Dáng người cao lớn, chắc khỏe, giọng nói mộc mạc đúng chất dân tộc Tày, Đại tá Lường Văn Khoa bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu: “Dọc đường chiến trận với bao kỷ niệm vui, buồn, gian khổ, hiểm nguy trở thành “gia sản” của tôi trong cuộc đời binh nghiệp. Từ ngày nghỉ hưu, tôi mang những kỷ niệm đó trao truyền cho thế hệ trẻ để bồi đắp lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng thông qua các buổi nói chuyện truyền thống trên địa bàn”.

Trong câu chuyện của ông, có cả những chi tiết về quê hương Ba Bể (Bắc Kạn) nơi ông sinh ra; tình cảm, khí thế hừng hực ngày ông nhập ngũ tháng 2-1964 và những chiến công của Bộ đội Đặc công trên các chiến trường. Thế nhưng, khoảng thời gian chiến đấu giải phóng miền Nam luôn được ông kể tường tận, chi tiết nhất.

Đầu năm 1974, Tiểu đoàn 7 Đặc công nằm trong đội hình Đoàn 367B, đóng quân ở rừng Nhum, Bến Cầu (Tây Ninh) tham gia tác chiến ở khu vực Long An và cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn. Cuối tháng 3-1974, trong đội hình của cấp trên, Tiểu đoàn 7 Đặc công do Lường Văn Khoa làm Tiểu đoàn trưởng, được giao nhiệm vụ đánh từ hướng Tây vào trận địa pháo và sở chỉ huy địch đóng ở Đức Huệ, sau đó chiếm giữ trận địa, dẫn đơn vị bộ binh của Sư đoàn 5 (Quân khu 7) vào chốt giữ, sẵn sàng đánh địch ban ngày. Mục tiêu này là tiền đồn của quân đội ngụy Sài Gòn, được củng cố bằng nhiều tường rào; các lô cốt, nhà ngủ đều làm âm vào trong bờ đất, có hỏa lực, súng pháo bảo vệ...

Đại tá Lường Văn Khoa hồi tưởng: “Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi lựa chọn 27 đồng chí trong Tiểu đoàn để hình thành một mũi, gồm 3 tổ, mỗi tổ 2 nhóm thống nhất đánh “nở hoa trong lòng địch”. Ngày 26-3-1974, Tiểu đoàn 7 cơ động thành hàng dọc, lội qua bưng sình lầy, đầy cỏ lác, bùn lún sâu tới đầu gối để tiếp cận mục tiêu. Gần 20 giờ, đơn vị mới vượt qua bưng, tới bãi đất trống trước đồn địch. Khoảng 22 giờ 30 phút, mũi trưởng lên kiểm tra hướng tiến công, 23 giờ tiềm nhập vào đồn địch. Theo thời gian hiệp đồng, các lực lượng đã sẵn sàng chiến đấu. Đúng 0 giờ ngày 27-3-1974, trận đánh bắt đầu. Sau khoảng 10 phút chiến đấu, đồng chí mũi trưởng báo cáo đã chiếm được trận địa pháo của địch. Tôi truyền lệnh cho mũi trưởng cử người giữ vững trận địa để tôi trực tiếp lên kiểm tra.

leftcenterrightdel
Đại tá Lường Văn Khoa giao lưu, kể chuyện truyền thống tại Trường THCS Võ Thành Trang (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: PHÚ TÂN 

Khi tôi cơ động vào trận địa pháo của địch thì thấy một lô cốt địch cách chừng 20m. Phát hiện ra tôi, địch trong lô cốt hô hoán: “Việt... cộng! Việt... cộng!”. Với kinh nghiệm chiến trường, tôi lui lại, nhảy qua hàng rào và nấp trong một công sự có sẵn. Địch trong lô cốt bắn ra rát rạt, ném lựu đạn về phía tôi, nhưng đều bị vướng hàng rào nên tôi an toàn. Khi tôi đang nấp dưới công sự thì mũi tiến công của Tiểu đoàn 7 Đặc công vẫn tiếp tục cơ động, thọc sâu đánh chiếm sở chỉ huy địch. Các chiến sĩ đặc công đã đánh trúng một kho vũ khí, làm đạn dược cháy nổ, khói bốc lên trùm cả khu vực lô cốt địch và công sự nơi đang trú ẩn. Khoảng 5 giờ sáng, tôi lợi dụng địa hình, thời cơ thoát khỏi tầm hỏa lực của địch, cơ động tới khu vực ém quân của đơn vị bộ binh, dẫn quân ta vào đánh địch làm chủ mục tiêu”.

