Ông năm nay 80 tuổi, là cháu ruột liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳnh, đại biểu Quốc hội khóa I (1946-1960). Lần gặp ông Quý từ làng Ước Lễ (Thanh Oai, Hà Nội) về, ông bảo đã xác định được ngày hy sinh của chú Nguyễn Viết Quỳnh tại Lào Cai là 15-10 năm Đinh Hợi, tức ngày 27-11-1947.
Thân phụ ông Nguyễn Viết Quý là cụ Nguyễn Viết Quế (còn gọi là cụ giáo Quế), con trưởng trong gia đình có 6 anh em, gồm 5 trai, một gái. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nổ ra, cụ giáo Quế và hai người em là Nguyễn Viết Phượng và Nguyễn Viết Quỳnh đều hăng hái đi theo cách mạng. Ngày đó, cụ giáo Quế được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ở nơi cụ dạy học là thị xã Việt Trì (nay là thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Theo ông Nguyễn Viết Quý kể, trước cách mạng, chú thứ tư của ông là Nguyễn Viết Phượng, đang làm việc ở Phòng Kiểm duyệt báo chí tòa sứ Đông Dương ở Hà Nội, đã lên Lào Cai làm thông phán tòa sứ tỉnh. Chú được Việt Minh giác ngộ, lợi dụng vị thế viên chức tòa sứ, lại là rể của một thống lý dân tộc Giáy ở Mường Hum, đã vận động được nhiều đồng bào địa phương, kể cả tri châu, chỉ huy bảo an đi theo cách mạng. Ngày đó chú Phượng được bầu là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lào Cai. Còn chú út Nguyễn Viết Quỳnh đang học dở ngành luật ở Hà Nội, theo anh lên Lào Cai, sau đó hoạt động trong tổ chức Việt Minh ở tỉnh này. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên trong cả nước diễn ra ngày 6-1-1946, tỉnh miền núi Lào Cai có một người trúng đại biểu Quốc hội là Nguyễn Viết Quỳnh. Ông được cử làm Đặc phái viên của Chính phủ tại Lào Cai.
    |
 |
Đồng chí Nguyễn Viết Quỳnh (đầu tiên, bên trái) và người thân, năm 1939. Ảnh tư liệu của gia đình ông Nguyễn Viết Quý |
Lúc bấy giờ, một dải biên giới tỉnh Lào Cai giáp với Trung Quốc có các phe phái của Quốc dân đảng và Tưởng Giới Thạch... luôn tìm cách chống phá Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến (sau này là Chính phủ Liên hiệp Quốc dân) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Là đại biểu Quốc hội duy nhất của Lào Cai nên các thế lực phản động rất biết “dân biểu” Nguyễn Viết Quỳnh. Nhất cử nhất động của ông đều bị chúng theo dõi. Nhiệm vụ cấp thiết lúc bấy giờ là vận động quần chúng, làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương cùng các nhân viên, binh lính trong hàng ngũ địch hiểu được đường lối đoàn kết rộng rãi đánh đuổi giặc ngoại xâm của Mặt trận Việt Minh. Cuối năm 1947, đặc phái viên Nguyễn Viết Quỳnh được giao nhiệm vụ thâm nhập vào vùng núi xa xôi của huyện Mường Khương, gặp và thuyết phục một thủ lĩnh người Xạ Phang hợp tác. Ở đây có một nhóm người dân tộc Hoa sống tập trung chủ yếu ở hai xã Lao Xả Phình và Tả Sìn Thàng (nay đều thuộc huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), họ vốn đói nghèo và lạc hậu, bị tên thủ lĩnh Xạ Phang lôi kéo, ép buộc đã trở thành phỉ chống phá cách mạng.
Ông Hỗ Tống Kỳ, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Bát Xát đã cho ông Nguyễn Viết Quý biết thông tin về những giờ phút cuối cùng của người chú ruột mình. Đó là thời điểm cuối năm 1947, ông Hỗ Tống Kỳ đã chứng kiến cuộc gặp gỡ của đặc phái viên Nguyễn Viết Quỳnh trước lúc lên đường làm nhiệm vụ với cụ thân sinh ông là một cơ sở cách mạng ở địa phương. Biết là vào nơi hang hùm miệng sói, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc, dù được cụ thân sinh ông Kỳ đã có ý cảnh báo, nhưng vị đặc phái viên Chính phủ vẫn không tỏ ra sợ hãi. Khi đối mặt với tên thủ lĩnh người Xạ Phang khét tiếng tàn ác, ông Nguyễn Viết Quỳnh đã kiên trì thuyết phục, song không làm cho tên này đổi ý. Hắn trở mặt, ra lệnh cho tay chân bắt và khám trong người ông có tấm thẻ căn cước mang tên “Nguyễn Xuân Đán”, biết chắc đây là cán bộ cao cấp của Việt Minh nên đã trói ông, bàn giao cho Pháp để lĩnh thưởng. Bọn phòng nhì Pháp đã đưa Nguyễn Viết Quỳnh về tra hỏi, đánh đập rất dã man, nhưng ông cắn răng chịu đựng không khai một lời. Cuối cùng, bất lực trước ý chí sắt đá của người cán bộ cách mạng, lính Pháp đã lôi ông đến giữa cầu Cốc Lếu, giết hại và hất xác xuống sông...
Như thế, trong năm 1947, có hai vị đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên đã sa vào tay giặc và anh dũng hy sinh: Cụ Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng không Bộ trong Chính phủ Liên hiệp Quốc dân (trước đó cụ là Trưởng ban Thường trực Quốc hội) bị quân Pháp bắt trong một trận càn vào Căn cứ địa Việt Bắc, đã bị sát hại tại Bắc Kạn ngày 7-10-1947. Sau đó gần hai tháng, đến trường hợp hy sinh của đặc phái viên Chính phủ ở Lào Cai Nguyễn Viết Quỳnh.
Liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳnh hy sinh khi chưa đầy 30 tuổi và chưa có gia đình riêng. Việc hoạt động cách mạng của vị đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Lào Cai cũng trong thầm lặng với một thời gian ngắn nên ít được biết tới. Đến năm 1961, công lao và sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳnh mới được làm sáng tỏ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho ông và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng Tổ quốc ghi công.
Nửa thế kỷ sau ngày liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳnh bị địch giết hại, những cháu chắt của cụ đã có một hành trình đi tìm mộ khá kiên trì và công phu, cuối cùng đạt được kết quả như mong muốn. Hài cốt liệt sĩ đã được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà ở thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.
PHẠM QUANG ĐẨU