QĐND - Nguyễn Bình là Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được sử sách tôn vinh là một trong những danh tướng xuất sắc của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, có công lao đóng góp đặc biệt to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong những giai đoạn, thời điểm mang tính bước ngoặt lịch sử. Đã hơn 64 năm kể từ ngày ông hy sinh, những người cùng sống, chiến đấu bên cạnh ông hầu hết đã về thế giới bên kia. Một số ít người còn sống thì nay cũng đã tuổi cao, sức yếu…

Tình thương yêu dành cho người thân

Trong quá trình đi tìm tư liệu cho bài viết này, chúng tôi may mắn được gặp những người thân thích, có kỷ niệm sâu đậm với vị Tư lệnh đầu tiên của LLVT Quân khu 7. Trong ký ức của họ, Trung tướng Nguyễn Bình không chỉ là nhà quân sự-chính trị tài ba, có tầm nhìn chiến lược, một vị tướng can trường, mưu lược… mà còn là người cha, người chú, người anh mẫu mực về nhân cách, sống tình cảm, chan hòa, giàu nhân nghĩa… Ông Nguyễn Phương Chiến, con nuôi của Trung tướng Nguyễn Bình, hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Thân phụ của ông Chiến là cố bác sĩ Trần Văn Du, bậc trí thức yêu nước, từng học và làm việc ở Pháp. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cùng nhiều trí thức lúc bấy giờ đã từ bỏ cuộc sống phồn hoa xứ người tìm đường về nước, đi theo Bác Hồ phục vụ kháng chiến. Ông được phân công làm bác sĩ ở Bệnh viện Quân dân y Nam Bộ. Tại đây, ông lập gia đình với nữ bác sĩ Trần Thị Mỹ Dung. Sinh con trai đầu lòng chưa được bao lâu thì bác sĩ Du bị địch bắt trong một trận càn của thực dân Pháp và hy sinh sau đó. Ông Chiến kể lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời mình: “Sau khi ba hy sinh, mẹ đưa tôi vào bệnh viện, vừa phục vụ cách mạng vừa nuôi con trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn. Vào khoảng những năm 1949-1950, trong một lần đến bệnh viện, chứng kiến hoàn cảnh của hai mẹ con tôi, Tư lệnh Nguyễn Bình đã nhận tôi làm con nuôi và cho tôi mang họ của ông”. 

Bác Hồ và các đồng chí: Phạm Văn Đồng (đứng bên trái), Võ Nguyên Giáp (bên phải), Nguyễn Bình (giữa) trước ngày đồng chí Nguyễn Bình nhận nhiệm vụ vào Nam Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang chống Pháp. Ảnh tư liệu.

Khi còn sống, bà Hoàng Thị Thanh, phu nhân của Trung tướng Nguyễn Bình đã kể lại rằng, hai ông bà đến với nhau trong kháng chiến nhưng không có con. Trung tướng Nguyễn Bình rất yêu quý trẻ nhỏ, đã cưu mang, đỡ đần cho rất nhiều gia đình cán bộ, chiến sĩ, nhân viên thuộc quyền. Ông nhận nhiều người làm con nuôi nhưng chỉ có Nguyễn Phương Chiến vinh dự được mang họ của ông. Ông Chiến tâm sự: “Tôi vừa mới về quê ở Yên Mỹ, Hưng Yên dự giỗ Tổ. Là con nuôi của Trung tướng Nguyễn Bình, tôi được chú bác, anh em trong dòng tộc rất yêu quý. Dòng họ hiện có 4 chi họ. Trưởng chi họ Trung tướng Nguyễn Bình là ông Nguyễn Thế Thịnh, 80 tuổi, cháu gọi Trung tướng Nguyễn Bình là chú ruột”.

Nhà ông Nguyễn Thế Thịnh nằm trong một con hẻm sâu ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Bàn thờ Trung tướng Nguyễn Bình được chủ nhà bài trí đơn giản nhưng trang trọng, ấm cúng trên căn gác của ngôi nhà. “Là một danh tướng nhưng trong cuộc sống đời thường chú tôi là người rất giản dị, chan hòa với mọi người!”-Ông Thịnh nói.