Cuối năm 1974, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Đặc công Lường Văn Khoa được phân công làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 13 Đặc công, Trung đoàn 429 (Sư đoàn 2, Bộ chỉ huy Miền). Ở đơn vị mới, ông chỉ huy đơn vị huấn luyện, chiến đấu và trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhớ lại trận đánh ngay trước thời khắc lịch sử hào hùng đó, Đại tá Lường Văn Khoa kể: “Ngày 24-4-1975, tiểu đoàn tôi được giao nhiệm vụ bí mật đánh chiếm Đài ra-đa Phú Lâm (quận 6), sau đó đánh vào Tổng nha Cảnh sát ngụy. Đài ra-đa Phú Lâm là trung tâm thông tin lớn nhất, hiện đại nhất của địch lúc bấy giờ với gần 800 nhân viên quân sự hoạt động, được bảo vệ nghiêm ngặt. Chúng tôi quán triệt nhiệm vụ, xác định quyết tâm và làm mọi công tác chuẩn bị.

Đúng 7 giờ sáng 27-4-1975, đơn vị bắt đầu hành quân, do một nữ biệt động dẫn đường. 17 giờ 30 phút, tạm dừng bên kênh Láng Le (Bình Chánh). Các chiến sĩ lợi dụng địa hình, địa vật trú ẩn, nghỉ ngơi. Suốt một ngày, bộ đội ngâm mình núp dưới kênh, đúng 18 giờ ngày 28-4, Tiểu đoàn tiếp tục cơ động tiếp cận mục tiêu. 20 giờ, lực lượng trinh sát dẫn các đại đội vào từng vị trí. Tiểu đoàn trưởng Khoa cùng Chính trị viên Thượng vận động lên phía trước sở chỉ huy, quan sát mục tiêu địch. Trong lúc hai đồng chí cán bộ Tiểu đoàn hội ý xác định phương án mật tập mục tiêu Đài ra-đa Phú Lâm thì nhận được tin bộ phận hỏa lực ĐKZ đi chiếm lĩnh trận địa đạp phải mìn làm hai đồng chí hy sinh. Lực lượng tổ chức đi đưa thương binh, tử sĩ ra ngoài lại vướng mìn làm hai đồng chí nữa hy sinh. Vậy là trận đánh đã mất yếu tố bí mật. Địch dùng hỏa lực đại liên, M79, cối bắn ra như vãi đạn. Trước tình thế ấy, tôi lệnh cho toàn Tiểu đoàn chuyển sang bao vây và đánh địch phản kích”.

Khoảng 9 giờ sáng 29-4-1975, từ hướng quận 6, khoảng một đại đội địch cơ động về phía Đại đội 2 và Đại đội 3. Được lệnh của Tiểu đoàn trưởng, các đại đội nổ súng đánh lui quân địch phản kích. Trong ngày, Tiểu đoàn 13 Đặc công đã chiến đấu, buộc địch phải rút chạy về phía Nam quận 6 và tiếp tục bao vây địch ở Đài ra-đa Phú Lâm.

Đại tá Lường Văn Khoa hồi tưởng: “Khoảng 5 giờ sáng 30-4-1975, tôi cùng Chính trị viên Thượng phán đoán địch sẽ phản kích ác liệt và thông báo cho các đại đội sẵn sàng đợi lệnh. Trong lúc bao vây Đài ra-đa Phú Lâm, các đơn vị Tiểu đoàn 13 Đặc công tiếp tục đánh địch xung quanh và bắt tù binh, trong đó có tên đại tá, chỉ huy quân biệt động bảo vệ nội đô. Tôi cử người đưa tên đại tá ngụy về sở chỉ huy Trung đoàn 429. Cũng lúc này, các đơn vị phối hợp đã đánh chiếm được Đài ra-đa Phú Lâm. Tôi giao cho Đại đội 2 tham gia chốt giữ trạm ra-đa, đồng thời chỉ huy 3 đại đội tiến thẳng vào Tổng nha Cảnh sát ngụy. Tới khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy thì tôi nhận được thông tin đơn vị bạn đã chiếm được mục tiêu Tổng nha Cảnh sát ngụy. Tôi liền hạ lệnh cho các đại đội dừng lại, tổng hợp tình hình báo cáo về chỉ huy Trung đoàn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới... Lúc bấy giờ là trưa 30-4-1975”.

leftcenterrightdel

 Đại tá, CCB Lường Văn Khoa (bên phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm thời trận mạc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Lường Văn Khoa được giao nhiệm vụ Phó chủ tịch Ủy ban quân quản quận 6, trực tiếp vận động đông đảo sĩ quan, binh sĩ ngụy ra trình diện, tham gia các lớp cải huấn. Ít lâu sau, ông chuyển sang làm Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS quận 3, trực tiếp lập kế hoạch, phương án đấu tranh, ngăn chặn các băng nhóm phản động, vượt biên, tàn dư của chế độ ngụy quyền, bảo vệ địa bàn. Năm 1976, lần đầu tiên thành phố triển khai thực hiện nghĩa vụ quân sự, ông được giao nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn huấn luyện, bổ sung quân cho lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh và các đơn vị khác, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, phát triển kinh tế, xây dựng thành phố ngày càng hùng mạnh...

Trở về cuộc sống đời thường, hơn 20 năm nay, ông đảm nhiệm Bí thư chi bộ khu phố, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến quận Tân Phú, tiếp tục cống hiến cho địa phương, tích cực tham gia nói chuyện truyền thống, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.   

Bài và ảnh: CHÂU GIANG