Với chất giọng ấm áp của người xứ Quảng, ông kể, ông là con út trong một gia đình nghèo có 5 người con ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Bố ông mất sớm do bị bệnh nên một mình mẹ ông phải tần tảo sớm hôm lam lũ nuôi đàn con thơ. Hằng ngày, bà vào rừng kiếm củi, rồi còn tranh thủ khi xong việc đồng áng của nhà là đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Khi các con đến tuổi trưởng thành, bà lại động viên con tham gia cách mạng với lời dặn “bao giờ đất nước hết quân thù thì về báo hiếu mẹ cũng chưa muộn”. Nhưng trước khi các con lên đường đánh giặc, bà đều mong họ yên bề gia thất. Võ Sở cũng không ngoại lệ. Thời gian học trung học ở Quy Nhơn, ông đã gia nhập Mặt trận Việt Minh, tích cực hoạt động trong các phong trào của học sinh. “Dù biết tâm nguyện của mẹ, nhưng xác định cống hiến cho cách mạng nên tôi cũng không để ý đến chuyện lập gia đình. Chẳng ngờ tình yêu đến với tôi thật chóng vánh, gặp nhau có một lần rồi cưới, nhưng lại là bến đậu bình an một đời của mình”-Thiếu tướng Võ Sở cười nói. 

leftcenterrightdel
 Gia đình Thiếu tướng Võ Sở, năm 1990. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Võ Sở gia nhập quân đội trong đội hình Tiểu đoàn Nguyễn Nhạc, Trung đoàn 67 rồi về Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 108 chủ lực của Liên khu 5. Cuộc sống, chiến đấu trong quân ngũ khiến ông không có nhiều thời gian về thăm nhà. Trong một lần về phép tranh thủ, ông được gia đình giới thiệu cho cô gái làng bên tên Nguyễn Thị Diện có nước da trắng và mái tóc dài, là con của đảng viên. Dù không đồng ý chuyện mối lái nhưng vì để mẹ già yên tâm nên ông chấp nhận “gặp một lần cho có” và không ngờ đấy lại là duyên trời định. Kể lại lần xem mặt ấy, ông vẫn không khỏi bật cười ngượng ngùng: “Lần đầu gặp, tôi giả vờ gõ cửa nhà cô ấy xin nước. Nhưng ra đón tôi lại không phải cô gái như trong mô tả của mọi người. Thất vọng, tôi quyết không đồng ý sự sắp xếp này dù rất thương mẹ già ở nhà một mình đang phải chăm sóc các cháu nhỏ. Bẵng đi một thời gian, tôi có dịp về thăm quê lần nữa. Vừa bước vào nhà, tôi thấy một cô gái đang ngồi nói chuyện với mấy đứa em họ. Lần đầu gặp, tôi đã bị ấn tượng bởi vẻ ngoài cao ráo, nước da trắng và mái tóc dài của cô ấy. Nghe giới thiệu tên tôi mới giật mình, hóa ra lần trước tôi đã nhận định nhầm người. Đây mới là cô gái tên Nguyễn Thị Diện mà người nhà tôi vẫn kể. Sau phút thẹn thùng, chúng tôi trò chuyện và thấy rất hợp nhau. Nói chuyện hết đêm, đến gần sáng chúng tôi đã hẹn ước sau Chiến dịch Tây Nguyên (Đông Xuân 1953-1954) sẽ làm đám cưới”.

Đầu năm 1954, trong lần cùng đơn vị hành quân vào giải phóng Tây Nguyên, khi đi qua làng mình, Võ Sở xin phép cấp trên được đi trước để ghé về thăm nhà. Trong một ngày ngắn ngủi ấy, ông bàn với mẹ sang nhà gái đặt vấn đề chính thức và tổ chức lễ cưới ngay hôm đó. “Đúng là đám cưới thời chiến. Hai bên gia đình không chuẩn bị được nhiều, chỉ dăm miếng trầu, vài cái kẹo, mấy bao thuốc lá, thế là đám cưới diễn ra. Sau đêm tân hôn, sáng sớm hôm sau, tôi tiếp tục lên đường chiến đấu. Đến cuối tháng 10-1954, tôi lại cùng Sư đoàn 305 tập kết ra Bắc. Vợ chồng lấy nhau hơn 7 tháng nhưng chỉ được ở bên nhau 3 ngày rồi lại mỗi người một nơi”-ông kể.

