Sự chuẩn bị đầu tiên

Quá trình tác nghiệp, chúng tôi may mắn nhiều lần được trò chuyện trực tiếp cũng như nghe nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (tên khai sinh là Nguyễn Thị Châu Sa) phát biểu, giao lưu trong các sự kiện. Mặc dù khi ấy tuổi đã cao nhưng khí chất của “người đàn bà thép” năm xưa như vẫn còn vẹn nguyên.

Bà Nguyễn Thị Bình sinh năm 1927, trong một gia đình có truyền thống yêu nước quê Quảng Nam. Mẹ bà là con gái thứ hai của cụ Phan Chu Trinh. Thời niên thiếu, bà theo gia đình sang Campuchia, định cư tại Phnom Penh. Nhờ có cha làm công chức nên bà được học trong hệ thống giáo dục của chính quốc Pháp và sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ. Tháng 7-1945, gia đình bà về Sài Gòn khi không khí tiền khởi nghĩa diễn ra sôi nổi trên khắp thành phố. Cha bà tham gia ngay Chi đội 1 miền Đông, rồi lên chiến khu hoạt động, còn bà ở lại nội thành. Nhờ thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, bà được cử tham gia đón tiếp đại diện lực lượng đồng minh Anh-Ấn đến Sài Gòn để giải giáp quân Nhật, rồi sau đó là vận chuyển súng ngắn từ nội thành ra ngoại thành.

leftcenterrightdel
Nụ cười rạng rỡ của “bà hoàng Việt cộng” Nguyễn Thị Bình. 

Cách mạng Tháng Tám thành công chưa lâu, thực dân Pháp lại nổ súng gây hấn, trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Trong khi nhân dân thành phố lần lượt tản cư ra ngoại thành và các tỉnh lân cận thì Nguyễn Thị Bình ở lại Sài Gòn, hoạt động bí mật dưới vỏ bọc là cô giáo tại Trường Colette, tham gia tổ chức Hội Phụ nữ cứu quốc... Bà tích cực hoạt động cách mạng, vận động quần chúng, làm công tác tình báo và thường xuyên làm việc bên cạnh các đồng chí: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát cùng nhiều trí thức miền Nam khác. Khi địch tăng cường khủng bố, theo lệnh của trên, bà rút lên chiến khu một thời gian ngắn rồi trở lại nội thành. Tháng 4-1951, bà bị địch bắt và kết tội làm điệp báo.

Bà kể: “Nghe tin tôi bị bắt, ba tôi lúc đó là Trưởng ban Công binh Khu 7 rất buồn và lo lắng. Chỉ qua một đêm tóc ông đã bạc trắng, nhưng khi liên lạc được, thư ông viết cho tôi là những lời lạc quan, động viên, tin tưởng tôi sẽ vượt qua. Tôi nghe các đồng chí đi trước bảo nhà tù là trường học đối với người cách mạng. Với tôi quả đúng như vậy. Gần 3 năm bị giam ở khám Chí Hòa, tôi không hề để phí thời gian. Chúng tôi tổ chức học tập văn hóa, chính trị và dần trưởng thành qua đấu tranh với địch. Nhất là tôi được học tập kinh nghiệm sống và chiến đấu của các đồng chí đi trước”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi Hiệp định Geneva được ký kết cũng là lúc Nguyễn Thị Bình được ra tù. Ngay lập tức, bà tham gia phong trào hòa bình, đấu tranh đòi thi hành hiệp định do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Giáo sư Phạm Huy Thông... đứng đầu. Tháng 10-1954, bà được đồng chí Phạm Hùng gọi xuống Khu 9, thông báo thu xếp công việc để tham gia phái đoàn liên hiệp đình chiến của Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẽ đóng tại Sài Gòn. “Có lẽ đây là sự chuẩn bị đầu tiên để tôi bước chân sang hoạt động ngoại giao, để rồi gắn bó suốt 14 năm liền. Đây là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời tôi, với nhiều kinh nghiệm cũng như trải nghiệm khó quên”, bà Bình cho biết.