Mồ côi cha từ năm 3 tuổi, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, Nguyễn Thế Thịnh được chú Nguyễn Phương Thảo (tên thật của Trung tướng Nguyễn Bình) nuôi nấng từ nhỏ. Đến bây giờ, ông Thịnh vẫn nhớ rất rõ những ký ức về người chú nhân từ, đức độ. Giai đoạn trước năm 1945, Nguyễn Phương Thảo được Trung ương giao nhiệm vụ hoạt động ở khu vực Bắc Bộ, phụ trách xây dựng tiềm lực vũ khí quân sự cho cách mạng, xây dựng các tổ chức Cứu quốc, vận động quần chúng nổi dậy giành chính quyền tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Ông Thịnh nhớ lại: “Nhiệm vụ nhiều, phải cơ động liên tục nên chú thường đưa tôi đi theo, gửi tôi trong các cơ sở cách mạng ở Hải Phòng, Hà Nội. Năm lên 6 tuổi, tôi bị một cái mụt trên má khiến khuôn mặt bị sưng to, mưng mủ. Đi công tác về thấy tôi phát sốt vì đau, chú tôi sát trùng con dao nhíp rồi sử dụng mũi dao mổ cái mụt, dùng thuốc rịt lại, mấy ngày sau thì khỏi. Về sau tôi mới biết, chú đã nghiên cứu các cách chữa bệnh của dân gian và các lương y để áp dụng trong quá trình hoạt động cách mạng. Những bài thuốc ấy đã giúp bộ đội ta chữa được nhiều loại bệnh trong những năm tháng hoạt động trong rừng, thiếu phương tiện, thuốc men…”-ông Thịnh chỉ cho chúng tôi xem vết sẹo mờ trên má, dấu tích của cuộc tiểu phẫu năm ấy. Vợ chồng ông Nguyễn Thế Thịnh cũng tâm sự rằng, mới đây một hãng phim truyền hình đã làm bộ phim dài tập về Trung tướng Nguyễn Bình. Sau khi phát sóng, bộ phim khiến nhiều người từng gắn bó với Trung tướng Nguyễn Bình không hài lòng vì những tình tiết phi thực tế. Các nhà làm phim cho nhân vật thủ vai Trung tướng Nguyễn Bình đeo dải băng đen che con mắt bị hỏng, nhưng trên thực tế, Trung tướng Nguyễn Bình chỉ đeo kính. Ông bị hỏng mắt trái nhưng nhân vật trong phim thì lại hỏng mắt phải. Cụ thân sinh Trung tướng Nguyễn Bình là nhà Nho, tướng mạo nho nhã nhưng trong phim lại biến cụ thành người hay cởi trần, mê hát ả đào… “Chúng tôi hoàn toàn không hay biết gì về bộ phim này cho đến khi nó được phát sóng. Giá các nhà làm phim chịu khó về quê hương, gặp gỡ đại diện dòng họ thì đã có thể khắc phục được những hạt sạn không đáng có này”-ông Thịnh nói.

Tận nghĩa với đồng đội

Về con mắt trái bị hỏng của Trung tướng Nguyễn Bình, ông Nguyễn Thế Thịnh cung cấp cho chúng tôi một số tài liệu gia đình, trong đó có nội dung được in trong cuốn sách “Nguyễn Bình-Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam” do Ban Liên lạc Đồng hương Hải Phòng tại TP Hồ Chí Minh biên soạn, NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2004. Theo đó, vào khoảng năm 1935, Nguyễn Phương Thảo cùng một số đồng chí, trong đó có đồng chí Trần Huy Liệu, bị thực dân Pháp bắt, đày ra giam cầm ở nhà tù Côn Đảo. Tại đây, ông cùng một số đồng chí được giác ngộ cách mạng, từ bỏ Quốc dân đảng đi theo cách mạng. Việc này khiến một số phần tử Quốc dân đảng phản ứng. Khi bị nhóm Quốc dân đảng tấn công, Nguyễn Phương Thảo đã xả thân bảo vệ an toàn cho đồng chí Trần Huy Liệu và bị đâm hỏng hoàn toàn bên mắt trái.

Lễ truy điệu và an táng hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình năm 2000. Ảnh: Lữ Ngàn.

