Đồng chí Lương Văn Tri (tức Giáo, hay Huy Còm) sinh ngày 17-8-1910, ở làng Bản Hẻo, xã Mỹ Liệt, châu Điềm He (nay là xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Đồng chí tham gia cách mạng, vào Đảng Cộng sản và theo học ở Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Năm 1933, theo yêu cầu của Đảng, đồng chí trở về nước xây dựng phong trào cách mạng ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn; đến năm 1939 giữ chức Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác quân sự, rồi Ủy viên Thường vụ Xứ ủy (1940), tham gia dạy những lớp quân sự đầu tiên do Đảng ta tổ chức ở Hiệp Hòa (Bắc Giang).

Giữa lúc phong trào cách mạng Bắc Sơn gặp khó khăn do địch tăng cường càn quét, khủng bố, lực lượng du kích phải phân tán hoạt động bí mật thì Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 7 (tháng 11-1940), đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó quyết định phát triển ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa bằng cách duy trì lực lượng du kích và phong trào cách mạng Bắc Sơn. Tiếp đó, tháng 12-1940, Trung ương Đảng cử đồng chí Lương Văn Tri lên cùng Đảng bộ Bắc Sơn lãnh đạo khôi phục phong trào cách mạng.

Đến Bắc Sơn, đồng chí Lương Văn Tri liền tổ chức lớp huấn luyện quân sự, chính trị ngắn ngày ở Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ). Không chỉ có các chiến sĩ du kích Bắc Sơn và cán bộ, đảng viên địa phương mà lớp huấn luyện còn thu hút một số đội viên du kích, tự vệ ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang tham gia học tập. Về quân sự, nội dung học từ đội hình, đội ngũ, cách tổ chức các đội tự vệ, du kích đến huấn luyện về kỹ thuật và chiến thuật, nhất là cách đánh du kích (phục kích, tập kích...).

Về chính trị, học chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, trong đó tập trung đi sâu vào “nghệ thuật vận động quần chúng”, từ cách bắt nối, tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng đến tổ chức các tầng lớp nhân dân, từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh vũ trang, kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.

leftcenterrightdel

Tượng đài đồng chí Lương Văn Tri tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: BẢO SƠN 

Thực hiện nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 7, ngày 14-2-1941, Đội du kích Bắc Sơn chính thức được thành lập tại khu rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, thay mặt Trung ương nêu rõ nhiệm vụ và trao lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, xung quanh có tua vàng do Hội Phụ nữ phản đế Hà Nội thêu tặng cho Đội du kích Bắc Sơn.

Đồng chí Lương Văn Tri thay mặt Ban chỉ huy đội du kích nhận cờ và hứa với Trung ương Đảng, toàn đội nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Buổi đầu, Đội du kích Bắc Sơn có 32 người do đồng chí Lương Văn Tri làm Chỉ huy trưởng.

Trên cương vị Chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri chỉ đạo đội du kích luyện tập quân sự. Vùng bản Ít (xã Vũ Lễ) là nơi thường xuyên huấn luyện quân sự cho các chiến sĩ du kích và tự vệ Bắc Sơn. Ngoài ra, đội du kích còn hoạt động trừ gian, diệt bọn tay sai phản động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh chống địch khủng bố.

Cùng với việc xây dựng đội du kích, đồng chí Lương Văn Tri chỉ đạo tuyên truyền, vận động quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng. Đến tháng 4-1941, khu căn cứ du kích được xây dựng mở rộng, bao gồm các xã: Vũ Lễ, Vũ Lăng, Ngư Viễn, Hữu Vĩnh (châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), nối liền với khu căn cứ các xã: Lâu Thượng, Phú Thượng (châu Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), trở thành căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn-Võ Nhai.

Nhằm khuếch trương thanh thế cách mạng, ngày 1-5-1941, tại Khuổi Nọi, Đội du kích Bắc Sơn tổ chức lễ ra mắt trước nhân dân địa phương theo chỉ thị của Trung ương Đảng. Thay mặt Ban chỉ huy, đồng chí Lương Văn Tri phát biểu, nêu rõ: “Việc thành lập Đội du kích Bắc Sơn ngày 14-2-1941 là quyết định của Trung ương Đảng, toàn đội khắc phục khó khăn, gian khổ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đại diện các tầng lớp công nhân, nông dân và đông đảo quần chúng dự mít tinh hân hoan chào đón đội du kích tập trung mang tên cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, lần đầu tiên ra mắt trước nhân dân địa phương”(1).

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lương Văn Tri, những ngày đầu tháng 5-1941, cán bộ và chiến sĩ đội du kích bắt đầu thực hiện chế độ sinh hoạt, học tập chính trị (gồm đường lối, chính sách của Đảng, nhiệm vụ của đội du kích...), huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật (cách sử dụng các loại súng trường, súng kíp, mã tấu, dao găm...) và chiến thuật, chủ yếu là cách đánh du kích, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm. Đồng chí Lương Văn Tri thường nhắc nhở toàn đội: “Quân đội cách mạng là phải có ý chí cách mạng kiên cường, có kiến thức khoa học và giỏi về kỹ thuật, phải có kỷ luật chặt chẽ, có tổ chức và chỉ huy nghiêm minh”(2).