Năm 1955, bà cũng ra Bắc theo đoàn cán bộ dân-chính-đảng của tỉnh Quảng Ngãi, vợ chồng mới có thời gian bên nhau nhiều hơn. “Nói là nhiều cho oai chứ tôi làm công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, còn ông ấy thì ở tận Hà Nội. Những lần gặp nhau ngắn ngủi, ấy thế mà tôi cũng sinh được cho ông ấy 3 cô con gái bụ bẫm đấy”-bà cười tiếp lời chồng.

leftcenterrightdel

 Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (thứ tư, từ trái sang)

nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng. Ảnh: TIẾN ÍCH

Tháng 8-1964, ông được cử vào làm Trưởng phòng Tổ chức, Đoàn 559. Vì phải lên đường gấp, ông không thể về thành Nam để chia tay vợ và 3 cô con gái bé bỏng. Thế là gửi con cho bạn, bà một mình lên tàu hỏa ra Hà Nội thăm ông. Vợ chồng vẻn vẹn có một buổi chiều bên nhau với biết bao điều lo toan cần dặn dò. Thiếu tướng Võ Sở tâm sự: “Sau niềm vui được trở lại chiến trường của tôi, với vợ tôi là hàng trăm mối lo lắng, trăn trở. Tối hôm ấy, khi những ngọn đèn đường trên phố Lý Nam Đế bắt đầu hắt những quầng sáng vàng, tôi tiễn vợ ra ga Hàng Cỏ. Chúng tôi đi bên nhau trong im lặng. Đến khi tàu kéo còi, gần chuyển bánh, Diện mới nói được mấy lời: “Anh đi gắng giữ gìn sức khỏe và công tác tốt, vào trong đó có điều kiện về thăm mẹ, thăm quê. Ngoài này, em và các con mong thư!”...

Bắt đầu từ đây là những tháng ngày xa cách dài đằng đẵng với bao vất vả, hiểm nguy mà vợ chồng ông phải vượt qua. Mới ở tuổi 31, lại một nách 3 con, rồi lại chuyển công tác từ Nam Định lên Hà Nội, một mình bà Diện bươn chải với cuộc sống. Chưa một lần phàn nàn về những nỗi vất vả ấy, bà hết lòng nuôi dạy các con để ông yên tâm làm nhiệm vụ của người lính nơi chiến trường khói lửa. Hàng chục năm sau, khi nhớ lại thời kỳ này, bà vẫn không khỏi bàng hoàng. Vất vả nhất là khi các con còn nhỏ, ốm đau liên miên. Có thời điểm, đứa thì nằm viện vì teo cơ, đứa thì lên sởi sốt cao phải ở nhờ nhà người bạn, một mình bà chạy đi chạy lại như con thoi giữa viện và nhà bạn để chăm con, có lúc tưởng chừng như kiệt sức. Còn ông cũng không kém phần gian khổ. Trên tuyến lửa Trường Sơn, ông đã cùng đồng đội của mình thực hiện những cuộc đấu trí, đấu lực với một kẻ địch có tiềm lực quân sự mạnh và vô cùng xảo quyệt, không ít lần phải đối mặt với những hy sinh, mất mát. Từ buổi chia tay cho đến ngày đất nước thống nhất, phải mất hơn 10 năm ròng ông mới thực hiện được lời dặn về thăm quê, thăm mẹ của vợ. Thế nhưng, bù đắp cho những tháng ngày vất vả trong nghìn trùng xa cách của họ là năm 1972, sau một lần ông về nghỉ phép, hai người may mắn có thêm cậu con trai. Khi kết thúc chiến tranh, ông trở về mạnh khỏe và lành lặn, là người chỉ huy mẫu mực được đồng đội mến phục.

Trong căn nhà riêng của ông bà ở phường Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội) luôn đầy ắp tiếng cười của niềm hạnh phúc. Các con của ông bà đều khôn lớn trưởng thành. Dù bận công tác, không có nhiều thời gian dành cho gia đình, nhưng Thiếu tướng Võ Sở luôn là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo. Năm 2019, bà Diện không may bị đột quỵ, nhưng nhờ sự chăm sóc chu đáo của chồng và các con, bà đã vượt qua cơn bạo bệnh. Hiện nay, mặc dù sức khỏe của bà giảm sút nhiều, không còn minh mẫn như xưa nữa, nhưng với Thiếu tướng Võ Sở và các con, bà luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc để họ đi về!

HƯỚNG NAM