Bà Đặng Hồng Nhựt, cựu tù Côn Đảo, nay là Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin TP Hồ Chí Minh kể lại: “Ba tôi là Đặng Văn Thức, được Trung tướng Nguyễn Bình giao nhiệm vụ phụ trách Binh công xưởng Khu 7. Ông bị thực dân Pháp bắt, đem đi thủ tiêu ngay trong đêm 15-8-1946. Sự hy sinh, mất mát đó khiến Trung tướng Nguyễn Bình rất đau buồn. Dù bận trăm công nghìn việc, ông vẫn dành thời gian đến thăm hỏi, động viên mẹ con tôi. Trung tướng Nguyễn Bình đã hỗ trợ mẹ con tôi 2.000 tiền Đông Dương để chữa bệnh, chăm lo cuộc sống”.

Trung tướng Nguyễn Bình (tên thật Nguyễn Phương Thảo), sinh năm 1908 tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. Năm 1945, khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, ông được Bác Hồ cử làm Đặc phái viên quân sự, sau đó làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ; Khu bộ trưởng Khu 7; Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ; Tư lệnh Bộ tư lệnh Nam Bộ... Ông được Bác Hồ ký sắc lệnh phong Trung tướng năm 1948. Tháng 9-1951, ông hy sinh trên đất bạn Cam-pu-chia khi đang trên đường từ Nam Bộ ra Bắc. Tháng 3-2000, hài cốt của Trung tướng Nguyễn Bình được quy tập về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Năm 2001, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

     (Nguồn: NXB Quân đội nhân dân)

 

Ông Vũ Hải Sơn, nguyên Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Quyết tử 950, Trưởng ban Liên lạc truyền thống lực lượng Quyết tử Biệt động Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn, từng là cán bộ thuộc quyền của Trung tướng Nguyễn Bình, cũng chia sẻ với chúng tôi những ký ức sâu sắc với Khu bộ trưởng Khu 7 Nguyễn Bình: “Cuối năm 1945, Khu bộ trưởng Nguyễn Bình bí mật đột nhập vào nội ô Sài Gòn-Chợ Lớn.

Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình về địch, ông đã có quyết định táo bạo, tổ chức đánh kiểu du kích ngay trong lòng địch. Các đơn vị vũ trang được tập hợp lại thành Ban công tác Thành, về sau là Tiểu đoàn Quyết tử 950, tổ chức đánh biệt động ở nội thành, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề và tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhiều năm liền. Thái độ quyết liệt trong tổ chức chiến đấu và tình cảm sâu sắc, sự quan tâm chu đáo từ những điều nhỏ nhất của Khu bộ trưởng đã giúp chúng tôi tự tin, dám đánh, quyết chiến quyết thắng ngay trong lòng địch”.

Trong quá trình tìm tư liệu cho bài viết này, chúng tôi được tiếp cận với hồi ký của Thiếu tướng Tô Ký (1919-1999), nguyên Phó tư lệnh Quân khu 7, một trong những đồng đội thân thiết của Trung tướng Nguyễn Bình thời kỳ đầu thành lập LLVT Quân khu 7. Trong hồi ký, Thiếu tướng Tô Ký viết: “Nguyễn Bình là con người dũng cảm, gan dạ, mưu trí, nhiều lần bị địch bao vây nhưng anh đã tự thoát hiểm. Là người rất hào hiệp, rất chân thành với bạn bè, đồng đội, nhờ vậy anh mới lãnh đạo được đội quân lúc bấy giờ. Khi vừa chân ướt chân ráo vào Nam Bộ, anh đã nhận được sự ủng hộ ngay của tôi cùng anh Trần Văn Trà và anh em Giải phóng quân liên quận. Ngày anh được triệu hồi ra Bắc, buổi chia tay hết sức lưu luyến, cảm động. Sau này, chúng tôi đã nhiều lần tổ chức lễ giỗ anh, bạn bè đồng đội đến rất đông bởi ai cũng yêu quý, thương nhớ anh…!”.

Hằng năm, vào ngày 29-9, Lễ giỗ Trung tướng Nguyễn Bình được dòng họ Nguyễn và đồng chí, đồng đội các thế hệ tổ chức tại chùa Pháp Hoa, TP Hồ Chí Minh. Đó là ngày tri ân, hội ngộ cảm động của đông đảo những người yêu quý, tôn kính vị Tư lệnh đầu tiên của LLVT Quân khu 7, Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

PHAN TÙNG SƠN