QĐND - Trung tướng Khuất Duy Tiến sinh năm 1931, quê xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Trưởng thành từ chiến sĩ, ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Tư lệnh Quân đoàn 3, Cục trưởng Cục Quân lực (Bộ Tổng tham mưu), Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1. Năm 2013, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
 |
Ban chỉ huy Trung đoàn 64 hạ quyết tâm tiêu diệt Lữ đoàn dù 3 Quân đội Sài Gòn trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971 (Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến ngoài cùng, bên trái). Ảnh do nhân vật cung cấp |
Một thời trận mạc
Tôi nhớ mãi một đêm cuối năm 1986, lớp bồi dưỡng Bí thư chi bộ của Sư đoàn 320 chúng tôi đang ngon giấc thì nghe lệnh báo động chiến đấu. Mọi người mắt nhắm mắt mở chạy ra sân tập trung thì vô cùng ngỡ ngàng vì trước mặt là dáng người thấp đậm của Tư lệnh Quân đoàn 3, Thiếu tướng Khuất Duy Tiến. Phụ trách lớp học giới thiệu, Tư lệnh đi kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của sư đoàn, đến đây thấy các cán bộ chính trị ăn ở luộm thuộm liền ra lệnh báo động. Chúng tôi tưởng vị Tư lệnh dày dạn chiến trận sẽ nổi trận lôi đình, nhưng không, ông nhẹ nhàng nhắc nhở, rồi nói nhiều về vai trò của công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, về tình đồng đội, tình quân dân…
30 năm sau. Giờ đây, ngồi trong nhà riêng của ông ở Hà Nội, nghe tôi kể lại câu chuyện đó, Trung tướng Khuất Duy Tiến cười hiền từ, mái tóc bạc trắng rung rung. Ông bảo, ông may mắn được sống cho đến ngày hôm nay là nhờ đồng đội, nhờ nhân dân. Hồi kháng chiến chống Pháp, hai lần bị địch bắt, bị tra tấn dã man, ông được tổ chức và nhân dân cứu thoát. Hai lần bị thương nặng, đồng đội và nhân dân cưu mang. Ông vén ống quần lên cho tôi xem vết thương khá to ở đùi trái. Ông kể, sau khi nhập ngũ vào Trung đoàn 48 hơn một tháng, ngày 19-10-1950, ông được tham gia trận chống Pháp càn vào làng Hạ Bằng, huyện Thạch Thất. Đang chuẩn bị bắn thì ông thấy mát lạnh ở đùi trái, cúi xuống nhìn mới biết một viên đạn của địch xuyên qua, máu chảy đầm đìa, được tiểu đội phó cho lui về phía sau. Một chị đang bế cháu nhỏ chạy càn thấy thế bèn giật phắt chiếc yếm đang mặc cho ông băng vết thương. Sau đó, một ông cụ ở làng Trúc Động đưa về nhà lấy nõn cau rịt vào vết thương, nấu cháo cho ông ăn rồi giao cho đơn vị.
Cuộc đời quân ngũ của Khuất Duy Tiến cứ thế trưởng thành qua những năm tháng cam go của đất nước và tình nghĩa đồng đội, quân dân càng sâu nặng theo. Cho đến bây giờ, ông không thể nhớ hết mình đã tham gia bao nhiêu chiến dịch, chỉ huy bao nhiêu trận đánh. Nhưng Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971 là một trong những trận đánh để lại trong ông những ký ức không thể nào quên, mà số phận những con người đó còn liên quan tới ông cho mãi đến hôm nay. Hồi đó, ông là Thiếu tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Đang trên đường hành quân vào Đông Nam Bộ chiến đấu thì ngày 31-1-1971, trung đoàn nhận lệnh dừng lại của Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng, chuyển hướng hành quân về Đường 16, tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, tác chiến ở khu vực Cha Ki, tây bắc Bản Đông, đối đầu với Lữ đoàn dù 3 Quân đội Sài Gòn. Ngày 13-2, Tiểu đoàn dù 6 của địch đổ bộ ở Cao điểm 535, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9 Phùng Quang Thanh (sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) bị thương vẫn không rời trận địa, chỉ huy trung đội chiếm giữ cao điểm quan trọng này, tạo điều kiện để Tiểu đoàn 9 tiêu diệt Tiểu đoàn dù 6. Ngày 25-2, đánh địch ở Cao điểm 543, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 Nguyễn Quốc Doanh hy sinh khi đang đứng trên tháp pháo xe tăng chỉ huy bộ đội tiến công địch. Vài giờ sau, đơn vị của anh đánh chiếm căn cứ, bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng và toàn bộ cơ quan Lữ đoàn dù 3. Sau trận này, Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. 42 năm sau, năm 2013, đến lượt ông và Nguyễn Quốc Doanh được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý này.
Tôi hỏi ông về tổn thất của Sư đoàn 320, sư đoàn mà ông gắn bó từ khi là còn là chiến sĩ cho đến Sư đoàn trưởng, ông trầm ngâm hồi lâu. Cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ cho đến chiến tranh bảo vệ Tổ quốc phía Tây Nam và phía Bắc, hơn 14.000 người lính Đoàn Đồng Bằng đã ngã xuống, riêng bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp đất nước Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ, đã có 4.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Ông kể, tháng 2-1978, đang là Sư đoàn phó Sư đoàn 320, ông được đi học Học viện Quân sự Cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Mới nhập học thì tháng 4, Tư lệnh Quân đoàn 3 Kim Tuấn ra Hà Nội họp đến gặp ông, nói: “Một tháng chiến đấu trên tuyến Đà Ha, Tà Nốt với Pôn Pốt mà Sư đoàn 320 thương vong hơn 2.000 người. Chưa bao giờ sư đoàn thương vong cao như vậy”. Sau đó ít ngày, Quân ủy Trung ương quyết định để ông thôi học, trở về làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320.
