Tên mẹ là Tạ Thị Lý, quê gốc ở Hưng Yên nhưng sinh ra ở Nam Định và trưởng thành ở Thanh Hóa. Nhà nghèo, 15 tuổi, mẹ đã phải đi lấy chồng, cũng là một người đồng cảnh; mãi đến năm 34 tuổi, mẹ mới sinh được người con trai, đặt tên là Nguyễn Hữu Đắc, nhưng trước đó 4 tháng, bố của Đắc đã qua đời. Dù rất khó khăn, mẹ vẫn chạy vạy cho Đắc đi học. Năm Đắc 16 tuổi, không thể lo thêm được nữa, mẹ xin cho Đắc được làm chân trợ giáo ở trường Dụ Côn. Đến năm 1926, Đắc được cụ Đinh Chương Dương giác ngộ cho sang Quảng Châu (Trung Quốc) học chính trị do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy.
Các đồng chí còn giới thiệu để mẹ làm quen với chị Nguyễn Thị Hồng, học sinh năm thứ tư trường Đồng Khánh-Huế, tham gia bãi khóa về nhà. Mẹ rủ chị giáo Tùng cùng ra nhà chị Hồng, được chị Hồng giác ngộ, cho đọc các sách báo cách mạng. Ở đây, mẹ được đồng chí Lê Hữu Lập, một cán bộ lãnh đạo của Đảng ở Thanh Hóa khuyến khích chị em thành lập hội chăn nuôi. 40 chị em góp vốn mở trại chăn nuôi gà ngay ở nhà chị Hồng. Mẹ Lý vừa chăn gà vừa may quần áo thuê, chị Hồng vừa dạy học vừa lo giác ngộ cho chị em.
Ba tháng sau, đồng chí Lập bảo mẹ lên thị xã Thanh Hóa thuê nhà mở quán lấy nơi cho anh em cán bộ lui tới. Tháng 3-1927 có cuộc họp, phần đông là các nhân sĩ yêu nước từ Quảng Bình, Quảng Trị ra. Tại cuộc họp này, mẹ Lý được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và đổi tên thành Trần Thị Nam, bí danh là Trần Thị Mai. Mẹ được giao làm giao thông và giúp việc cho hưng nghiệp xã-cơ quan tài chính của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Tháng 2-1928, cơ sở này bị vỡ, chị Hồng cùng mẹ chạy vào Huế thuê nhà ở chợ Đông Ba. Chị Hồng dạy học ở trên gác còn mẹ Nam bán tạp hóa ở dưới. Tháng 7-1929, cơ sở này bị lộ, chị Hồng, chị Mận và một số đồng chí khác bị bắt; chị Thu cùng mẹ Nam chạy sang Lào chăm sóc các cán bộ ốm đau đang tá túc ở đây. Hơn một năm sau, mẹ Nam trở về Thanh Hóa. Lúc này, các cơ sở cách mạng ở đây đã bị khủng bố, không bắt được liên lạc với tổ chức, mẹ Nam vào Vinh, rủ bà Nguyên-mẹ đồng chí Lợi, bà Ký Hai-mẹ đồng chí Tuyết lên Nhà tù Lao Bảo thăm con, còn mẹ Nam nhận là cô của đồng chí Nguyễn Khắc Trung. Vượt chặng đường vất vả, họ liên lạc với anh Trung và được dặn chờ ở bờ sông. Hôm sau đúng hẹn, một đoàn xe bò 5 chiếc do các tù nhân Thanh-Nghệ kéo đi, hai lính người Thượng áp giải. Các bà cho hai người lính một ít tiền, thế là mẹ con, cô cháu tha hồ trò chuyện. Anh Trung cho mẹ Nam biết, anh Đắc đã về nước cùng với đồng chí Trần Phú nhưng đã bị bắt. Chúng tra tấn các anh rất dã man nhưng không ai chịu khai báo. Anh Đắc chỉ nói: Bố chết sớm, mẹ lấy chồng khác, anh làm thuê cho thuyền chài và lang thang ở Hải Phòng. Anh Trung dặn mẹ Nam: Nếu đi thăm anh Đắc thì hỏi tên Trần Nhu.
