Tháng 8-1987, tròn 20 tuổi, Lê Văn Tám tình nguyện nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, Lê Văn Tám được điều sang Mặt trận 779 (Quân khu 7), đóng quân tại Siem Reap, Campuchia. Sáng mồng 3 Tết năm 1989, trong một lần đi trinh sát khu vực Núi Đá, Lê Văn Tám vướng mìn, bị thương ở tay, ngực và bụng. “Cả đoàn 15 người thì có 7 người bị thương. Khi chuyển về đơn vị thì tôi mê man. Sau đó, tôi được đưa về Bệnh viện Quân y 175 điều trị 6 tháng. Do vết thương ở tay nhiễm trùng nên phải cắt đến 3 lần. Tiếp đó, tôi qua Bệnh viện Thủ Đức dưỡng thương 6 tháng rồi đưa về Quân khu 9 an dưỡng 6 tháng mới về quê”, ông Tám kể.
    |
 |
Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đến thăm gia đình ông Lê Văn Tám (thứ hai, từ trái sang), tháng 7-2020. Ảnh: HỒ GIANG |
Những ngày điều trị ở Bệnh viện Quân y 175, Lê Văn Tám tình cờ quen Phan Thị Nga, quê ở Điện Bàn (Quảng Nam) vào chăm sóc người thân. “Thấy ảnh là bộ đội, cống hiến, hy sinh xương máu vì đất nước nên tôi thương, có điều gia đình chưa ưng lắm. Nhưng tôi đã thuyết phục và gia đình chấp nhận cho chúng tôi đến với nhau. Năm 1990, chúng tôi tổ chức đám cưới nhưng do hoàn cảnh nên tới năm 1995 chúng tôi mới được đoàn tụ thực sự”, bà Nga chia sẻ.
Hồi mới về quê, ông Tám vừa làm vườn vừa chăm sóc cha mẹ già. Buổi tối, ông đi thả trúm bắt lươn hoặc tranh thủ chẻ tre đan ống trúm, hom bán kiếm thêm thu nhập. “Lúc đó vùng này lươn nhiều lắm, có khi một ống trúm được cả ký. Mặc dù bị thương, làm việc có phần khó khăn nhưng làm riết cũng quen và trở thành kỹ năng. Có lần, anh em trong xóm thách đấu đan hom, ống trúm tính thời gian và tôi đã về nhất”, ông Tám nói với chút tự hào về những việc mình làm được chỉ bằng một bàn tay.
Năm 1995, bà Nga về sống với ông Tám và sinh một đứa con trai. Cuộc sống gia đình ông lúc dọn ra ở riêng tuy còn khó khăn nhưng thấy 3 đứa con của người anh bữa no bữa đói, ông liền nhận về nuôi. “Ảnh lo từ ăn uống đến tập sách, học hành đàng hoàng. Sau đó, tụi nhỏ lên thành phố học tiếp rồi xin việc làm ở trên đó. Mỗi lần về, chúng đều ghé thăm, mua đồ ăn ngon cho vợ chồng tôi. Vừa rồi, chúng tôi mới cưới vợ cho một đứa”, bà Nga cho biết. Nhưng thời ấy, để có tiền lo cho các con, ông học thêm nghề sửa điện, ống nước. Bà khuyên thì ông bảo: “Trước tiên là sửa cho nhà mình, cho anh em; còn bà con có nhờ thì mình cũng làm được. Thêm đồng nào hay đồng ấy cho tụi nhỏ không thua thiệt bạn bè”.
Nói ông Tám vất vả, ông có vẻ không hài lòng, vì ông bảo ông may mắn được trở về so với các đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường, thậm chí chưa tìm được hài cốt. Bây giờ, ông vẫn đi sửa điện hay lắp ráp ống nước cho bà con. Lúc rảnh rỗi, ông vót tre đan hom, ống trúm theo “đơn hàng” ở tận Bạc Liêu, Cà Mau. Bởi hàng của ông làm từ tre già, bện bằng dây bòng bong chắc chắn, sử dụng bền cả năm nên nhiều người đặt mua. Ông bảo: “Tôi làm việc gì cũng đặt chữ tín lên trước. Vì vậy, hễ anh em xây dựng công trình có làm điện, nước đều kêu tôi; thậm chí còn giao tôi quản lý, đôn đốc công nhân. Hiện nay, mỗi ngày tôi thu nhập khoảng 300.000 đồng. Còn đan hom, ống trúm chỉ làm cho vui, đỡ nhớ nghề, nhưng mỗi ngày cũng bỏ túi trăm nghìn. Mấy đứa trẻ theo không kịp tôi đâu”. Ông Tám kể chuyện rồi cười giòn tan.
TRUNG KIÊN