Về lại sư đoàn, ông tổ chức hội nghị bàn cách đánh. Đại đội trưởng Trịnh Xuân Lan của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 (sau này là Phó tham mưu trưởng Quân khu 2) đề xuất: Nó phân thành nhóm nhỏ bu bám thì ta cũng tổ chức lực lượng luồn ra sau lưng nó để đánh lại, triệt phá thủ đoạn của nó. Sáng kiến của Trịnh Xuân Lan mở ra cách đánh mới, khiến quân Pôn Pốt phải co lại, bị đẩy lùi và chống đỡ tuyệt vọng. Ngày 31-12-1978, ta tổng tiến công, đến ngày 7-1-1979 giải phóng Phnôm Pênh.
 |
Trung tướng Khuất Duy Tiến. |
Không nguôi nỗi nhớ
Gắn bó với Sư đoàn 320, với Quân đoàn 3 đến năm 1989, Trung tướng Khuất Duy Tiến được điều ra làm Cục trưởng Cục Quân lực, sau đó là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1. Ông về hưu năm 1998, khi đã gần 70 tuổi.
“Ngày nhận quyết định về hưu, tôi chỉ có hai nguyện vọng: Thứ nhất là nuôi mẹ già, thứ hai là đến với anh em đã hy sinh và những gia đình còn gặp nhiều khó khăn”-Trung tướng Khuất Duy Tiến nói.
Mẹ ông năm đó đã 90 tuổi, còn bố ông mất năm 1969, khi ông đang chiến đấu ở Quảng Trị. Quê ông, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất trước Cách mạng Tháng Tám 1945 nghèo lắm. Hằng năm cứ đến tháng giáp hạt (tháng Ba, tháng Tám âm lịch) là một thảm cảnh treo trên cổ người nông dân: Vợ chồng, cha con, anh em ruột thịt xa lìa nhau vì nợ nần, vay giật; bỏ nhà xa xứ kiếm ăn, lang thang cơ nhỡ… Bố mẹ ông tần tảo sớm hôm nhưng nhà vẫn túng thiếu. Cả một đời trận mạc ít khi về thăm nhà, ông vẫn luôn nhớ thương những tháng ngày cơ cực thời xa xưa. Vì vậy, để lại vợ con ở phố phường Hà Nội, ông về quê chăm sóc mẹ già.
Hai năm sau mẹ mất. Trở về, ông làm Trưởng ban liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn 320 (Đồng Bằng). Hằng năm, ông đến viếng nghĩa trang của sư đoàn ở Thanh Hóa, Tây Nguyên, đi gặp gỡ anh em còn khó khăn trong cuộc sống. Ông bảo, nghĩa tình sâu lắm, không nói hết được. Bốn con ông đã thành đạt, ông có điều kiện lên Vĩnh Phúc, Yên Bái, vào Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Nguyên, Nam Bộ thăm đồng đội cũ.
Ông không nói nhiều về mình, nhưng anh Nguyễn Trọng Luân, chủ một doanh nghiệp, nguyên là chiến sĩ của Sư đoàn 320 kể lại, Trung tướng Khuất Duy Tiến và Ban liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn 320 đã rất công phu, bền bỉ làm hồ sơ để năm 2013, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quốc Doanh sau 42 năm anh hy sinh ở Đường 9-Nam Lào. Sau đó, ông và Ban liên lạc đã về xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (Yên Bái) nơi vợ con Nguyễn Quốc Doanh sinh sống để báo tin cho gia đình. Mọi người đều nghẹn ngào khi thấy vị tướng tóc bạc thắp hương trước di ảnh người anh hùng mà tâm sự như một người bạn.
Chiến tranh kéo dài nhiều năm nên cũng không hiếm gặp trường hợp người lính trở về bị quên lãng, mang thương tật mà không có chế độ gì, cuộc sống rất éo le. Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ mãi trường hợp của Nguyễn Xước Hiện, ở xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Anh là chiến sĩ Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Trận truy kích nổi tiếng ở Cheo Reo-Đường 7 trong Chiến dịch Tây Nguyên 1975, Nguyễn Xước Hiện với 5 quả đạn B41 bắn cháy 4 xe tăng, một xe M113, bắt sống 20 tù binh. Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đơn vị định cho anh đi học sĩ quan, nhưng vì không đủ tiêu chuẩn về lý lịch nên anh xuất ngũ. Về quê, lấy vợ đẻ con 7 lần nhưng chỉ nuôi được 1 đứa, bởi anh bị nhiễm chất độc da cam. Mới đây, khi Ban liên lạc làm cuốn sách kỷ niệm 65 năm thành lập sư đoàn, mọi người mới phát hiện ra anh đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Biết tin, ông xin Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 một ít kinh phí, rồi cùng địa phương huy động được 243 triệu đồng xây nhà cho Nguyễn Xước Hiện.
“Đấy là việc đền ơn đáp nghĩa, cậu ạ. Bởi vì, biết bao cán bộ, chiến sĩ chiến đấu mưu trí, dũng cảm, biết bao đồng đội ưu tú hy sinh để có mình ngày hôm nay”-Trung tướng Khuất Duy Tiến nói với tôi như vậy.
HỒNG SƠN