Cách đây 4 năm, dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có cơ hội lần đầu tiên được phỏng vấn Đại tướng Lê Đức Anh. Thời điểm này, mặc dù sức khỏe ông không được tốt do từng hai lần bị đột quỵ, việc đi lại và nói năng gặp nhiều khó khăn nhưng trí óc vẫn còn mẫn tiệp. Sau lần đó, với sự trợ giúp của Đại tá Quốc Anh-thư ký của Đại tướng, cùng đôi lần được trở lại gặp, chúng tôi có thêm những hiểu biết về ông. Lần gần đây nhất, ông tâm sự: “Thôi, ta không nói chuyện chiến đấu, công tác nữa mà hãy nói về việc “đi lại” nhé. Giờ tuổi cao lại hoài cổ, tôi cứ hay nhớ lại những lần ngược xuôi Bắc-Nam hồi kháng chiến. Toàn chuyến đi mạo hiểm cả, chẳng hiểu may mắn thế nào tôi đều qua. Nay kể cho các cậu, chắc không đủ đâu nhưng để nhớ!”.

leftcenterrightdel
Đại tướng Lê Đức Anh trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: THANH TÚ.

Đồng chí Lê Đức Anh kể rằng, lần đầu tiên ông được vượt dãy Trường Sơn ra miền Bắc là vào tháng 12-1952. Hôm ấy, đồng chí Lê Duẩn-Bí thư Trung ương Cục miền Nam là người trực tiếp chỉ thị cho ông tổ chức đoàn cán bộ đi từ Nam Bộ ra Trung ương họp, kết hợp báo cáo kinh nghiệm đánh đồn và diệt tháp canh của địch. Sau đó, chính đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu đoàn cán bộ 13 người hành quân bộ ra miền Bắc. “Lúc đó đã có lương khô nhưng mỗi người phải cõng 20kg gạo để ăn dọc đường. Khi đi qua Khu 6 và Khu 5, chúng tôi để lại mỗi khu một tổ 3 người để phổ biến kinh nghiệm và cùng các khu đánh đồn luôn”-ông kể. Dọc đường đi, ông được tận mắt thấy sự vất vả, hy sinh của bộ đội, dân công ta. Không ít lần các ông “hút chết” bởi bom đạn kẻ thù. Chuyến đi ấy, hầu hết các thành viên trong đoàn, trong đó có ông đều bị sốt rét triền miên. Phải mất 5 tháng, đến ngày 14-5-1953, đoàn mới ra tới Tân Trào, Tuyên Quang.

Chuyến đi đầu tiên này, Tham mưu trưởng Phân liên khu miền Đông Lê Đức Anh có nhiều “cái đầu tiên”-như cách nói vui của ông-là được gặp Bác Hồ, được nghe chỉ huy một số đại đoàn chủ lực kể kinh nghiệm chiến đấu, nhất là được tham gia “lớp chỉnh đảng” do đồng chí Lê Văn Lương lên lớp… Đến tháng 12-1953, đoàn trở lại miền Nam với 4 thành viên: Lê Đức Anh, Trần Công An, Nguyễn Văn Được, Lê Thanh. Khi về đến Chiến khu Dương Minh Châu cũng là lúc tiếng súng của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã vang lên. Hòa cùng khí thế đó, ông cùng lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Bộ chia lửa với Điện Biên, chiến thắng thực dân Pháp xâm lược.

leftcenterrightdel
Con tàu của Quân khu 9 đưa Tư lệnh quân khu Lê Đức Anh vượt biển ra Bắc họp cuối năm 1973.

Khi Hiệp định Geneva được ký kết, đồng chí Lê Đức Anh nhận lệnh tập kết ra Bắc. “Trước lúc tập kết, anh em cũng tâm tư nhiều. Lúc đó, anh Lê Đức Thọ nói hai năm sẽ quay lại, anh Lê Duẩn thì bảo hãy chôn giấu những khẩu súng tốt. Chúng tôi tay đào hố chôn súng mà lòng ấm ức vì không ai muốn chia tay vùng đất thân yêu này. Đến khi có thư của Bác Hồ, anh em mới nghe”-đồng chí Lê Đức Anh kể. Lần này ra Bắc, các ông không gặp nhiều nguy hiểm như chuyến đi qua “tầm mắt địch” lần trước. Ra đến Thanh Hóa, đơn vị Nam Bộ tập kết ra Bắc thành lập Sư đoàn Bộ binh 330 do ông làm Sư đoàn trưởng. Trong thời gian từ đó đến năm 1963, đồng chí Lê Đức Anh tích cực học tập, công tác, giữ các chức vụ ở những cơ quan trọng yếu của quân đội như Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Phó cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Quân lực, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Lần đầu tiên ông được phong quân hàm sĩ quan với cấp bậc Đại tá là ngày 20-12-1958.

