Một trong số đó là Đại úy QNCN Nguyễn Hữu Viên, Đội phó Đội Nuôi trồng dược liệu thuộc Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9 (Trại rắn Đồng Tâm).
“Duyên” với rắn độc
Đại úy QNCN Nguyễn Hữu Viên sinh ra trên quê hương Thoại Sơn, An Giang. Anh vào trung tâm làm công nhân chưng cất tinh dầu bạc hà từ năm 1987 ở đội trồng. Anh còn trải qua nhiều vị trí công tác, như: Nhân viên vườn ươm cây giống, tổ nấu cao… rồi được cử đi học các lớp tập huấn nghiệp vụ, sơ cấp dược. Anh Viên bắt đầu chăm sóc rắn độc từ năm 1990.
Anh Viên kể với chúng tôi, anh bắt đầu “làm bạn” với rắn khi ở tổ nuôi rắn thiếu người chăm sóc nên anh được “biệt phái” sang để hỗ trợ. “Nuôi rắn độc là công việc nguy hiểm, đòi hỏi người nuôi phải tỉ mỉ, cẩn thận và tập trung cao độ, nếu không dễ xảy ra mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng. Thời điểm đó, tôi chỉ là người học việc, chập chững bước vào nghề nuôi rắn. Ban đầu tôi cũng thấy sợ, nhưng được các anh đi trước hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, cộng với sự đam mê, tiếp xúc nhiều nên biết được phản xạ và thói quen của chúng. Và từ đó tôi không còn thấy sợ nguy hiểm và chuyên trách luôn công việc nuôi rắn cho đến nay”, anh Viên nói.
    |
 |
Đại úy QNCN Nguyễn Hữu Viên giới thiệu về loài rắn lục đuôi đỏ. |
“Cái duyên” với nghề nuôi rắn độc của anh Viên còn xuất phát từ sự động viên, khích lệ của người bạn đời, đó là Đại úy QNCN Võ Kim Phụng, nhân viên sản xuất thuốc của trung tâm. Công tác chung đơn vị nên phần nào chị thấu hiểu được công việc của anh. Chị Phụng chia sẻ: “Ban đầu gia đình ai cũng phản đối anh theo nghề này, vì rất nguy hiểm. Hễ nghe nơi nào có rắn độc là anh lại khăn gói tìm đến, ăn ngủ trong rừng, có khi mấy tuần mới về nhà. Những chuyến đi như vậy, tôi rất lo, nhưng anh Viên rất quyết tâm, miệt mài trong công việc. Anh còn tự nghiên cứu về chuồng trại cho các loài rắn, thấy anh đam mê quá nên từ đó tôi ủng hộ, động viên để anh hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Anh Viên kể với chúng tôi, vào tháng 6-1993, nghe tin báo của người dân ở rừng U Minh (Cà Mau) xuất hiện rắn hổ mang chúa, trung tâm giao nhiệm vụ cho anh đi bắt rắn cùng với thầy Bảy Hùng-người bắt rắn có tiếng ở địa phương. Anh Viên kể: “Lần đi đó, với nhiệm vụ bắt rắn hổ mang chúa để bảo tồn, tôi cùng thầy Bảy Hùng tìm kiếm, lục lọi mấy ngày liền ở các nơi như: Ngọc Hiển, Đầm Dơi… để tìm rắn. Lần theo dấu vết của rắn, ban đầu tôi cũng thấy sợ, vì hồi nào đến giờ chưa bắt rắn sống ở tự nhiên như vậy. Nhưng được sự chỉ dẫn của thầy Bảy nên tôi thấy tự tin hơn. Chuyến đi đó tuy chúng tôi chỉ thấy được da rắn, trứng của rắn hổ mang chúa, nhưng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm về rắn từ thầy Bảy Hùng”.
Không sợ hiểm nguy
Đưa chúng tôi tham quan các chuồng rắn, chỉ vào những cái lồng hình lục giác được xây dựng kiên cố bằng sắt, bao quanh các gốc cây to để có bóng mát cho rắn theo mô hình bán hoang dã, nhìn khá an toàn, anh Viên cho biết, ở đây có khoảng 100 con rắn hổ mang chúa, gần 700 con rắn hổ mang đất và nhiều loại rắn độc khác. Tất cả các loại rắn đều được quản lý chặt chẽ, ở mỗi lồng đều có gắn thẻ quản lý về lý lịch, nguồn gốc vùng miền, trọng lượng, thời gian sinh trưởng, thời gian lấy nọc… Đến giờ cho rắn ăn, khi anh Viên thả rắn mồi vào chuồng thì nhanh như cắt, rắn hổ mang chúa đã tấn công con mồi, truyền nọc độc đến khi con mồi không còn cử động và từ từ nuốt vào bụng chỉ trong vài phút. Chứng kiến cảnh tượng này, chúng tôi ngỡ như mình đang xem chương trình thế giới động vật trên ti vi.
Anh Viên kể, cách đây hai năm, người dân ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) bắt được con rắn hổ mang chúa dài hơn 3 mét, nặng hơn 6,3kg. Hay tin, Ban giám đốc đã cử cán bộ với các dụng cụ chuyên dùng đến tận nơi để đưa rắn về chữa trị. Khi mới về trung tâm, rắn bị thương rất nặng, không tự ăn được do bị chích điện, miệng bị may lại, người dân chỉ tưới nước để duy trì sự sống cho rắn chứ không cho ăn. Anh Viên được giao nhiệm vụ cùng với các y sĩ, bác sĩ cứu chữa. Đến nay rắn đã dần hồi phục, có thể di chuyển tốt, các vết thương ngoài da đã lành và tự ăn được. “Chúng tôi phải chích thuốc kháng sinh, sát trùng vết thương và đút mồi đến tận miệng như trẻ em mới bảo đảm được sức khỏe của rắn”, anh Viên nói.
Hơn 25 năm trong nghề, nhưng anh Viên cũng không tránh khỏi tai nạn nghề nghiệp và ít nhất một lần anh suýt chết khi chăm sóc rắn, phải nằm điều trị gần một tháng mới khỏi hẳn. Vậy mà khi được hỏi vất vả, nguy hiểm là vậy mà sao vẫn theo đuổi, anh Viên nói: “Cái vất vả của mình có gì nhiều đâu, hằng ngày có rất nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn, phải chịu bao đau đớn, tốn kém tiền bạc, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Tôi góp một ít công sức để điều chế thuốc điều trị và khi thấy họ mạnh khỏe về bên gia đình là tôi vui lắm rồi”.
Nói về Đại úy QNCN Nguyễn Hữu Viên, Thượng tá, Bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Văn Phát, Giám đốc Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9 cho biết: “Đồng chí Viên là cán bộ tâm huyết với nghề và nhiều kinh nghiệm nhất trong nuôi bảo tồn rắn của đơn vị. Mỗi khi giao nhiệm vụ gì, chúng tôi rất tin tưởng anh Viên sẽ hoàn thành với kết quả cao nhất. Với bản tính siêng năng, anh luôn năng nổ, nhiệt tình, gương mẫu trong công việc, tích cực học hỏi, nghiên cứu để tiếp cận khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thực tế công việc. Anh cũng là tấm gương tiêu biểu có nhiều đóng góp trong sản xuất huyết thanh để chữa cho những bệnh nhân bị rắn cắn cũng như việc bảo tồn nguồn gen của các loài rắn quý hiếm”.
Bài và ảnh: PHAN HỮU TÀI