Trong câu chuyện của mình, cô Văn Tuyết Mai như được trở về không gian đầm ấm của gia đình tại khu nhà số 26 Hoàng Diệu. “Sau năm 1954, lúc này cha tôi là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, gia đình chuyển về ở tại số 6 Hoàng Diệu, sau thời gian ngắn chuyển sang số 26 của con phố này (ngôi nhà này được gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng sử dụng lâu nhất, đến năm 1990 thì chuyển về nhà số 6 Trần Phú-PV). Đây là một ngôi nhà đẹp, có vườn cây trái, lưu giữ nhiều ký ức tuổi thơ của anh em tôi và người cha kính yêu của mình...”-cô Văn Tuyết Mai bồi hồi nhớ lại.
Kể về thói quen hằng ngày của Đại tướng Văn Tiến Dũng, cô Mai cho biết, cha cô giữ nếp làm việc và sinh hoạt rất chặt chẽ, suốt mấy chục năm hầu như không bao giờ sai giờ: 5 giờ sáng dậy, vừa tập thể dục vừa nghe tin tức buổi sáng; 6 giờ ăn sáng rồi vào Thành làm việc; 11 giờ về nhà nghỉ trưa; 1 giờ chiều đi làm; đến 5 giờ chiều rời cơ quan là chơi thể thao cùng bộ đội. Do có thể trạng tốt nên ông chơi được nhiều môn như bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền và cả bơi... Ăn tối xong đi dạo quanh sân, vừa đi vừa áp chiếc đài nhỏ lên tai để nghe tin tức...
Trong những năm chiến tranh, đất nước gặp nhiều khó khăn, tuy là một vị tướng cao cấp trong quân đội, nhưng ông luôn giữ cho mình và gia đình một lối sống thanh đạm. Bữa cơm của gia đình thường có một trong số những món ông thích, đó là lạc rang, thêm một ít trứng và thịt... Tuy vậy không khi nào mất đi không khí đầm ấm của một gia đình. Mỗi khi tin thắng trận từ chiến trường báo về, ông rất vui. Trong bữa ăn, ông rì rầm kể chuyện những năm tháng hoạt động cách mạng bí mật bị thực dân Pháp bắt, tù đày... để giáo dục các con. Nhiều lúc vui, ông còn cao hứng kể chuyện hài khiến cả gia đình cười nghiêng ngả.
Đại tướng Văn Tiến Dũng và người con thứ ba-Văn Tuyết Mai.
Đại tướng Văn Tiến Dũng luôn điềm tĩnh, hiền nhưng nghiêm khắc. Bình thường ông rất tươi cười nhưng khi trách phạt lại rất nghiêm nghị. Sự điềm tĩnh ấy cũng khiến vị tướng luôn chịu khó lắng nghe, suy nghĩ cẩn thận trước khi trả lời hoặc trao đổi với người khác. Ông đang cười nói, nhưng nếu nghiêm giọng lại thì người nghe hiểu là có chuyện. Ông không mắng mỏ những người mắc lỗi mà gọi người đó ngồi đối diện, rồi từ tốn nêu các khuyết điểm và cách sửa chữa. Trong gia đình hay khi ở ngoài cũng vậy, khi con cái mắc lỗi, ông xử lý như cấp dưới. “Thời chưa đi bộ đội, anh trai tôi là Văn Tiến Trình hay nghịch ngợm, có lần bị cha gọi vào phòng làm việc, đóng cửa lại chỉnh huấn. Những lúc như thế, dù biết không bị nạt nộ gì đâu nhưng chị em chúng tôi ai nấy đều rất sợ...”-cô Văn Tuyết Mai nhớ lại.
Đại tướng Văn Tiến Dũng cũng thể hiện sự quan tâm đến con gái theo cách riêng của mình. Thương con nhưng không chiều con. Ông dạy con tính tự lập, không ỷ vào địa vị của bố, kể cả khi còn học trên ghế nhà trường hay vào quân ngũ. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Văn Tuyết Mai và Văn Tiến Huấn được gửi về Trường Thiếu sinh quân dành cho con em cán bộ ở tỉnh Hà Bắc (trước đây) để học tập. Công việc vô cùng bận rộn, không lên thăm con được nhưng qua vợ, ông luôn gửi lời nhắn nhủ các con phải rèn luyện học tập và phấn đấu thật tốt để sau này trở thành người có ích cho đất nước.
