QĐND - Mỗi lần có dịp viếng các liệt sĩ tại Khu di tích ngục Kon Tum, tôi đứng lặng trước hai ngôi mộ chôn chung những người Cộng sản kiên trung bị thực dân Pháp xả súng giết hại vào sáng 12-12-1931 và trưa 16-12-1931. Bia dẫn tích khắc sâu tên, tuổi, quê quán các liệt sĩ, lớp cán bộ chủ chốt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi bị bắt những ngày đầu cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong số 7 người Cộng sản ngã xuống trưa 16-12-1931, bị ném xác xuống hố phía ngoài “nhà phạt cầm cố” tù chính trị, tôi muốn nhắc tới anh Hoàng Văn Bá, chỉ huy Tự vệ Đỏ bảo vệ cuộc biểu tình ngày 1-5-1930.

Đồng chí Hoàng Văn Bá.

Trong cuộc biểu tình sáng 1-5-1930, hơn 1000 nông dân quanh thị xã Vinh bị đàn áp khốc liệt nhưng đã châm ngòi cho 46 cuộc biểu tình ở Nghệ An, 26 cuộc biểu tình ở Hà Tĩnh, 11 cuộc biểu tình ở Quảng Ngãi, Phú Riềng, Ba Son (trong năm 1930), Tiền Hải (Thái Bình). Anh Hoàng Văn Bá là người tham gia chỉ huy, trực tiếp đánh trống thôi thúc đoàn người tiến lên. Từ 3 giờ sáng, chiếc trống đại đặt ở Chùa Gia (Cửa Đền, Hòa Tiến xã Hưng Lộc, TP Vinh hôm nay) được Hoàng Văn Bá giao cho anh Dương Xuân Kiên, Phan Sĩ Thân sử dụng. Tại đền Trìa, chợ Cọi, tiếng trống ngũ liên dồn dập vang lên tập hợp nông dân Đức Thịnh, Lộc Đa, Yên Dũng, Đức Hậu, An Hậu, Mỹ Thượng, Song Lộc, mang theo gậy gộc, đòn gánh, liềm chấu, biểu ngữ đổ về chợ Cọi, tập hợp đội hình.

Đoàn biểu tình bị tri phủ Hưng Nguyên Phạm Hữu Văn và đội lính khố xanh, lính Pháp ngăn cản tại Quán Lau (nay là đường Hồ Tùng Mậu). Để khích lệ ý chí đấu tranh, Hoàng Văn Bá vừa hô khẩu hiệu “Công nông binh liên hiệp lại, chống khủng bố, chống đánh đập”, vừa đánh trống liên hồi, thúc giục đoàn người áo vải tiến lên. Tiếng trống hối hả, gấp gáp, rền vang từ tay Hoàng Văn Bá như hiệu lệnh xung trận cho hàng nghìn người nông dân vững tin tiến về Nhà máy Điện Bến Thủy, bất chấp súng, đạn, lưỡi lê. Cùng với tiếng trống là tiếng hát “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn…”. Tiếng trống vẫn vang lên giữa lúc bọn chủ nhà máy, bọn lính Pháp nổ súng vào đoàn biểu tình, bắn chết anh Nguyễn Đôn Nhoãn, anh Trần Cảnh Bình khi hai anh xông vào phá cổng, treo cờ búa liềm lên cột đèn Bến Thủy. Tên giám binh Petit ra lệnh cho đại đội lê dương nã đạn tới tấp, tàn sát tại chỗ 7 người, 18 người bị thương, 100 người bị bắt nhưng tiếng trống của Hoàng Văn Bá vẫn vang lên bất khuất. Cuộc biểu tình bị dập tắt, Hoàng Văn Bá không bỏ rơi trống, anh giấu vào đồng cói làng Yên Dũng rồi cùng các đồng chí của mình lo mai táng các liệt sĩ, chăm sóc người bị thương. Không nản chí trước cảnh tàn sát đẫm máu của thực dân Pháp, Hoàng Văn Bá cùng Nguyễn Đệ, Phạm Ngọ, Dương Xuân Kiên, Phan Sĩ Thân, Hoàng Ngãi, Phạm Thành, Uông Nhật Vượng, Uông Nhật Hoành, Uông Văn Tự ở Lộc Đa, Đức Thịnh chắp nối, củng cố đoàn thể nông hội, tự vệ đỏ, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho những cuộc đấu tranh “long trời lở đất” tiếp theo… Biểu lộ khí phách “tranh đấu đến cùng” của người cộng sản, Hoàng Văn Bá làm câu đối treo tại một quán bán nước chè xanh: “Bán cơm, bán cháo, không bán nước. Cần đồng, cần chục, chẳng cần quan”.