Trên cương vị Chỉ huy trưởng Đội du kích Bắc Sơn, đồng chí Lương Văn Tri chỉ đạo đội du kích luyện tập quân sự, thực hiện chế độ sinh hoạt, học tập chính trị, xây dựng đội có ý chí cách mạng kiên cường, có kiến thức khoa học và giỏi về kỹ thuật, kỷ luật chặt chẽ, tổ chức và chỉ huy nghiêm minh. Cùng với hoạt động trừ gian, diệt bọn tay sai phản động, đội du kích còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh chống địch khủng bố.

Thực hiện chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và cũng để phù hợp với nhiệm vụ mới theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941), tháng 7-1941, Đội du kích Bắc Sơn vinh dự được đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân 1. Đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, phụ trách công tác quân sự của Đảng được Trung ương phân công giữ chức Chỉ huy trưởng; đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác quân sự của Xứ ủy giữ chức Chính trị viên, đồng chí Chu Văn Tấn làm Chỉ huy phó Trung đội Cứu quốc quân 1.

Đến giữa tháng 7-1941, các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng (gồm: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt) triệu tập cuộc họp với Ban chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân 1, phân tích, đánh giá tình hình trong nước, nhiệm vụ cách mạng và đề ra phương hướng xây dựng, phát triển lực lượng Cứu quốc quân làm nòng cốt cho nhân dân đấu tranh, chống địch khủng bố, bảo vệ khu căn cứ Bắc Sơn.

Trước khí thế hoạt động mạnh mẽ của Cứu quốc quân và phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi ở Bắc Sơn, thực dân Pháp huy động khoảng 4.000 quân, mở cuộc tiến công vào khu căn cứ Bắc Sơn. Trong tình thế khẩn trương, đồng chí Lương Văn Tri cùng Ban chỉ huy họp cử một tổ bảo vệ các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng bí mật rút xuống Võ Nhai rồi về miền xuôi an toàn. Lực lượng còn lại của đội do các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri chỉ huy chống địch khủng bố.

Xét tương quan lực lượng bất lợi cho ta, đồng chí Lương Văn Tri cùng Ban chỉ huy quyết định rút hai tiểu đội ra khỏi vòng vây của địch theo hai hướng lên Lạng Sơn và Cao Bằng, duy trì lực lượng để làm vốn quân sự cho Đảng. Còn một tiểu đội bí mật ở lại Bắc Sơn bám cơ sở, chống địch khủng bố. Ngày 8-8-1941, tiểu đội rút về phía Lạng Sơn, vượt vòng vây của địch tiến lên Bình Gia, Văn Mịch, sau đó sang biên giới Việt-Trung an toàn. Ngày 10-8-1941, tiểu đội rút về phía Cao Bằng, do đồng chí Phùng Chí Kiên và đồng chí Lương Văn Tri chỉ huy. Khi đến Pò Kép, xã Văn Học, châu Na Rì, tỉnh Bắc Kạn (19-8-1941) thì bị địch phục kích.

Tiểu đội đã tổ chức đánh trả, gây cho địch một số thiệt hại, rồi tiếp tục hành quân. Song tên đồn trưởng đồn Ngân Sơn huy động lực lượng chặn các ngả đường lên Cao Bằng. Ngày 22-8-1941, Cứu quốc quân đến làng Khau Pàn, xã Bằng Đức, châu Ngân Sơn (Bắc Kạn), bị địch phục kích, tổn thất nặng. Đồng chí Phùng Chí Kiên anh dũng hy sinh. Đồng chí Lương Văn Tri bị thương vẫn cố nén đau tiếp tục hành trình, nhưng khi đến Km25 (đoạn Bằng Khẩu, Ngân Sơn lên Cao Bằng), ngày 28-8-1941 thì bị địch bắt, đưa về nhà giam tỉnh Cao Bằng. Kẻ địch dùng mọi thủ đoạn, cực hình tra tấn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết kiên cường, bất khuất của người cộng sản và anh dũng hy sinh ngày 29-9-1941.

Đây là tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng nước ta, nhất là đối với lực lượng vũ trang cách mạng. Đồng chí Lương Văn Tri đã để lại tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trong đó có những đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng Bắc Sơn trong tiến trình của phong trào cách mạng cả nước những năm 1940-1941, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

(1) - Lịch sử tổ chức quân sự Việt Nam, tập 3 (1930-1954), NXB QĐND, H, năm 2015, tr.61.

(2) - Lê Dục Tôn, Du kích Bắc Sơn, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 6 (1999), tr.70.