Với lý do ấy, lần lữa mãi, bà Trần Thị Đăng Thử, con gái của đồng chí Trần Đăng Ninh (1910-1955), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần), mới nhận trả lời phỏng vấn của chúng tôi trong một chiều cuối năm.

Trước khi đến gặp bà, chúng tôi được một cán bộ của Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) chia sẻ thông tin, nhiều năm trước, cơ quan muốn lập hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với đồng chí Trần Đăng Ninh, nhưng khi hỏi ý kiến gia đình, các con ông đã từ chối vì cho rằng đồng chí Trần Đăng Ninh đã được Đảng, Nhà nước tặng phần thưởng cao quý nhất là Huân chương Sao Vàng. Từ sự khiêm tốn này, chúng tôi hiểu phần nào khi đã ở tuổi 82, nữ đại tá, nguyên cán bộ Cục Khoa học-Công nghệ và Môi trường (nay là Cục Khoa học Quân sự), Bộ Quốc phòng; nguyên đại biểu Quốc hội khóa III vẫn rất kiệm lời khi nói về cha mình. Bà cho biết, bản thân bà xa cha từ năm 1949 đến năm 1955 mới được gặp lại, nhưng chưa đầy 5 tháng sau, ông lại về với thế giới người hiền bởi một căn bệnh quái ác khi mới ở tuổi 45.

leftcenterrightdel
 Bác Hồ và đồng chí Trần Đăng Ninh. Ảnh tư liệu gia đình

Đồng chí Trần Đăng Ninh lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng và Nhà nước đưa ra nước ngoài cứu chữa nhưng cuối cùng không tìm ra phương pháp điều trị hữu hiệu. Căn bệnh khiến cơ thể ông sưng phù, lở ngứa. Những ngày cuối đời, theo nguyện vọng, ông về sống với gia đình. Năm ấy, Đăng Thử 17 tuổi, bà chứng kiến sức chịu đựng phi thường của cha khi bệnh tật hành hạ, đau đớn là thế nhưng ông không hề kêu ca hay cáu kỉnh. Trong trí nhớ của bà chỉ có một lần khi cơn đau hành hạ, ông lớn tiếng gọi tên những kẻ đã tra tấn ông trong tù ngục. Bà Trần Thị Đăng Thử kể:

“Ngày 28-5-1955, gia đình tôi nhận được tin cha đã về đến Bằng Tường. Lúc ấy, nhà tôi đang ở số 74 phố Phan Đình Phùng (Hà Nội). Cứ nghĩ như vậy là cha đã khỏi bệnh, ai ngờ...

Cha về, Bác Hồ sang thăm ngay. Có hôm Bác đến, thấy hình thể cha tôi, Người lặng đi! Sau mấy lần sang, Người yêu cầu đưa ông lên Tam Đảo có khí hậu mát mẻ để an dưỡng, nhưng chưa đầy một tuần, cha tôi xin về vì biết khó qua khỏi, muốn được ở cùng các con nhiều hơn. Ông sống liêm khiết, chính trực. Tôi nhớ có hai lần “xin” ông nhưng đều không được. Lần thứ nhất, khoảng năm 1948, địch nhảy dù xuống Vân Đình, cả nhà tôi phải chạy từ huyện Ứng Hòa (tỉnh Hà Tây trước đây, nay là Hà Nội) sang tỉnh Hà Nam. Hồi ấy, do địch thường tấn công, đi càn bất ngờ nên cũng như nhiều gia đình khác trong vùng, mẹ con tôi ở quê cũng thường phải “chạy loạn”. Mẹ tôi luôn chuẩn bị sẵn cho tôi bộ quần áo, vài bò gạo cho vào trong bị buộc túm lại để sẵn sàng đi bất cứ lúc nào. Một lần cha về, tôi hỏi xin ông chiếc ba lô với lý do để cất đồ đạc cho gọn, chứ gạo để trong bị hay tuột, rơi vãi nhiều khi mất sạch. Ông nói: “Đây là bộ đội trang bị cho bố để làm nhiệm vụ. Gạo hay bị rơi thì phải nghĩ cách buộc chặt lại”. Rồi ông hướng dẫn tôi cách dùng dây chằng miệng bị để gạo không rơi ra được. Lần khác là sau một chuyến về thăm quê nội ở huyện Ứng Hòa, bác Ba (anh trai của cha) nhờ tôi chuyển lời muốn xin cái chăn bông để đắp chứ ở quê không có, mùa đông lạnh toàn bện rơm với đắp chiếu. “Bố không có cái gì riêng cả. Chăn là của quân đội, của Nhà nước con ạ!”-khi tôi hỏi, cha đã trả lời như thế.

