Mỗi chuyến đi như thức dậy trong ông những ký ức một thời hoa lửa, hình ảnh về những đồng đội đã ngã xuống và giây phút gặp lại mẹ sau 20 năm…
Duyên nợ và dấu chân trên đường Trường Sơn
Tôi có nhiều lần gặp, nhiều chuyến đi với Thiếu tướng Võ Sở. Chuyện ông kể thì hầu hết là về đồng đội, về tập thể và chuyện… hội. Khó khăn lắm mới khai thác và góp nhặt được ít chuyện về vị tướng khiêm nhường này.
Ông bảo, Trường Sơn với ông như một duyên nợ. Ngay khi Đoàn 559 được thành lập, là cán bộ của Cục Tổ chức, ông được phân công theo dõi, tạo điều kiện giúp Ban cán sự đoàn về công tác tổ chức. Nguyện vọng tha thiết của Võ Sở lúc này là được trở về chiến đấu trên chiến trường thân thuộc Liên khu 5. Tháng 8-1964, nhân một chuyến công tác, ông bày tỏ với lãnh đạo Cục tổ chức, Tổng cục chính trị nguyện vọng của mình. Thật may, sau đó không lâu, ông nhận được quyết định vào làm Trưởng phòng Tổ chức Đoàn 559. “Vậy là, trước sau tôi là người nặng duyên nợ với Đoàn 559”-Thiếu tướng Võ Sở nói.
    |
 |
Thiếu tướng Võ Sở (đi đầu) tuổi 90 vẫn tâm huyết trong các hoạt động của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Ảnh: PHI LONG |
Vào Trường Sơn, ông là cán bộ chịu khó lăn lộn với thực tiễn, với bộ đội. Khi công việc yêu cầu hoặc khi điều kiện cho phép, ông lại bươn bả trên các nẻo đường, xuống từng binh trạm, từng đơn vị. Lúc thì theo dõi, bám nắm tình hình, khi truyền đạt nhiệm vụ, cùng chỉ huy đơn vị động viên bộ đội, giúp đơn vị tháo gỡ khó khăn… Có nhiều kỷ niệm vui buồn từ các chuyến đi đó.
Ví như đầu mùa khô 1966-1967, ông được cử làm phái viên ở Binh trạm 32 và Binh trạm 33, đôn đốc việc khắc phục ách tắc ngầm Tha Mé, là một trong những trọng điểm vượt Đường số 9. Một buổi tối, xe chở ông cùng ông Hoàng Phú Túc, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Bộ tư lệnh 559 và mấy anh em cùng cơ quan chạy lẫn trong đội hình xe chở hàng, chuẩn bị vượt ngầm Tha Mé. Ngồi trong xe, bỗng ông thấy tiếng máy bay ào qua, một chùm pháo sáng treo ngay đỉnh đầu. Phát hiện mục tiêu, máy bay địch tập trung ném bom và bắn đạn 20mm như vãi trấu. Đất trời như điên đảo, nghiêng ngả. Một quả bom nổ rất gần, tung cả tảng đá lớn lên cao, rơi trúng ông Hoàng Phú Túc. Ông Túc kêu to: “Chết tôi rồi các anh ơi!”. Võ Sở ôm choàng lấy ông Túc, sờ khắp người nhưng không thấy ướt. Mừng quá, ông bật cười và nói: “Không chết được. Còn kêu được là còn sống”. Mọi người cười vui. Vậy là thoát chết.
Lần khác, ông xuống nắm tình hình vận chuyển dọc Đường 20-Quyết Thắng, giải tỏa trọng điểm A.T.P. Tới ngầm Ta Lê, xe bất ngờ rệ xuống một hố bom, bị lật nghiêng. Cả 8 người, trong đó có Võ Sở không kịp ra khỏi xe, bị dồn xuống nước. May nhờ một chiến sĩ lái xe khác tháo tời tròng vào đầu xe của ông, nổ máy đưa xe qua ngầm. Bất ngờ máy bay địch ập đến. Từng loạt bom chụp xuống, một loạt bom rơi đúng chỗ xe vừa sa xuống. Cả đoàn thoát chết trong gang tấc.
Vào đầu mùa khô 1968-1969, ông Võ Sở được bổ nhiệm làm Chính ủy Binh trạm 31, tiếp đó làm Chính ủy Binh trạm 42. Trên các cương vị mới, người chính ủy lại có mặt tại nhiều trọng điểm trên con đường Trường Sơn huyền thoại.
10 năm ở chiến trường, kỷ niệm đặc biệt nhất với ông là trong những ngày tháng 4-1975 lịch sử, ông được về quê thăm mẹ. Khi ấy, chiến dịch như gió lốc, đang là Phó chủ nhiệm chính trị Bộ đội Trường Sơn, ông Võ Sở được trên giao bám đốc chiến Sư đoàn 471 chuyển nhanh hơn 6.000 tấn đạn pháo lớn và khí tài vật tư bảo đảm cho chiến trường. Trên đường hành tiến vào Sài Gòn, ông được phép về Ninh Hòa (Khánh Hòa) thăm mẹ, thăm quê. Ngày 15-4, ông về tới thôn Lạc Ninh, huyện Ninh Hòa, nơi mẹ và chị ông từng nương náu nhưng lại được tin mẹ và chị đã về Quảng Ngãi từ hơn một năm trước, nay không biết còn hay mất. Rời Lạc Ninh, ông ngược xe ra Quảng Ngãi. Sốt ruột muốn sớm được gặp mẹ, ông liên tục giục lái xe tăng tốc. “Cuối cùng, điều mong mỏi đến cháy lòng của tôi cũng đã thỏa nguyện. Trưa đó, tôi gặp lại mẹ già và người chị thân thương sau 20 năm trời xa cách tại chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Xuống xe, lao vội về nhà, tôi kêu như lạc giọng: “Mẹ ơi! Con đã về đây với mẹ!”. Sau giây phút bàng hoàng như mơ, mẹ và chị ôm riết lấy tôi với vòng tay run lẩy bẩy, rồi mẹ nói: “Vậy là mẹ vẫn còn sống để được gặp con. Tưởng là hai năm mà đã 20 năm…!”. Nghe mẹ nói, nước mắt tôi trào ra. Nước mắt của niềm vui, hạnh phúc được gặp lại mẹ và chị”-ông Võ Sở nhớ lại.
