QĐND - Trong những ngày cuối năm Âm lịch Tân Mão, tàu HQ-936 của Vùng 4 Hải quân thực hiện chuyến hải trình chở đoàn công tác của Lữ đoàn 146 cùng 15 phóng viên ra tuyến giữa Trường Sa. Đang trong mùa biển động nên sau mỗi đợt gió mùa Đông Bắc, biển lại cồn lên những đợt sóng như thử thách ý chí và sức chịu đựng của những ai lần đầu đặt chân tới các vùng đảo nổi, đảo chìm mang tên gọi: Cô Lin, Len Đao, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Tiên Nữ...

Những vạt rau hiếm hoi trên đảo chìm Tốc Tan.

Trước lúc tàu rời cảng Cam Ranh, chúng tôi đã gặp Nguyễn Song Hùng, một trong số những tân binh lần đầu ra Trường Sa, khi anh đang tất bật chuẩn bị ba lô và những cuốn lịch mới trên tay. Một thoáng tư lự, chàng trai quê thị trấn Dùng (Thanh Chương, Nghệ An) dõi ánh mắt tìm người thân đang còn đứng phía ngoài cầu cảng, Hùng kể: “Ba em ra Nha Trang ở nhà người quen từ vài ngày trước và hôm nay có mặt ở đây để tiễn chân em. Ba lo cho em vì lần đầu đi biển, chắc em say dữ lắm!”. Mười tám tuổi, lại là con cả trong gia đình nên ngay trong chuyến xa nhà đầu tiên, Hùng không khỏi háo hức và có phần lo lắng, lo vì “sức trẻ” của mình liệu có chịu được sự khắc nghiệt của sóng gió Trường Sa...

Những ngày biển động, chúng tôi có dịp nán lại đảo Phan Vinh dài hơn dự kiến. Vài tháng sau dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, giờ đây, trên hòn đảo mang tên người anh hùng của Đoàn tàu không số, chúng tôi lại có mặt dưới những tán bàng quả vuông để nghe chuyện của những người lính biển. Không hiểu cánh lính Phan Vinh mến khách hay các vị khách tới đây giỏi “gợi chuyện” mà nhiều chiến sĩ trẻ đã nhiệt tình dẫn cánh phóng viên đi khắp đảo để kể tên các loại cây và “công dụng” của chúng. Đến bữa, trên mâm cơm đãi khách, thấy những búp bàng, những lá tra mơn mởn được bứt ra, đặt lên đĩa thay cho món rau, ai nấy đều tò mò, đưa lên miệng, “thực khách” thấy cả vị chát lẫn vị muối mặn mòi của biển. “Món rau cây nhà lá vườn đấy, ăn những lá non này kèm với thịt sẽ đỡ ngán”, Chính trị viên phó Nguyễn Văn Tạo bảo vậy. Tôi và các đồng nghiệp háo hức thưởng thức, ai đó có ý so sánh với những lá sung, lá ổi… ăn cùng nem chua, nem thính trong đất liền, nhưng tôi hiểu, với lính Trường Sa, đó chỉ như một thứ gia vị xuất hiện trong bữa cơm đãi khách đất liền, cũng như cánh lính đảo vẫn thường gói những chiếc bánh chưng xinh xắn bằng lá bàng quả vuông để mang nét đặc trưng “Tết đảo”, chứ những lá bàng non, những lá tra mơn mởn mà các anh vẫn gọi vui là “nho biển” ấy khó có thể xuất hiện đều đặn trong bữa cơm và thế chỗ cho món rau xanh. “Nếu dùng thường xuyên, cái vị chát ấy sẽ làm khổ “đầu ra” của lính đảo”, một chàng lính trẻ đã tếu táo ghé tai tôi.

“Đảo nổi mà mỗi năm chúng tôi vẫn phải chịu thiếu rau vài tháng, đó là những tháng biển động như thế này” - Đại úy Phạm Ngọc Chi, Trợ lý Hậu cần của đảo Phan Vinh bảo vậy. Trong câu chuyện xoay quanh đề tài “con cá, lá rau”, chúng tôi đã được cánh lính đảo kể rằng, trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thì Phan Vinh chính là nơi có nhiều cá nhất. Mùa này biển động nên chúng tôi không được chứng kiến lính đảo Phan Vinh “sát cá” như thế nào, nhưng tên các loại cá thì thấy họ kể vanh vách. Nào là: Thu bè, bò bọc thép, bò sừng, bò ngu, cá sạo, cá hồng, cá mú hoa, mú si, mú gà, cá mó, cá nhồng, cá tráp… Mỗi người đều có thể tả về những lần đánh bắt, về hình dáng, vị ngon của hàng chục loại cá, và dĩ nhiên là chừng ấy loại đã được cánh lính đảo “thưởng thức” trong những ngày sóng yên biển lặng…

Các phóng viên ăn “Tết sớm” cùng lính đảo Phân đội 3, đảo Phan Vinh.