Sau cuộc biểu tình ngày 1-5-1930, khâm sứ Trung Kỳ mật lệnh cho bọn quan lại triều Nguyễn, mật thám, giám binh Hà Tĩnh, Nghệ An “phải dẹp cho được nạn Cộng sản nổi loạn ở Nghệ Tĩnh, nếu không nó sẽ lan rộng cả xứ Đông Dương”. Chánh mật thám Pháp ở Trung Kỳ và thượng thư Nguyễn Hữu Bài từ Huế ra Nghệ An chỉ huy “vây bắt cộng sản” và những người tham gia biểu tình. Vào 4 giờ sáng 5-5-1930, bọn mật thám, lính lê dương đã vây bắt các anh Hoàng Trọng Trì (ủy viên Tổng nông hội Nghệ An, phụ trách ngoài thành Vinh - Bến Thủy); Hoàng Văn Bá, đảng viên, chỉ huy cuộc biểu tình nông dân Lộc Đa - Đức Thịnh ngày 1-5-1930. Tại nhà lao Vinh, bị tra tấn cực hình nhưng Hoàng Trọng Trì và Hoàng Văn Bá cắn răng chịu đựng, không khai báo đồng chí, đồng bào của mình. Bọn Pháp và Nguyễn Hữu Bài chỉ dụ cho tòa án Nam Triều xử lưu đày khổ sai Hoàng Trọng Trì tại nhà tù Lao Bảo và Hoàng Văn Bá tại nhà tù Kon Tum. Tại 2 nhà tù nổi tiếng địa ngục trần gian, ma thiêng, nước độc này, Hoàng Trọng Trì, Hoàng Văn Bá luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Hoàng Văn Bá từng chia sẻ tấm áo, vắt cơm tù chỉ nhỉnh hơn quả trứng gà cho bạn tù lúc ốm đau, phơi lưng đỡ báng súng, roi mây đòn thù những lúc cả khám bị cai ngục, lính Pháp đàn áp. Cũng vì ý chí bất khuất tranh đấu, bảo vệ tổ chức trong nhà tù mà Hoàng Văn Bá từ mức án 3 năm bị tăng lên khổ sai chung thân và cũng vì tuyệt thực, không đi Đắc Pét, phản kháng bọn thực dân giết hại 8 đồng chí của mình sáng 12-12-1931, Hoàng Văn Bá cùng 6 bạn tù đã ngã xuống trưa 16-12-1931, chịu cảnh vùi xác chung một hố.

Vào mùa thu năm thứ 83 Xô viết Nghệ Tĩnh (12-9-1931/12-9-2013) và cũng cận kề ngày hy sinh của liệt sĩ Hoàng Văn Bá (16-12-1931/16-12-2013), tôi cứ ao ước giá như TP Vinh, nơi lưu dấu cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) trong lịch sử cách mạng dân tộc - dân chủ có một tuyến đường, khu phố mang tên Hoàng Văn Bá, một người Cộng sản kiên trung, bất khuất trong nhà tù thực dân Pháp.

VĂN HIỀN