Giữa năm 1979, từ một đơn vị kỹ thuật thuộc Tổng cục Hậu cần, tôi được điều về tòa soạn Báo Quân đội nhân dân (QĐND), công tác ở Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội, được phân công theo dõi nhiều lĩnh vực, trong đó có việc đặc trách công trình thủy điện Hòa Bình, hay còn gọi là "công trình thế kỷ". Trong vòng 15 năm liền xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, tôi không nhớ hết mình đã viết bao nhiêu bài báo, bởi mỗi khi có sự kiện đều cần có bài phản ánh kịp thời. Trong đó, tôi nhớ có hai đợt chặn dòng, đợt 1 vào ngày 12-1-1982 và đợt 2 ngày 9-1-1986. Chặn dòng đợt 2 là một sự kiện trọng đại trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, dòng sông Đà hung dữ chính thức được “thuần hóa”, sản sinh ra dòng điện cho Tổ quốc.

leftcenterrightdel

 Thiếu tướng Trần Công Mân, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (thứ hai, từ trái sang) đi thăm và làm việc trên công trường Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, tháng 3-1987. Ảnh: XUÂN GỤ

Hôm đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến chứng kiến sự kiện, đứng trên bờ kênh phải ném một khối bê tông tượng trưng xuống dòng kênh. Sau đó, hàng loạt xe máy hạng nặng lấp đầy dòng kênh trong vòng vài giờ bằng những khối bê tông cốt thép hình chóp lớn. Về mặt truyền thông đã được Chính phủ chuẩn bị kỹ từ trước, sẽ có một thông điệp viết bởi các nhà báo kỳ cựu, đứng đầu là nhà báo Thép Mới của Báo Nhân Dân, tôi cũng được mời tham gia trong nhóm soạn thảo. Đó là "Bức thư gửi các thế hệ mai sau". Bức thư này được đưa vào một cái hộp để trong một khối bê tông cốt thép hình chóp, đặt ở nơi lưu giữ là tháp lưu niệm thủy điện Hòa Bình xây bên bờ trái, liền kề với khuôn viên nhà máy. Và một quy định có tính ước lệ, vào năm 2036, bức thư đó sẽ được mở ra. Thiếu tướng Trần Công Mân Tổng biên tập còn nhắc tôi, ngày chặn dòng sông Đà, Báo QĐND sẽ phải có một bài viết cho thật “hoành tráng”, trang 1 đưa tin nổi bật, bài viết đưa vào trang trong (trang Kinh tế-Xã hội). Dựa vào những ý trao đổi trong nhóm nhà báo viết bức thư gửi thế hệ mai sau, tôi viết bài: “Chặn dòng sông lại, hôm nay”. Bài báo chiếm gần nửa trang 2 (ngày đó Báo QĐND hằng ngày ra 4 trang), trình bày nổi bật. Tôi viết theo dạng tùy bút, có chất văn học “bay” hơn một bài báo thông thường. Báo ra buổi sáng hôm đó, được phát hành rộng rãi trên công trường (quân đội có một sư đoàn trực tiếp đào đường hầm chính). Hôm đó, trong cuộc gặp mặt báo chí, Tổng giám đốc công trình thủy điện Ngô Xuân Lộc (sau này là Phó thủ tướng) đã gặp tôi, khen ngợi bài báo và trong buổi phát thanh thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật cuộc chặn dòng lịch sử, đã đọc bài này.

Sau ngày thủy điện Hòa Bình khởi công 26 năm, lại có cuộc khởi công bậc thang thủy điện mới tại Pa Vinh, nay thuộc thị trấn Ít Ong, thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Tôi vẫn được phân công theo dõi các công trình thủy điện và một đơn vị chuyên thiết kế là Công ty Khảo sát thiết kế điện 1 thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam coi tôi như người nhà thân thiết, luôn đưa đón đến các công trình thủy điện lớn, nhỏ mà công ty chủ trì thiết kế, tư vấn. Công trình thủy điện Sơn La có công suất 2.400MW, lớn gấp gần 1,3 lần thủy điện Hòa Bình.