Giữa trùng khơi, có người gợi chuyện, dường như lính Trường Sa cũng dễ trải lòng, và nhiều người đã không ngại kể về mình. Thiếu úy, QNCN Trần Văn Đinh, Pháo thủ tăng thuộc Phân đội 2 của đảo Phan Vinh đã từng 4 lần ra công tác ở các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Riêng Phan Vinh, đây là lần thứ hai anh tới làm nhiệm vụ. Lần trước cách nay cũng đã 15 năm nên Đinh không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của hòn đảo mình từng gắn bó, thật khác so với những khó khăn mà anh và đồng đội từng trải qua từ năm 1997: “Hồi đó, đảo rất hiếm nước ngọt nên hằng ngày chúng tôi phải tắm nước biển rồi tráng lại bằng nước ngọt, có thời điểm 10 ngày, cánh lính đảo mới được tắm như thế. Món ăn tinh thần là các loại thư, báo thì cứ 6 tháng tàu ra mới được nhận”. Đang lúc mặn chuyện, chàng lính tăng kể lại cho chúng tôi nghe về “cơ duyên” để mình có được “một nửa” ở đất liền. Ấy là năm 2000, chàng lính trẻ Trần Văn Đinh về phép. Nhà anh ở cạnh Trường Tiểu học Mỹ Tiến (huyện Mỹ Lộc, Nam Định). Biết Đinh vẫn “chưa cùng ai” nên một cô giáo ở cùng xóm đã gợi ý: “Ở trường có mấy cô giáo trẻ, ra đó nếu “chấm” được ai thì để tôi giới thiệu cho”. Theo lời mai mối, người mà anh có ý định tìm hiểu là một cô giáo ở xã bên cách trường hơn 5 cây số. Cô giáo làng tên Yến ấy đã không dễ xiêu lòng khi biết Trần Văn Đinh là lính đảo Trường Sa và thời gian xa nhà của anh lại toàn tính bằng… vài ba cái Tết. Gần hết phép, như cách nói vui của chàng lính đảo, thì hai người mới chỉ ở giai đoạn “quen, thân mà chưa dám ngỏ lời”. Đinh tiếp tục ra đảo công tác và rồi hai năm sau, tổ ấm “chồng bộ đội-vợ giáo viên” của họ đã được dựng xây. Có với nhau hai mặt con, vậy mà khi cậu út vừa sinh được hơn một tuổi, lần thứ tư Đinh lại viết đơn xin ra Trường Sa. Lần này thì anh quyết tâm lắm, bởi anh từng tự nhủ một cách “lãng mạn” rằng: Càng để lâu thì mình càng… già, và như thế sẽ càng dễ tuột mất cơ hội… ra biển lớn! “Vợ em nghĩ tới cảnh một nách hai con thơ nên không muốn chồng đi công tác xa, nhưng lần này chính ông bà ngoại lại ủng hộ ý định của con rể, thế là cuối cùng vợ em cũng đồng ý để em… có mặt ở đây”, chàng lính tăng kể chuyện với một chất giọng lém lỉnh.

Tiết mục giao lưu “giữ bóng bằng trán” giữa chiến sĩ trẻ Trường Sa và cán bộ Trung ương Đoàn. Ảnh: QUANG HUY

Tôi được anh bạn đồng hương là Thiếu tá Dương Quang Hưng, Trợ lý Phòng không đảo Phan Vinh kể lại kỷ niệm cách đây một năm, khi đoàn đại biểu dân-chính-đảng tỉnh Hưng Yên ra thăm Trường Sa. Người Hưng Yên làm nhiệm vụ ở Trường Sa không ít, nhưng hôm ấy anh được Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Doãn Thế Cường quan tâm, hỏi han nhiều về gia cảnh. Trong lúc trò chuyện, đồng chí Phó bí thư tỉnh ủy được biết anh đã có 3 “nhiệm kỳ” ra công tác ở Trường Sa và vừa mới xây dựng gia đình ở tuổi 36. Anh Hưng dè dặt đề nghị với đồng chí Phó bí thư quan tâm giúp tới “hậu phương” của mình, vì đã 5 năm nay vợ anh là cô giáo Trần Thị Thảo vẫn chưa được vào biên chế và chỉ hưởng mức lương giáo viên hợp đồng của Trường THCS Hùng Cường (Kim Động, Hưng Yên). Ông Doãn Thế Cường ghi nhận những khó khăn của anh và đã chỉ đạo các ban, ngành quan tâm tới đề nghị chính đáng ấy. Không để người lính Trường Sa phải mỏi mòn ngóng trông, tháng 9-2011 vừa qua, anh được vợ gọi điện báo tin: “Em vừa có quyết định vào biên chế rồi!”. Nhận tin, anh thấy nhẹ cả người, bởi từ nay vợ anh sẽ yên tâm công tác và thay anh chu toàn công việc gia đình…

Từ câu chuyện của Thiếu tá Hưng, chúng tôi có dịp tìm hiểu về “hậu phương” của lính đảo. Mỗi người có một cách sẻ chia, nhưng ai cũng thấy ấm lòng với những sự quan tâm của người dân cả nước dành cho họ. Nhưng cũng có những điều lính đảo không tiện nói mà chúng tôi vẫn dễ nhận thấy. Xa đất liền, các anh thiếu thốn nhiều, vậy mà vẫn có những thứ dư thừa không cần thiết, ấy là khi lính đảo nhận được những gói quà “na ná” nhau với rất nhiều bánh, kẹo. Những thứ ấy họ ăn không nhiều, ngay cả trong những dịp lễ, Tết, sinh nhật, rồi liên hoan văn nghệ... Vì thế, nhiều lúc bánh kẹo thì còn mà... hạn dùng thì hết! Theo chúng tôi, giá như các đoàn ra thăm nên có sự quan tâm thiết thực hơn, chẳng hạn biết lính đảo thiếu rau, không mang được rau thì hãy tặng họ những loại hạt giống thích hợp hoặc mang giúp các anh những loại phân bón dễ vận chuyển. Hãy giúp họ có thêm nhiều công cụ tích nước ngọt để dự trữ vào mùa khô…

Minh Tuệ