Quả thực là sau chặng đường bám theo các đơn vị của cánh quân phía đông, mấy anh em làm báo Văn nghệ Quân Giải phóng ai cũng thấy thấm mệt, muốn nghỉ ngơi cho lại sức. Dẫn chúng tôi đến trước một ngôi nhà ba tầng khá khang trang, dì Ba mở khóa cửa bảo: “Mấy cậu vào đây mà nghỉ, người ta đi di tản hết rồi”.
Theo phản xạ tự nhiên của đời lính, người AK, người súng ngắn cầm tay, chúng tôi chia nhau đi kiểm tra một lượt, phòng trên phòng dưới, sân thượng, bếp ăn, nhà kho để đồ. Khi đã yên tâm, chúng tôi mới quay xuống. Dì Ba lại hỏi: “Được không mấy cậu? Nhà của ông Đại tá Phú đó, ổng là chỉ huy đơn vị thủy quân lục chiến đóng dưới Biên Hòa, bốc cả nhà đi ra tàu được một tuần rồi. Khi thấy quân mình đánh gần vào Sài Gòn, ổng đã lặng lẽ gói ghém đồ đạc để đi rồi. Nhà ông này có hai cô con gái, bạn thân với Bảo Trâm bên nhà tui kìa. Họ cứ bảo nhau cộng sản vào sẽ rút móng tay, móng chân của mấy cô nên họ sợ lắm, đi luôn”. Rồi dì Ba chỉ sang nhà sát bên: “Nhà đó là của viên đại tá cảnh sát, ổng cũng chạy rồi, bỏ lại người mẹ già nhờ tôi chăm sóc đó”.
Dì Ba quê ở Nam Định, vào Sài Gòn đã mấy chục năm, không lấy chồng, chuyên nghề ở vú. Nơi dì ở cuối cùng trước khi giải phóng là nhà Sáu Biền, đại tá cảnh sát trại giam tù cách mạng. Đêm trước khi bỏ chạy, ông ta đưa cho dì Ba một xấp tiền và bảo: “Tôi có nhiều nợ máu, chắc cộng sản sẽ không tha chết cho đâu, giấy tờ nhà cửa tôi giao lại cho chị. Chị ở lại trông bà già giúp tôi, chắc không ai làm gì chị đâu. Sang tới Mỹ, tôi sẽ bảo lãnh cho hai người sang sau”. Má của Sáu Biền năm đó 76 tuổi, bị ngã gãy chân nên nằm liệt một chỗ, không đi đâu được. Dì Ba giúp việc cho nhà Sáu Biền từ khi cô bé Bảo Trâm mới chào đời, tới lúc đó đã 17 năm có lẻ. Dì bảo suốt gần một tháng qua, khắp Sài Gòn đi đâu cũng nghe đám quan chức, vợ con tướng tá bàn kháo về chuyện cộng sản sẽ trả thù khi chiếm được thành phố. Con gái để móng tay dài sẽ bị rút móng. Với những người làm việc cho chính quyền thì sẽ bị tù đày, tra tấn, một cuộc tắm máu là không tránh khỏi. Bảo Trâm coi dì Ba là người mẹ thứ hai, có việc gì cũng tỉ tê hỏi han. Dì Ba bảo nhiều việc nó không nói với ba má mà chỉ bàn với dì. Ví như việc trốn ba má ở lại không đi di tản. Trước đó, đã nhiều đêm Bảo Trâm hỏi dì Ba có thiệt cộng sản rút móng tay, móng chân các cô gái không, hay khi chiếm được Sài Gòn thì có phải cộng sản sẽ trả thù các gia đình có người làm việc cho chế độ cũ hay không... Cứ đến trường, nghe các bạn kháo nhau thế nào là về Bảo Trâm lại hỏi dì Ba. Bằng hiểu biết của mình, dì Ba giải thích cho Bảo Trâm biết, dì đã từng sống dưới chế độ cộng sản miền Bắc rồi, họ cũng là con người, có tình yêu thương đồng loại, không có chuyện “7 người đu không gãy một cành đu đủ”, đó chỉ là mấy ông quốc gia bịa ra mà thôi. Còn ai có nợ máu với nhân dân thì phải xử lý, đó là chuyện đương nhiên... Những lời mộc mạc, chân thực của dì Ba có lẽ đã làm Bảo Trâm tin tưởng. Cô quyết định ở lại mà không đi di tản. Bảo Trâm còn rủ thêm được một người bạn thân cùng lớp với mình ở lại.
Sau khi ổn định nơi ăn chỗ ở, chúng tôi bảo nhau gọi xe đưa bà nội của Bảo Trâm đi bệnh viện để bó bột cái chỗ chân bị gãy. Bảo Trâm thì sáng sớm đến trường, chiều muộn mới trở về. Cô đi tập hát những bài ca cách mạng hay hòa trong biển người diễu hành mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Dì Ba thì hằng ngày lo cơm nước cho 4 anh em chúng tôi và chăm sóc bà mẹ của viên đại tá cảnh sát. Dì làm việc một cách tự nguyện, cần mẫn và coi đó là trách nhiệm của mình.
Cho tới hôm chúng tôi chuyển đi thì vết gãy trên chân bà mẹ viên đại tá cảnh sát đã liền. Bà chào chúng tôi bằng một câu nói với người giúp việc (dì Ba): “Thế mà sao người ta cứ bảo mấy ông cộng sản ác lắm, họ hiền khô mà. Vậy thì việc chi phải đi di tản cho khổ”. Dì Ba vừa cười vừa nói với bà đừng tin lời đồn đại, tuyên truyền sai quấy. Còn Bảo Trâm đang có những ngày rất vui và hạnh phúc. Cái hạnh phúc cô nhận ra chính từ cuộc sống mới của mình, của bạn bè cũng như của cả thành phố Sài Gòn và toàn miền Nam!
LÊ VĂN VỌNG