Đấu tranh về “cái bàn”

Cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập đã đáp ứng sâu sắc lòng mong mỏi tha thiết của nhân dân. Cả nước bừng bừng khí thế đánh Mỹ. Phong trào đòi trở lại miền Nam để được chiến đấu cùng đồng bào diễn ra sôi nổi. Bấy giờ, bà Nguyễn Thị Bình đang công tác tại Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, được Ban Thống nhất Trung ương đề nghị chuyển sang hoạt động ngoại giao cho Mặt trận. Trò chuyện với chúng tôi, bà bảo, lúc mới nghe được điều đi, bà cũng có phần ngần ngại. Mặc dù thông thạo ngoại ngữ, từng hoạt động ở thành phố, tiếp xúc với nhiều giới, tuy vậy, bà chưa đi quốc tế bao giờ. Nhưng vì miền Nam ruột thịt, không việc gì có thể từ chối. Vậy là giữa năm 1961, bà Nguyễn Thị Bình về Ban Thống nhất Trung ương, ở bộ phận đối ngoại. Một thời gian ngắn sau đó, bà được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ 1A, phụ trách công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận...

leftcenterrightdel
Trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu 

Gần 6 năm hoạt động đối ngoại cho Mặt trận, dù đã tích lũy được một số kiến thức ngoại giao và kinh nghiệm đấu tranh chính trị nhưng bà Nguyễn Thị Bình không nghĩ mình lại may mắn được chọn lựa cho nhiệm vụ khó khăn, nặng nề và quan trọng là tham gia cuộc đàm phán lịch sử ở Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Khi rời Hà Nội lên đường vào cuối tháng 10-1968, bà không ngờ nó sẽ kéo dài đến tận ngày 27-1-1973. Bà nói: “Tiến trình hội nghị và những sự kiện cụ thể đã có trong lịch sử, tôi không nhắc lại mà sẽ kể chuyện bên lề đáng nhớ, cũng là dấu mốc quan trọng của hội nghị, chuyển từ 2 bên sang 4 bên. Đó là đấu tranh về “cái bàn”. Đây là chủ đề tranh luận gay gắt vì hình thù và cách phân chia chỗ ngồi ở bàn chính là xác nhận tính chất pháp nhân của các bên đàm phán. Từ tháng 5 đến tháng 10-1968, cuộc bàn cãi giữa đồng chí Xuân Thủy-Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Harriman-Đại sứ Mỹ đã rất gay gắt về vấn đề vai trò của đoàn Mặt trận. Phía ta nêu rõ, Mặt trận là đại diện cho nhân dân miền Nam đang trực tiếp chống Mỹ nên đương nhiên phải là một bên đàm phán. Mỹ thì cho rằng, đoàn Mặt trận là người của miền Bắc, là cộng sản muốn lật đổ “Quốc gia” ở miền Nam. Ta nói rằng, chính quyền Sài Gòn là do Mỹ dựng lên, là tay sai của Mỹ. Cuộc đấu tranh 4 bên hay 2 bên có ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Chúng ta yêu cầu một cái bàn vuông cho 4 bên cùng đàm phán hoặc một cái bàn tròn chia 4. Mỹ đòi một cái bàn chữ nhật có hai bên hoặc một cái bàn tròn chia đôi.

Sau cùng đi đến thống nhất sẽ là một cái bàn tròn to, đường kính 8m, cắt đôi, trải khăn bàn màu xanh, mỗi bên có một vạch phân chia nằm bên ngoài. Như vậy ai hiểu là 2 bên hay 4 bên cũng được. Phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngồi sát nhau như một bên. Còn phía ta, đoàn Mặt trận và đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành hai đoàn riêng biệt. Đối với dư luận, cách ngồi của Mỹ và chính quyền Sài Gòn là không có lợi cho họ, có thể thấy rõ chính quyền Sài Gòn là tay sai của Mỹ. Việc có đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là điều đặc biệt, hầu như chưa từng có trong lịch sử ngoại giao quốc tế. Tôi nghĩ cũng cần nói rõ điều này. Đây là sự hiện diện của hai thực thể, đại diện cho một cuộc chiến đấu, dưới một sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Về mặt chính trị, ngoại giao, chúng ta đã thiết lập thế trận “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Hai phái đoàn trên hai góc độ khác nhau phát huy sức mạnh của mình, tạo thế cho mặt trận đối ngoại trở nên rộng lớn và sống động. Chúng tôi cùng góp sức vào thắng lợi chung của cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược, giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc”.

SONG THANH - VĂN TÁM