Hồi tưởng về quá khứ, ông Bình kể: “Trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội từ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), tôi được tổ chức Mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ cùng với các lực lượng dựng chiến hào, đục tường nhà thông nhau, tiếp tế cho các chốt của đơn vị tự vệ chiến đấu. Khi quân ta tổ chức rút lên chiến khu để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, tôi tình nguyện tòng quân, cùng các lực lượng bí mật vượt sông Hồng cơ động đến khu căn cứ tập kết... Cuối năm 1949, tôi được điều chuyển công tác về Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308. Từ đó, tôi cùng đơn vị tham gia các chiến dịch, các trận chiến đấu ác liệt, đặc biệt là được góp sức trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Đỗ Thanh Bình (đứng đầu tiên, hàng thứ hai, từ phải sang) tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5-1954), ông Bình được giao nhiệm vụ ở lại phụ trách công tác chính trị của Đội điều trị 8 thuộc Đại đoàn 308. Lực lượng gồm các y, bác sĩ, dân công làm công tác thu dung tù binh Pháp bị thương. CCB Đỗ Thanh Bình kể lại: “Ngày ấy, theo lệnh của chỉ huy, chúng tôi đi xuống các hầm nắm tình hình và vận chuyển tù binh địch. Có những tên bị đạn găm vào người vẫn chưa được phẫu thuật. Có những tên bị mảnh bom, đạn làm mất một phần cơ thể nhưng chưa được băng bó. Chúng tôi dùng cáng khiêng những tên lính Pháp bị thương từ dưới hầm sâu lên trên mặt đất. Đường cơ động khi đó có rất nhiều vật cản. Công tác vận chuyển tù binh Pháp gặp nhiều khó khăn. Lính Pháp to cao, nặng nề, bị thương không vận động được khiến chúng tôi và anh em dân công rất vất vả trong việc vận chuyển”.

Lực lượng thu dung khi đó phân chia một bộ phận vào rừng chặt tre, gỗ dựng lán, căng dù trên cánh đồng Mường Thanh để điều trị cho tù binh. Trên chiến trường chằng chịt hầm hào, công sự, ngổn ngang vật cản, mặt đất bị cày xới tung lên. Thời tiết thì mưa, nắng thất thường. Mưa xuống, hầm và hào giao thông đầy nước, bùn nhão nhoét. Đã vậy, lán trại đơn sơ, bộ đội phải che chắn không để ướt tù binh địch. Chạy đua với thời gian, đội điều trị đã làm việc hết khả năng, liên tục suốt ngày đêm, ưu tiên sơ cứu những tù binh bị thương nhẹ, điều trị những tù binh bị thương nặng, sàng lọc tù binh địch, phẫu thuật sơ bộ và chuyển về tuyến sau. Trong điều kiện chữa trị dã ngoại thiếu thốn, ban đêm, các bác sĩ phải phẫu thuật dưới ánh đèn dầu. Cùng với đó là vật tư, thuốc men không đáp ứng kịp thời, gây khó khăn cho công tác chữa trị ban đầu.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Đỗ Thanh Bình kể chuyện chiến đấu. Ảnh: DUY NAM 

Những tên lính bị thương nặng kêu la đau đớn, khi ấy, bác sĩ phải động viên, nhân viên y tế chăm sóc tận tình. Bộ đội ta quan tâm bảo đảm việc ăn uống cho tù binh địch. Ông Bình chia sẻ: “Mặc dù rất vất vả nhưng chúng tôi luôn quán triệt tư tưởng của cấp trên chú ý đến công tác tù, hàng binh, chính sách khoan hồng của ta. Trong quá trình thu dung lính Pháp bị thương, có một nữ y tá người Pháp rất tích cực hỗ trợ đơn vị. Khi thấy tôi nói được tiếng Pháp, cô ta khẩn khoản đề nghị: “Thưa ông, tôi là y tá ở Điện Biên Phủ, tôi muốn gửi tới Cụ Hồ một lá thư, xin tha tội để về nước Pháp có được không?”. Nghe vậy, tôi trả lời: “Tôi không có quyền quyết định điều đó. Cô viết thư, tôi sẽ gửi lên cấp trên”.

Ông Bình sau khi nhận thư đã chuyển lên chỉ huy cấp trên. Còn nữ y tá người Pháp thì nhiệt tình dẫn các lực lượng cứu hộ xuống hầm. Tới đâu cô cũng nhắc nhở mọi người: “Các ông cứ đi theo vết chân của tôi, nếu đi chệch có thể vướng vào mìn nổ”. Nhờ có sự hướng dẫn của cô y tá mà quân ta gặp nhiều thuận lợi trong giải cứu, vận chuyển tù binh địch bị thương ra khỏi hầm. Công việc thu dung, điều trị cho tù binh địch bị thương kéo dài trong vài tháng. Sau đó, ông Bình được lệnh rút về tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10-10-1954. “Trước ngày trở về Thủ đô, có một niềm vinh dự lớn đó là tại Đền Hùng, tôi cùng đồng đội được gặp Bác Hồ và lắng nghe những lời căn dặn ý nghĩa, sâu sắc của Người”, CCB Đỗ Thanh Bình tự hào kể.

ĐỨC NAM