Những ngày cha ở nhà, các chú: Ngô Vi Thiện (thư ký), Lê Hùng Lâm (bác sĩ) cũng luôn ở bên cạnh. Chị Như (chị gái tôi) đi học Trung cấp Nông nghiệp ở Chèm, thứ bảy hằng tuần mới được về, hai em Quảng và Nguyên đều còn nhỏ nên tôi may mắn được ở bên cha nhiều nhất trong thời gian cuối cùng của cuộc đời. Cha thương các con vô bờ bến và lúc nào cũng muốn gần chúng tôi như muốn bù đắp tháng ngày xa cách do bận công tác trước đây. Ông hay dặn tôi: Con ngồi đây với bố cho bố ngủ một lúc. Bố có ngủ, con cũng đừng đứng lên nhé! Nhưng giấc ngủ của cha kéo dài được chừng 15 phút, ông lại tỉnh do cơn đau giày vò!

leftcenterrightdel
Bà Trần Thị Đăng Thử. Ảnh: TUẤN TÚ

Nhà tôi hồi ấy có ban công trông ra đường. Quốc khánh 2-9-1955, ta tổ chức duyệt binh lớn. Nhiều đêm liền trước buổi lễ, bộ đội luyện tập đi qua phố Phan Đình Phùng. Cha nhìn thấy, mắt ánh lên niềm tự hào và cảm thán: “Ôi, Quân đội ta hùng mạnh quá!”. Tôi đứng bên cạnh, có cảm giác như cha đang muốn hòa mình vào đoàn quân đang đi rầm rập ngoài kia...

 Bệnh của cha ngày một nặng thêm, nhưng cha vẫn cố kìm nén, hạn chế hết mức việc phiền hà người khác. Lần hiếm hoi tôi thấy cha cười “sảng khoái”, ấy là khi em Quảng vừa chạy quanh giường vừa bi bô tập nói. Các chú dạy em gọi “bố” thì em cứ “bò, bò” làm tất cả bật cười. Cha cũng vậy. Ông yêu quý các con theo cách của riêng mình. Ông bảo: “Cha không có gì để lại cho các con, chỉ để lại cho các con một người tốt. Các con phải năng rèn luyện, học tập để có một công việc ổn định, không phải cậy nhờ ai”. Ông còn dặn riêng tôi: “Khi bố mất, con đừng khóc “ơi bố ơi, bố bỏ con đi mất”. Bố có muốn đâu mà bệnh tật nó kéo mất bố!”.

Thường thì tôi vẫn ngồi bên ông, nhưng có lẽ không muốn chứng kiến những giọt nước mắt chia xa của chúng tôi mà buổi chiều 6-10-1955, cảm nhận được cơ thể mình, ông nói trong người khỏe khoắn và bảo tôi đi chơi. Tôi sang phòng bên chưa lâu thì thấy chú y sĩ của bố chạy ra cầu thang gọi lên tầng 3 bảo mọi người xuống. Tôi vội chạy sang thì cha đã ra đi!

Cha mất, Bác Hồ đến thăm lần cuối. Chúng tôi thấy vai Bác rung lên. Bác an ủi mẹ con tôi rồi lau nước mắt ra về. Bác

đi khỏi, cả nhà khóc to hơn. Xe đã ra đến cổng, Bác bảo quay lại. Bác vào, giọng nghẹn ngào: “Cô và các chú cứ khóc thế này, Bác không sao về được. Bác cũng đau lòng lắm, phải cố nén lại!”. Nghe lời Bác, tiếng khóc chỉ còn thút thít. Lúc ấy Bác mới lại ra về.

Sau này, những lời cha dặn, tôi đều đã kể lại cho các chị, các em. Đến giờ điểm lại, chúng tôi đã làm theo lời cha, giữ nếp gia đình. Chúng tôi đều là những quân nhân, công dân sống trách nhiệm, tự phấn đấu vươn lên”.

NGỌC MAI