Hồi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở vùng “Đất thép Củ Chi” (phía Bắc Sài Gòn-Gia Định) có anh cán bộ Quân giải phóng rất trẻ và hiền lành. Anh được bà con, cô bác và các chiến sĩ du kích mến thương. Bọn Mỹ-ngụy tại Củ Chi rất ớn Năm Thiềng và tức tối khi nghe tên anh, vì anh là người chỉ huy đội đặc công Quân giải phóng. Chúng xếp anh vào danh sách “những Việt cộng nằm vùng nguy hiểm”. Nhiều lần chúng từng treo giải và bao vây, lùng sục để bắt anh, nhưng đều không được. Đó là anh Đoàn Xuân Thiềng, còn gọi là Năm Thiềng, chàng trai quê ở huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ở vùng này, nhiều căn cứ quân sự, đồn bốt, kho tàng của Mỹ-ngụy, dù được bảo vệ cẩn mật, Năm Thiềng và các chiến sĩ của anh vẫn đột nhập như có phép “xuất quỷ nhập thần” và bất ngờ đánh những đòn hiểm.
Bọn giặc khó kiếm Năm Thiềng vì anh và các đội viên đội đặc công thường sống phân tán cùng bà con trong các xã, ấp, dưới địa đạo, được nhân dân và anh em du kích giúp đỡ, chở che.
 |
Anh Năm Thiềng (ngồi giữa) gặp lại một số đồng đội và chiến sĩ du kích năm xưa ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, từng phối hợp với Đội 5 đặc công Quân giải phóng tấn công căn cứ quân sự Đồng Dù của Mỹ (Ảnh chụp tháng 4-1995) |
Các chiến sĩ du kích Củ Chi còn nhớ: đầu xuân 1972, Năm Thiềng chỉ huy trận đánh Đồng Dù, gây nỗi kinh hoàng đối với Mỹ-ngụy. Hay tin bọn Mỹ vận chuyển hàng chục nghìn tấn đạn dược cùng nhiều đồ dùng quân sự từ Long Bình, Gò Vấp về chứa đầy bảy dãy kho trong căn cứ Đồng Dù, chuẩn bị đưa đi ứng cứu đồng bọn đang bị Quân giải phóng tấn công ở Tây Ninh, Dầu Tiếng và Lai Khê, Năm Thiềng lập tức chỉ huy đội đặc công đột nhập.
Hôm đó là ngày 18-1-1972. Trời vừa tối, trong khi bọn chỉ huy Mỹ-ngụy đang tung thêm lực lượng biệt kích, gián điệp rải khắp các xã, ấp và đốc thúc quân lính liên tục tuần tiễu để “ngăn chặn Việt cộng”, thì Năm Thiềng đã áp sát phía Tây Nam căn cứ quân sự lớn của chúng. Do nhiều lần từng ra vào điều tra và tấn công Đồng Dù, Năm Thiềng và các đội viên của anh (gồm Nguyễn Huyền Nhung, Ngô Vững Bền và Nguyễn Văn Long) nhớ rõ những vị trí quan trọng của địch tại đây. Các chiến sĩ đặc công mưu trí, dũng cảm, dưới sự chỉ huy của đội trưởng Năm Thiềng mau lẹ tiếp cận khu trung tâm Đồng Dù.
23 giờ 30 phút, Năm Thiềng và toàn đội của anh vừa rời khỏi Đồng Dù thì từ nơi ấy, những tiếng nổ dữ dội, những cột lửa khổng lồ ngùn ngụt bốc lên. Cùng với lửa và khói là tiếng nổ liên hồi của các loại đạn lớn nhỏ.
Ở cạnh khu bưng biền Bàu Chứa cách đó không xa, các anh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã Trung Lập Hạ, gồm Sáu Tâm, Tư Nghĩa, Tám Trệt và các chiến sĩ du kích trong lực lượng yểm trợ đội đặc công đang nóng ruột đón đợi anh em từ Đồng Dù trở ra. Vừa thấy Năm Thiềng và các đội viên xuất hiện, mọi người chạy ùa tới ôm chầm các anh, ai cũng rưng rưng vui sướng. Những nụ cười trong phút gặp lại thật xúc động.
Đến chiều hôm sau, lửa vẫn cháy và đạn vẫn nổ rung chuyển cả Đồng Dù. Bọn Mỹ-ngụy hoảng hốt báo động, la lối om xòm, những tên đóng trong các đồn bốt quanh đó cuống cuồng hối nhau rút chạy vì sợ quân chủ lực “Việt cộng” sắp đánh lớn.
Cũng chiều hôm ấy, giữa lúc cả chi khu Củ Chi của địch đang rối bời và sống trong hoảng loạn thì tại hậu cứ của đội 5 đặc công Quân giải phóng ở khu rừng chồi An Nhơn Tây lại rộn niềm vui mới: Năm Thiềng và đồng đội của anh chuẩn bị đón khách quý. Khách đang đến phải tạm dừng bên chiến hào vì chiếc máy bay L19 của địch bay thấp phát loa oang oang kêu gọi nhân dân hãy chỉ cho chúng biết “các cán binh đặc công Việt cộng nằm vùng”, chúng sẽ “trọng thưởng”. Mọi người, kể cả Năm Thiềng, không ai nhịn được cười về trò chiến tranh tâm lý ấy của Mỹ-ngụy tái diễn lâu nay. Chiếc máy bay lượn mấy vòng như để có mặt rồi quay đi.
- Chúng em đến thăm mấy anh “Việt cộng nằm vùng” đây!
Có tiếng cười và tiếng nói thân quen. Nhìn ra, Năm Thiềng đã thấy “đoàn khách đặc biệt” đang tới. Đó là các nữ du kích Củ Chi từng sát cánh với đội đặc công của anh đánh giặc, đến chúc mừng toàn đội vừa lập chiến công. Năm Thiềng và các cán bộ, chiến sĩ của đội lúng túng trước các nữ du kích tươi trẻ, hồn nhiên, cô nào cũng súng ngang vai, khỏe mạnh mà duyên dáng trong bộ bà ba đen, đội mũ tai bèo và quấn khăn rằn mềm mại. Nhìn mấy cô xách những giỏ trái cây, bánh tét của bà con, cô bác trong ấp gửi tặng, Năm Thiềng vỗ tay và thốt lên:
- Ôi, mùa xuân đã đến!
Anh nhớ hôm ấy là ngày hai mươi tám tháng Chạp năm Tân Hợi, chỉ hai bữa nữa là đón Tết Nhâm Tý 1972.
KIM TOÀN