Hà Văn Chúc sinh năm 1938 ở xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Là một chiến sĩ cao xạ có sức khỏe tốt, anh được chọn đi học lái máy bay. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp loại ưu, Hà Văn Chúc về nhận nhiệm vụ tại đại đội 1, trung đoàn 921 không quân tiêm kích với cương vị Đại đội phó.

Năm 1967, lực lượng kỹ thuật của trung đoàn đã bảo đảm được số lượng máy bay đủ tiêu chuẩn phục vụ yêu cầu chiến đấu. Thời gian sửa chữa, lắp ráp máy bay đã rút ngắn chỉ còn 1/3 quy định, nhưng vào đầu năm 1968 số máy bay mới được lắp ráp đã hao hụt rất nhiều do bị địch bắn rơi, và bị bom địch phá hủy khi đỗ ở sân bay. Một số máy bay hỏng hóc chưa kịp sửa chữa vì thiếu phụ tùng thay thế. Vì vậy, số máy bay trực chiến, nhất là máy bay MiG-21 còn rất ít. Chính trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó đã diễn ra trận không chiến lịch sử của Hà Văn Chúc.

Ngày 3-1-1968, máy bay địch đánh vào Hà Nội. Nhận mệnh lệnh của trên, cả hai trung đoàn 921 và 923 đều xuất kích, hiệp đồng đánh địch. Phát hiện máy bay địch đánh vào Mai Châu, trung đoàn 921 được lệnh cho 2 chiếc MiG-21 cất cánh từ sân bay Nội Bài và dẫn về vùng Thanh Sơn, Phú Thọ. Sáu phút sau, 4 chiếc MiG-17 của trung đoàn 923 được lệnh cất cánh từ sân bay Gia Lâm và được dẫn về hướng Thái Nguyên. Được sự hỗ trợ của chỉ huy mặt đất, biên đội MiG-21 nhanh chóng vượt qua hàng rào tiêm kích địch, tiếp cận và công kích tốp F.105 mang bom. Phát tên lửa đầu tiên của phi công Nguyễn Đăng Kính số 1 đã bắn cháy một chiếc F.105 khiến bọn địch rối loạn đội hình, phải quăng bom tháo chạy. Phi công Bùi Đức Nhu phát hiện tốp F.105 ở cự ly rất gần liền lao tới công kích chiếc gần nhất. Quả tên lửa phóng chính xác vào chiếc F.105 làm nó bùng cháy. Trước sự tấn công dũng mãnh của máy bay ta, đội hình địch hoàn toàn tan rã. Biên đội được lệnh thoát ly chiến đấu.

Trong lúc biên đội MiG-21 của trung đoàn 921 đang tiến công máy bay địch trên vùng trời Thanh Sơn, biên đội MiG-17 của trung đoàn 923 cũng phát hiện được địch trên vùng trời Thái Nguyên. Sau ít phút quần nhau với máy bay F.4, phi công Lưu Huy Chao bắn rơi một chiếc, phi công Bùi Văn Sưu bắn rơi một chiếc. Máy bay phi công Nguyễn Hồng Điệp bị tên lửa địch bắn, anh nhảy dù an toàn. Trên đường trở về, máy bay của phi công Lê Hải bị pháo phòng không bắn nhầm. Mặc dù máy bay bị thương nhưng Lê Hải đã bình tĩnh, khéo léo xử lý, bay về sân bay Gia Lâm hạ cánh an toàn.

Như vậy trung đoàn 921 chỉ còn 2 chiếc MiG-21 trực chiến sau trận ngày 3-1-1968 thì một chiếc đã bị hỏng sau khi hạ cánh xông ra ngoài đường băng, lực lượng trực chiến chỉ còn đúng một chiếc. Trung đoàn 921 đang ở tình thế thiếu máy bay thì lúc 15 giờ ngày 3-1-1968, giặc Mỹ lại sử dụng 36 máy bay cường kích và tiêm kích từ hướng Sơn La vào đánh Hà Nội.

Được phép của Bộ Tư lệnh, trung đoàn hạ quyết tâm cho máy bay MiG-21 cất cánh, dù một chiếc cũng đánh. Với tinh thần gương mẫu của người đảng viên, thượng úy-Đại đội phó Hà Văn Chúc xung phong nhận nhiệm vụ. Tới vùng trời Yên Châu, Hà Văn Chúc phát hiện ba tốp địch đang bay ở phía trước, đồng thời một tốp F.4 đã lướt qua trên đầu. Một tốp F.4 từ phía khác phát hiện ra máy bay ta liền lao tới đón đầu. Máy bay của Hà Văn Chúc và máy bay địch quần lượn, bám đuổi và kéo nhau về tới vùng trời Tam Đảo. Tốp F.105 của địch vòng lại đón đầu. Hà Văn Chúc cho máy bay vọt lên. Nhìn sang trái, thấy một tốp F.105 khác, anh lập tức cho máy bay bổ nhào. Do động tác quá mạnh, máy bay không bám được mục tiêu, anh phát hiện được 8 chiếc F.105 đang chuẩn bị ném bom. Được lệnh, Hà Văn Chúc cho máy bay hướng thẳng vào chiếc F.105 bay chính giữa và phóng tên lửa. Chiếc máy bay địch trúng đạn bốc cháy. Đội hình máy bay địch bị rối loạn, không thực hiện được ý đồ vào đánh phá khu vực Hà Nội. Được lệnh từ sở chỉ huy, Hà Văn Chúc lái máy bay luồn lách tránh tên lửa của địch bắn ra, hạ cánh an toàn. Nhằm đúng lúc đội hình địch bị tan vỡ, bộ đội tên lửa chớp thời cơ, bắn rơi thêm hai chiếc F.105

Ngày 14-1-1968, Hà Văn Chúc lại cùng đồng đội bắn rơi một máy bay F.105 của không quân Mỹ trên vùng trời huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Nhưng không may, trong trận chiến đấu này, máy bay bị trúng đạn, Hà Văn Chúc bị thương nặng buộc phải nhảy dù. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng, ngày 19-1-1968, anh đã hy sinh tại Quân y viện 108.

Hà Văn Chúc ra đi khi mới tròn 30 tuổi, tràn đầy sinh lực. Tổ quốc không quên chiến công của anh. Hà Văn Chúc đã được tặng thưởng huân chương Quân công hạng 3. Ngày 30-8-1995, anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thượng tá – tiến sĩ ĐOÀN THỊ LỢI