leftcenterrightdel
Giáo sư Phan Trường Thị (bên phải) và tác giả, năm 2020. Ảnh: TUẤN TÚ

Giáp Tết Tân Tỵ 2001, tôi có người hàng xóm ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc, là Giáo sư (GS), Tiến sĩ khoa học Phan Trường Thị. Ông là nhà khoa học địa chất hàng đầu của nước ta trong lĩnh vực thạch học kiến tạo địa tầng. Ông mới cùng một nhóm khảo sát địa chất khu vực Pa Vinh trở về. Ban đầu, đã có những đơn vị khảo sát địa chất kỹ càng khu vực này rồi, từ đó Công ty Khảo sát thiết kế điện 1 mới lên phương án tính toán thiết kế cụ thể công trình để Nhà nước phê duyệt. Nhưng là một công trình trọng điểm quốc gia, Chính phủ vẫn yêu cầu lập thêm một đoàn khảo sát địa chất nữa do GS Phan Trường Thị khi đó là Phó hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn đầu, trực tiếp đến hiện trường tìm hiểu, nghiên cứu để có thêm tiếng nói phản biện. Sang thăm nhà GS Phan Trường Thị, tôi thấy ông tỏ ra lo lắng, cho là mực nước dâng cao nhất dự kiến 295m như thiết kế sẽ là quá cao, trong khi kiến tạo địa chất vùng nền móng đập như nhóm nghiên cứu của ông vừa phát hiện thì có những vết nứt “trẻ”. Nhóm khảo sát trước thì cho là nền đá gốc có vết nứt, nhưng là vết nứt “già” hóa thạch, tức nền ổn định, không phát sinh đứt gãy mới. Việc phát hiện vết nứt “trẻ” là một vấn đề hệ trọng, hết sức nhạy cảm, vả lại, người phát hiện lại là một nhà địa chất có uy tín. Tôi nảy ra ý định phỏng vấn nhà địa chất về vấn đề nóng này. Nhưng ban đầu tôi rất phân vân, nếu ủng hộ lập luận của GS Phan Trường Thị thì tức là làm “mất lòng” đơn vị thiết kế điện lâu nay tôi vẫn thân thiết. Cuối cùng, vì nghĩ đến lợi ích chung ở một vấn đề hệ trọng có tầm quốc gia như vậy, tôi quyết định phỏng vấn GS Phan Trường Thị. Bài đăng trên Báo QĐND Cuối tuần vừa phát hành đã lập tức thu hút dư luận, bởi đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia. Lại đúng vào lúc Quốc hội khóa X đang họp, đã có đại biểu nêu vấn đề mới được Báo QĐND Cuối tuần đề cập.

leftcenterrightdel
Công trình thủy điện Hòa Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: NGỌC THANH

Rồi theo sự chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan chủ trì thiết kế là Công ty Khảo sát thiết kế điện 1 đã phải dừng việc trình duyệt phương án thiết kế Nhà máy Thủy điện Sơn La, mở hội thảo để các nhà khoa học ngồi lại với nhau bàn thảo một cách thẳng thắn, có trách nhiệm về vấn đề hệ trọng nêu trên. Trong hội thảo, đã có nhiều ý kiến tranh cãi sôi nổi, gay gắt về học thuật. GS Phan Trường Thị và các cộng sự đã kiên quyết bảo vệ lập luận của mình. Tuy thông qua chủ trương đầu tư nhưng Quốc hội ngày đó đã thay đổi tiến độ phê duyệt dự án, chưa quyết định phương án xây dựng thủy điện Sơn La trong năm dự kiến (năm 2003), mà lùi lại thêm hai năm nữa. Quyết định quan trọng cuối cùng là hạ chiều cao mực nước hồ từ 295m xuống còn 215-230m. Tuy Quốc hội không định rõ “thắng-thua” về học thuật của các nhóm khảo sát địa chất nhưng việc hạ mực nước, giảm dung tích hồ phù hợp với đề xuất của nhóm nghiên cứu của GS Phan Trường Thị. Tức là sự việc do Báo QĐND Cuối tuần nêu đã được cấp cao nhất xem xét, chấp nhận...      

PHẠM QUANG ĐẨU