Đang cùng cơ quan Bộ Tổng Tham mưu tổ chức cho cán bộ miền Nam huấn luyện, rèn luyện hành quân đường dài chuẩn bị đi B-trở lại miền Nam chiến đấu, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng gọi ông lên giao nhiệm vụ trở lại miền Nam. Với bí danh mới là Sáu Nam, ông lặng lẽ ra đi ngay trong đêm, đến cả gia đình đang sống ở phố Lý Nam Đế gần cơ quan Bộ Quốc phòng và đồng đội trong cơ quan Bộ Tổng Tham mưu cũng không biết. “Tối hôm đó, tôi với anh Trần Minh Tâm quê ở Long Mỹ, Hậu Giang, sau này là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5-một trong 3 sư đoàn chủ lực đầu tiên của Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước xuống con tàu không số lặng lẽ rời bến K15 ở Đồ Sơn, Hải Phòng ra hải phận quốc tế hướng về phương Nam”-đồng chí Sáu Nam cho biết.

Từng được gặp nhiều nhân chứng là những thuyền trưởng, thủy thủ trực tiếp làm việc trên những con tàu không số này, chúng tôi biết, mỗi chuyến ra khơi là một lần đánh cược với số mệnh, rủi ro không ai có thể lường trước được. Có lẽ hiểu được suy nghĩ của chúng tôi, ông cười: “Thời điểm đó, cách mạng miền Nam đã có những biến chuyển lớn, đường thủy là con đường nhanh nhất trở lại chiến trường. Hơn nữa địch vẫn chưa phát hiện tuyến vận tải trên biển của ta. Trên đã tính toán rất kỹ lưỡng mới bố trí cho chúng tôi đi chuyến ấy. Tất nhiên chúng tôi cũng ở tâm thế sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm. Trên tàu, ngoài hai chúng tôi và thủy thủ tàu còn có những hòm súng, đạn chở vào miền Nam và lượng thuốc nổ TNT phòng tình huống bị địch phát hiện, vây bắt sẵn sàng cho nổ tàu, không để người và vũ khí rơi vào tay giặc”. Chuyến trở về Nam đó may mắn kết thúc thắng lợi. Tham mưu trưởng Mặt trận B2 Sáu Nam đã có mặt ở chiến khu cùng Bộ chỉ huy Miền lập kế hoạch xây dựng lực lượng tại chỗ. Lúc này, đồng chí Nguyễn Văn Linh đang là Bí thư Trung ương Cục, Trung tướng Trần Văn Trà là Tư lệnh B2.

leftcenterrightdel
Đồng chí Sáu Nam - Lê Đức Anh (bên phải) trên đường đi thị sát năm 1971. Ảnh tư liệu gia đình.

Trên các cương vị khác nhau trên chiến trường miền Nam, đồng chí Sáu Nam đã trực tiếp chỉ huy 4 trận đánh lớn: Đánh bại chiến dịch Junction City của quân đội Mỹ và các nước chư hầu (mùa khô năm 1966-1967); phá âm mưu bình địa, tràn ngập lãnh thổ sau khi có Hiệp định Paris của ngụy quân Sài Gòn ở địa bàn Quân khu 9; chỉ huy Chiến dịch Đường 14-Phước Long, giải phóng tỉnh Phước Long và thăm dò khả năng phản công của ngụy quân Sài Gòn (năm 1974-1975); cùng các lực lượng giành chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với vai trò là Phó tư lệnh chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Lúc này, ông đã mang quân hàm Trung tướng.

Qua những cuộc trò chuyện với Đại tướng Lê Đức Anh, chúng tôi được biết, 11 năm trường kỳ trở lại miền Nam đánh Mỹ, ông cũng có thêm một vài lần ra miền Bắc báo cáo tình hình với Trung ương rồi quay về vào cuối các năm 1966, 1968… Nhưng, có lẽ là dấu ấn kỷ niệm sâu sắc nên nhiều lần ông nhắc đi nhắc lại chuyến “vượt biển” lần thứ hai, ra miền Bắc trên các con tàu thuộc Đoàn 371, Quân khu 9. “Do trước đó, những con tàu vỏ thép của đoàn tàu không số đã bị địch phát hiện, lùng tìm và đánh phá dữ dội, ta tổn thất nhiều nên lần này, các đồng chí đưa tôi vượt biển bằng hai tàu gỗ đánh cá loại nhỏ đã cũ. Ngày 21-11-1973, tàu lặng lẽ nhổ neo. Đi được một chặng thì gặp gió to, nước tràn vào tàu, tàu bị thủng và chìm, tôi phải sang chiếc còn lại. 7 ngày đêm vượt sóng to, gió lớn, đoàn mới cập bến Hải Phòng an toàn. Lại thoát lưỡi hái tử thần lần nữa các cậu ạ!”-ông kể.

Lần nào gặp, Đại tướng Lê Đức Anh cũng cười nói về các chuyến đi ra Bắc, về Nam của mình và cả những lần “hút chết”. Ông bảo, mỗi lần thoát chết trong gang tấc, bản thân lại thầm nhủ phải cố gắng cống hiến cho dân, cho nước để đền ơn cuộc đời này. Và quả thật như vậy. Cuộc đời của đồng chí Sáu Nam, của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đến khi về với thế giới người hiền ở tuổi 99 là những ngày cống hiến, chiến đấu không ngừng nghỉ với kẻ thù và bệnh tật. Ông để lại cho hậu thế tấm gương sáng ngời về ý chí, tài năng của một tướng lĩnh tài ba, một nguyên thủ quốc gia vì nước, vì dân.

TRỊNH NGỌC SOÁI