Những dấu chân tuổi 90
Rời quân ngũ, về với đời thường, theo nguyện vọng của các thế hệ bộ đội, dân công, thanh niên xung phong đã từng sống, chiến đấu trên đường Trường Sơn, Thiếu tướng Võ Sở cùng đồng đội đứng ra thành lập Ban liên lạc Cựu chiến binh Trường Sơn. Bắt đầu từ khu vực Hà Nội, sau đó được tổ chức với quy mô toàn quốc, ban liên lạc đã khởi xướng nhiều hoạt động được đông đảo cựu chiến binh Trường Sơn hoan nghênh, hưởng ứng…
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Võ Sở hào hứng kể lại buổi hội ngộ các cựu chiến binh Trường Sơn lần đầu được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 19-5-1999: “Có lãnh đạo lo lắng vì quy mô cuộc gặp mặt lớn quá, sợ không bảo đảm được an ninh, an toàn. Chúng tôi khẳng định là bảo đảm được vì đó là cuộc gặp của những người lính, họ có kỷ luật, kỷ cương. Thực tế diễn ra đúng như những gì chúng tôi đã hứa và khẳng định. Nụ cười và nước mắt của những đồng đội sau hàng chục năm gặp lại hôm đó vẫn in đậm trong tôi. Quan trọng hơn, từ đó, ban liên lạc chúng tôi càng quyết tâm hơn trong tổ chức các hoạt động theo nguyện vọng tha thiết của đồng đội”.
Ngày 13-5-2011, Thiếu tướng Võ Sở cùng hàng vạn cựu chiến binh Trường Sơn rất phấn khởi đón nhận quyết định của Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Hai tháng sau, Đại hội Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội. Thiếu tướng Võ Sở được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hội. “Sau 8 năm thành lập, tổ chức của hội đã có bước phát triển nhanh chóng, sâu rộng từ Trung ương đến các địa phương, đơn vị truyền thống. Đầu nhiệm kỳ mới chỉ có 2 tổ chức hội thành viên, 43 ban liên lạc ở các tỉnh, thành phố và 53 ban liên lạc ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc ban liên lạc Trường Sơn trước đây, với hơn 18 vạn hội viên. Đến nay, hội đã có 112 tổ chức thành viên và hơn 31 vạn hội viên. Hệ thống tổ chức của hội được thành lập ở 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trung ương hội, 12 hội cấp tỉnh, 41 hội cấp huyện đã được công nhận là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp”-Chủ tịch hội Võ Sở cho biết.
    |
 |
Cụm trọng điểm A.T.P mùa khô năm 1970. Tranh sơn dầu của họa sĩ Đức Dụ |
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về tổ chức, cuộc vận động lớn “Hội viên Trường Sơn làm kinh tế giỏi, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống” được Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam phát động từ năm 2013 đến nay đã và đang được đẩy mạnh thực hiện. Tính đến cuối năm 2018, hội đã huy động hội viên và khai thác các nguồn lực xã hội, xây dựng hơn 2.100 ngôi nhà tình nghĩa tặng hội viên có khó khăn về nhà ở; trao hàng vạn phần quà tặng hội viên khó khăn, gần 4.000 sổ tiết kiệm tặng hội viên nghèo; trao gần 600 học bổng tặng con, cháu hội viên; tặng hội viên gần 1.000 chăn ấm cao cấp; 2.770 hội viên được đồng đội giúp vốn sản xuất, kinh doanh không lấy lãi với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng; 2.447 hộ hội viên đã vươn lên thoát nghèo, 5.003 hộ hội viên từ cận nghèo vươn lên có mức sống trung bình…
90 tuổi, tướng Võ Sở vẫn lăn lộn tới nhiều vùng miền, về chiến trường xưa, về với đồng đội. Thật khó tin khi một người đã vào tuổi “xưa nay hiếm” mà dấu chân vẫn chưa chịu dừng bước, vẫn bận rộn và hối hả. Dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, gặp ông thật khó. Hôm trước thấy ông còn ở Hà Giang, hôm sau đã thấy ông cùng đoàn làm phim vào Quảng Bình. Theo lịch trình, ông còn cùng đoàn đi sang Lào, đến các địa danh lịch sử trên đường Trường Sơn huyền thoại, thăm, tặng quà các gia đình chính sách và đồng đội. Mỗi chuyến đi như thức dậy trong ông những ký ức một thời hoa lửa, hình ảnh về những đồng đội đã ngã xuống và giây phút gặp lại mẹ sau 20 năm… Mắt của vị tướng can trường lại rưng rưng…
TRẦN THÁI BÌNH