Đến làng Đào Thục, xã Thụy Lâm (Đông Anh, Hà Nội), không khó để tìm được nhà riêng của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn, sinh năm 1938, người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 nổi tiếng của Trung đoàn Tên lửa 257, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân. Trong 12 ngày đêm tháng 12-1972 chống cuộc tập kích đường không chiến lược bằng “pháo đài bay” B-52 của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc, Tiểu đoàn 77 do Đinh Thế Văn chỉ huy đã đánh 18 trận, bắn rơi 4 máy bay B-52, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ...

Trong ngôi nhà xây khang trang, Đại tá Đinh Thế Văn dẫn chúng tôi lên tầng 2, nơi ông lưu giữ những hình ảnh, hiện vật gắn liền với cuộc đời quân ngũ, những năm tháng chiến đấu ác liệt với không quân Mỹ và cả những kỷ niệm với nghề rối nước truyền thống mà ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. “Bắt đầu là những năm tháng tôi tham gia thanh niên xung phong, từ tháng 2-1954, khi đó, tôi mới 16 tuổi. Tiếp đó, cả đơn vị thanh niên xung phong của tôi được bổ sung vào Quân đội. Sau khi huấn luyện quân sự cơ bản, chúng tôi được biên chế vào Đại đội 268, Tiểu đoàn 531, Đại đoàn 312 và tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 7-1954, tôi được cử đi học lớp vô tuyến điện. Sau đó, tôi chuyển về công tác ở Đại đội 10 thông tin thuộc Phòng Tham mưu, Sư đoàn 367. Tháng 4-1961, tôi chuyển ngành sang công tác ở Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao. Từ đây, tôi được học tập văn hóa, rồi trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1965. Nhập học chưa được một tháng, tôi nhận lệnh tái ngũ vào Trung đoàn Tên lửa 257”, Đại tá Đinh Thế Văn sơ lược về bản thân.

Năm 1966, Đinh Thế Văn được cử đi đào tạo sĩ quan điều khiển tên lửa, sau đó về công tác tại Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257. Phấn đấu, trưởng thành qua các cương vị Đại đội phó, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn phó, năm 1971, Đinh Thế Văn được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77. “Trong 12 ngày đêm chống cuộc tập kích bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 của không quân Mỹ tháng 12-1972, tôi kiêm Kíp trưởng Kíp chiến đấu số 1. Qua thực tế chiến đấu, tôi đúc rút kinh nghiệm, đề xuất cách đánh máy bay B-52 bằng phương pháp “vượt nửa góc”, dựa trên mục tiêu hiện ở 3 màn hình tự động của trắc thủ, cự ly, góc tà. Vận dụng cách đánh này, Tiểu đoàn 77 đã đạt hiệu suất chiến đấu rất cao, tiết kiệm đạn”, Đại tá Đinh Thế Văn kể.

leftcenterrightdel

Đồng chí Đinh Thế Văn (đội mũ) giới thiệu cách đánh máy bay B-52 với Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 1972. Ảnh tư liệu 

Với chiến công tiêu diệt nhiều máy bay B-52, Tiểu đoàn 77 vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng; Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến tận trận địa động viên, khen ngợi.

Kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12-1972, Đinh Thế Văn được thăng quân hàm Đại úy và bổ nhiệm Tham mưu trưởng Trung đoàn 257. Do có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, sau này, Đinh Thế Văn được điều về công tác tại Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không. Năm 1989, Đại tá Đinh Thế Văn nghỉ hưu trên cương vị Trưởng ban Huấn luyện chiến dịch.

“Rời quân ngũ về quê hương làng Đào Thục, tôi bước vào phường rối nước theo di nguyện của cha từ những năm tuổi trẻ. Những con rối mà cha tôi đã đẽo gọt, chế tác, nay được tôi hồi sinh, đưa vào các vở diễn để phục vụ nhân dân. Cũng cần nói thêm là nghề rối nước ở làng Đào Thục đã có hàng trăm năm nay, mà ông tổ nghề là Nguyễn Đăng Vinh, nội giám nhà Hậu Lê khởi thủy và truyền lại. Tuy nhiên, thập niên 1990, đời sống kinh tế khó khăn, tôi phải đi vận động các tập thể, cá nhân hỗ trợ kinh phí để xây thủy đình, truyền nghề cho lớp trẻ. Cùng với các vở diễn dân gian, các tích trò như: “Ba khí giáo trò”, “Lên võng xuống nước”, “Trâu chui ống”, “Múa tiên”, “Câu ếch”, “Chọi trâu”, “Đấu vật”... tôi sáng tác kịch bản, dựng vở diễn mới để phản ánh cuộc kháng chiến, tinh thần chiến đấu dũng cảm, chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta. Nổi bật là kịch bản rối nước “Hà Nội chiến thắng B-52” dài 20 phút đã gây được sự chú ý, đánh giá cao của khán giả. Mỗi lần xem các nghệ nhân biểu diễn, tôi vẫn thấy xúc động khi nhớ về những năm tháng cùng đồng đội chiến đấu và chiến thắng”, Đại tá Đinh Thế Văn chia sẻ.

leftcenterrightdel
Đại tá, Nghệ nhân dân gian Đinh Thế Văn với những con rối. Ảnh: TUỆ LÂM 

Hồi sinh làng nghề múa rối và đến nay đã quy tụ được 4 thế hệ với 40 người sinh hoạt trong phường rối nước Đào Thục, Đại tá Đinh Thế Văn là một trong những người góp công đầu. Ông được trao tặng Giải thưởng Đào Tấn; phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2012. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 2013, Đại tá Đinh Thế Văn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

HƯƠNG NGÂN