Hiểu được công việc của cha mình, muốn ông luôn toàn tâm toàn ý cho công việc chỉ huy bộ đội, các con của Đại tướng Văn Tiến Dũng ở mỗi cương vị công tác đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, theo những lời huấn thị của người cha mà họ nhất mực kính yêu. Cô Văn Tuyết Mai kể, năm 1969 cô vào bộ đội, rồi được cử đi học lớp chuyên ngành thông tin tại Hà Bắc. Là con của một vị tướng lừng danh, nhưng cô luôn hòa mình với đồng đội, phấn đấu học tập, công tác. Nhiều lần bị ốm, cô vẫn cố gắng vượt lên, ổn định là lại ra thao trường cùng đồng đội, không mảy may kêu ca. “Ngoài công tác học tập, huấn luyện, thời điểm đó, chúng tôi cũng phải tham gia lao động sản xuất. Công việc này thực ra rất khó khăn với bản thân tôi. Bởi vốn sinh ra tại Hà Nội, từ bé chỉ đi học, không quen với bùn lầy, đồng áng nên buổi đầu đi cấy cùng đồng đội, tôi tưởng không thể vượt qua nỗi sợ hãi khi từng bầy đỉa cứ chực chờ người bước xuống là bu vào. Nhớ lời của cha, những gì đồng đội làm được thì tại sao mình không làm được, phải dũng cảm lên... Thế là tôi quên sợ hãi, bước xuống thực hiện công việc cùng đồng đội...”-cô Văn Tuyết Mai kể.
Những lúc có thời gian rảnh, không bận bịu với các chiến dịch hay đi chiến trường, Đại tướng Văn Tiến Dũng thường đi xuống các địa phương thăm đơn vị bộ đội để nắm tình hình, nhất là các cơ sở cách mạng ngày xưa như Mỹ Đức, Cổ Loa... và dẫn các con theo cùng. Hay như cuối tuần, nếu không bận, ông đưa cả gia đình đi tham quan các danh lam thắng cảnh như chùa Trầm, chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Hương... Nói về tính cần kiệm của cha mình, cô Mai cứ cười mãi. Câu chuyện cô kể nghe như giai thoại. Khi ở nhà, Đại tướng Văn Tiến Dũng thường đi guốc mộc. Vì dùng đã lâu, đôi guốc bị hỏng, nhưng ông không bỏ. Mòn thì đóng đế, sứt quai thì đóng đinh lại cho chắc. Đôi guốc ấy, ông sửa đi sửa lại bao lần, đến khi trên guốc không còn chỗ để đóng đinh thì ông mới thay guốc mới. Đến việc dùng giày cũng vậy, vị tướng tài ba tự nhận mình là chân Giao Chỉ. Vì chân ông đặc biệt nên quân nhu phải đóng giày riêng. Biết như thế nên ông càng giữ gìn. Nếu hỏng lại tự sửa, đến khi không còn sửa được nữa mới thôi.
Xuất thân từ người thợ, nhưng Đại tướng Văn Tiến Dũng ham đọc, ham học. Ông thích đọc triết học và văn học, yêu thích các tác phẩm nổi tiếng như “Gót sắt” của Giắc Lơn-đơn (Jack London), “Người mẹ” của Mắc-xim Goóc-ky (Maxim Gorky). Ông đọc sách để dần tích lũy kiến thức quân sự từ trong kháng chiến chống Pháp, để “làm vốn” tri thức cho mình trong việc chỉ đạo trên các chiến trường cả hai miền. “Cha tôi yêu quý những giá trị lịch sử-văn hóa khi nhìn những dấu tích cách mạng. Không lâu trước khi qua đời, trong một cuộc họp bàn về việc giữ gìn các di tích lịch sử cách mạng trong khu Thành cổ Thăng Long, ông đề nghị: “Phải giữ lại chỗ làm việc của anh Văn, phòng làm việc của Cục Tác chiến, phòng họp của Bộ Chính trị, Quân ủy... vì Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo đã từng làm việc ở đây...”- cô Văn Tuyết Mai bày tỏ.
Bài và ảnh: HÀ KIM NGỌC