Biết tin con như vậy nhưng mẹ Nam không quay ra Bắc ngay mà cùng các bà đi thăm những chiến sĩ cách mạng bị giam ở các nhà tù trong Nam. Khi ra Vinh, mẹ tham gia Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; phong trào bị vỡ, mẹ về Thanh Hóa rồi ra Hà Nội thăm con nhưng Trần Nhu đã bị đày đi Côn Đảo. Ra Côn Đảo là một đi không trở lại, nhưng mẹ vẫn tin con mẹ sẽ cùng các đồng chí trở về. Quay lại xứ Thanh, mẹ gặp anh Nguyễn Tạo mới vượt ngục, anh giao cho mẹ nhiệm vụ làm liên lạc cho Đảng tuyến từ Thanh Hóa ra Bắc. Công tác được một thời gian thì chị Tú Cầu, một cán bộ của Đảng bảo mẹ ra Khâm Thiên thuê nhà dọn hàng làm nơi liên lạc cho đồng chí các nơi lui tới Hà Nội. Có cuộc họp quan trọng ở ấp Thái Hà, mẹ Nam cũng được dự. Chập tối chuẩn bị họp thì mật thám và lính tráng ập đến vây bắt, nhiều đồng chí không thoát được, mẹ Nam đang ở dưới bếp nên kịp lẻn ra sau. Về Thanh Hóa nhưng mẹ lại sa vào tay mật thám, 27 ngày bị giam cầm và tra tấn. Sau đó, chúng đưa mẹ về Nhà tù Hà Đông. Khi đem ra xét xử, vì không có chứng cớ, chúng đành tuyên Trần Thị Nam trắng án, trả mẹ về Hưng Yên, không trả về Thanh Hóa nơi mẹ bị bắt, chứng tỏ chúng nắm khá kỹ gốc tích của mẹ...
Trong bức thư ngày 24-8-1985, đồng chí Nguyễn Tạo, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (năm 1933) gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa có đoạn: “... Hồi đó, bọn mật thám Pháp đã hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, chúng cho người đi lùng sục rất gắt gao nên anh rút vào hoạt động bí mật hoàn toàn, bố trí một cơ quan bí mật tại nhà số 1, nay là phố Đội Cấn và giao cho bà cụ Nam trông nom... Bà cụ đã mở một cửa hàng xén để che mắt địch. Một hôm vào đầu mùa thu 1939, có người lạ mặc áo the, quần chùng, đội nón dứa đến hỏi anh Cừ. Thấy mẹ Nam chần chừ, người ấy bảo Cừ tức Phùng. Thấy rất khả nghi, bà Nam đứng lên chỉ ra đường rồi nói rất to: “Anh Phùng vừa đi qua đây, nhà anh ấy ở bên kia đường”. Người ấy đi ra được mấy bước lại quay vào quát: “Con mẹ này nói láo!” rồi hắn thổi còi cho mật thám xông vào nhà bắt đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Anh Cừ nghe mẹ nói to nên đã nhanh chóng ra cửa sau thoát đi”.
Mẹ lại trở về Thanh Hóa tiếp tục hoạt động, phục vụ cho tờ báo “Đuổi giặc nước” của đảng bộ. Tháng 5-1945, cấp trên gọi mẹ Nam lên Tân Trào coi kho và phân phối lương thực cho các đoàn thể. Cũng theo đồng chí Nguyễn Tạo, mẹ Nam là người phụ nữ duy nhất có mặt trong Hội nghị Tân Trào lịch sử.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mẹ Nam cũng là người phụ nữ duy nhất đi theo đoàn Chính phủ, xe mẹ đi ngay sau xe Chủ tịch Hồ Chí Minh. Niềm vui quá lớn, mẹ Nam nghĩ đến người con trai duy nhất của mình, mẹ có biết đâu con trai mẹ đã hy sinh trong nhà lao đế quốc từ năm 1931. Sau đại lễ, mẹ xin trở lại Thanh Hóa, được các đồng chí lãnh đạo tỉnh giao cho công tác cứu tế để nuôi gần hai nghìn người ở 4 trại cứu bần trong tỉnh. Mẹ đi khắp nơi vận động quyên góp được ba toa xe lửa lúa gạo. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thương binh từ các mặt trận được đưa về Thanh Hóa, mẹ tình nguyện tham gia cấp dưỡng thương binh. Năm 1951, đại hội hợp nhất hai tổ chức phụ nữ thành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, mẹ Nam được bầu làm hội trưởng...
Người chép lại những điều trên đây, vào một ngày đầu xuân năm 1960 có vinh dự được trò chuyện với mẹ Nam tại nhà số 33 Trần Phú, thị xã Thanh Hóa. Tóc mẹ bạc trắng nhưng mắt mẹ rất tinh anh, nói năng rất khúc chiết. Từ đấy, tôi thường xuyên lui tới ngôi nhà này thăm mẹ cho đến ngày cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước nổ ra. Tôi đi sơ tán cùng cơ quan, không có dịp gặp lại mẹ Nam. Ngày 3-4-1966, tôi được tin mẹ Nam đã từ trần ở bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, hưởng thọ 90 tuổi. Năm 1990, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đưa hài cốt mẹ về nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh. Năm 1995, mẹ Trần Thị Nam, tức Tạ Thị Lý được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
TRẦN HIỆP