến thuật. Các đơn vị khác vừa huấn luyện vừa tham gia làm đường, vận chuyển gạo, đạn. Theo phân công của Ban chỉ huy Trung đoàn, tôi trực tiếp chỉ huy lực lượng làm đường theo kế hoạch chung của Bộ tư lệnh chiến dịch và Bộ tư lệnh Sư đoàn 304. Ý thức được một trong những nhiệm vụ của Trung đoàn là chặn đánh địch từ Thượng Đức rút chạy khi bị ta tiến công, chúng tôi đã cho Đại đội 15 Công binh của Trung đoàn bố trí trận địa cọc chăng dây, bẫy mìn trên sông Vu Gia để chặn địch rút về Đà Nẵng theo đường sông.

Ngày 15-7-1974, phương án và quyết tâm chiến đấu của Trung đoàn được Tư lệnh chiến dịch thông qua.

leftcenterrightdel
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh phát biểu tại Hội thảo“Chiến thắng Nông Sơn - Thượng Đức - Nửa thế kỷ nhìn lại” do Viện Lịch sử Quân sự tổ chức, tháng 7-2024. Ảnh: Chí Hòa

Sau gần một tháng rưỡi tích cực chuẩn bị và chờ đợi căng thẳng, giờ nổ súng cũng đã đến. Mặc dù đã tham gia rất nhiều trận đánh nhưng với tầm quan trọng của chiến dịch này, tâm trạng thấp thỏm, bồn chồn vẫn thoáng hiện trong hơi thở, lời nói của anh Lạn, anh Hải... Đúng 5 giờ ngày 29-7-1974, lệnh nổ súng được phát ra. Căn cứ địch đang lúc “ngái ngủ” bỗng choàng dậy, vỡ ra, ngập chìm trong khói lửa và tiếng đạn pháo.

Hòa trong dàn pháo chiến dịch, hỏa lực pháo của Trung đoàn 3 giội xuống Ba Khe, Hà Sống. Đúng 6 giờ, Đại đội 6, Tiểu đoàn 8 do Đại đội trưởng Nguyễn Phúc chỉ huy đánh thẳng vào Ba Khe. Sau 30 phút chiến đấu, Đại đội 6 chiếm được Ba Khe, làm chủ tiền đồn phía Đông Thượng Đức. Cùng lúc, lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 8 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Gia và Chính trị viên Nguyễn Văn Xảo chỉ huy nhanh chóng tiến công Bàn Tân, bao vây Hà Sống; chốt chặt đường bộ và đường sông, sẵn sàng đánh quân địch từ Thượng Đức về và từ Hà Sống lên chi viện. Các đơn vị khác, đặc biệt là Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương cũng làm chủ địa bàn được phân công.

Phối hợp với Sư đoàn 304, Trung đoàn 3 được lệnh tiếp tục tiến công tiêu diệt địch ở Hà Sống, Hà Tân, dọc Đường 14, tạo thành thế bao vây Thượng Đức, chủ động chuẩn bị đánh quân chi viện ứng cứu từ Đà Nẵng lên, tạo điều kiện cho Trung đoàn 66 tiến công dứt điểm Thượng Đức. Lúc này, trên hướng Trung đoàn chúng tôi đảm trách, địch đưa Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 57) lên thay Tiểu đoàn 148 ở khu vực cầu Chìm, để Tiểu đoàn 148 ở gò Chùa; Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 2) của chúng đánh lên cánh Bắc; Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 2) ngụy đánh từ núi Đất vào đội hình Trung đoàn chúng tôi đang chốt giữ. Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 57) và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 56) ngụy được xe tăng yểm trợ đánh theo Đường 14.

leftcenterrightdel

 Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức tại xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: HẠ VĨ

Để tạo thuận lợi cho Sư đoàn 304 trên hướng chính của chiến dịch, sáng 6-8, chúng tôi trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 9 liên tục đánh bật các đợt tiến công giải tỏa của địch trên Đường 14 quãng Hà Nha-Bàn Tân, diệt và bắt nhiều địch, bắn cháy 3 xe tăng; buộc hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 56 và Trung đoàn 57 của địch phải lùi về tuyến xuất phát. Cánh quân của địch từ núi Đất tiến sang cũng bị Tiểu đoàn 8 đánh bật trở lại. 2 giờ ngày 3-8, Tiểu đoàn 7 tổ chức lực lượng nhỏ vận động tập kích diệt sở chỉ huy Tiểu đoàn 148 của địch ở gò Chùa... Tiếp đó, ngày 6-8, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 7) được tăng cường hỏa lực 12,7mm, ĐKZ 82mm đánh chiếm gò Cấm và khu vực phía Đông cầu Hà Tân, khống chế toàn bộ ngã ba quan trọng này.

Khi Thượng Đức bị tiến công dồn dập, địch tháo chạy tán loạn và lọt vào ổ chốt chặn của Trung đoàn 3 tại Hà Nha, Ba Khe, các điểm cao 126, 100A, 100B... và nhanh chóng bị quân ta tiêu diệt, bắt sống.

Bước vào giai đoạn 2 chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng Thượng Đức, Trung đoàn 3 là lực lượng chủ yếu, được tiểu đoàn lựu pháo 122mm của Trung đoàn Pháo binh 78 (Sư đoàn 324) chi viện tiến công tiêu diệt địch trên trục Đường 14, Hà Nha 1, Hà Nha 2, Bàn Tân và Hà Sống (điểm cao 52). Vì đồng chí Thái, Tiểu đoàn trưởng hy sinh nên tôi được Ban chỉ huy Trung đoàn phân công vừa đốc chiến vừa trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 7 chiến đấu.

Sáng sớm 14-8, Tiểu đoàn 8 nổ súng tiến công địch ở gò Đình, Lâm Phụng và gò Ôm; nhanh chóng làm chủ và chốt giữ những cứ điểm này, tạo bàn đạp cho Trung đoàn vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công. Rạng sáng 15-8, tôi trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 7 tiến công diệt sở chỉ huy Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 57) ngụy; diệt một đại đội bộ binh và một trận địa pháo của tiểu đoàn địch ở Hà Nha 1. Tiểu đoàn 9 tiến công tiêu diệt một đại đội địch ở Hà Nha 2. Đến 11 giờ, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Thừa thắng, Đại đội 10 truy đuổi địch xuống Phú Hưng.

Sau khi ta làm chủ Hà Nha, cứ điểm Hà Sống bị cô lập hoàn toàn. Rạng sáng 16-8, chúng tôi cho pháo bắn cấp tập vào Hà Sống. Thấy địch đã bị pháo ta “dìm đầu”, các đơn vị bộ binh đề nghị chúng tôi cho ngừng pháo để anh em xung phong đánh thẳng vào căn cứ, kết thúc thắng lợi nhanh gọn giai đoạn 2 của chiến dịch...

Thượng tướng  NGUYỄN VĂN RINH (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)