Anh đến bản làng vui
Chúng tôi gặp bà Chu Chà Me, 80 tuổi, người dân tộc Hà Nhì, ở phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, từng có những năm tháng gắn bó với Anh hùng Trần Văn Thọ. Những kỷ niệm về người lính biên phòng năm xưa vẫn khiến bà thổn thức mỗi khi nhớ lại.
Trước năm 1954, xã Leng Su Sìn, quê hương của Chu Chà Me là vùng núi rừng hiểm trở, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Cũng như bao gia đình người Hà Nhì nơi ngã ba biên giới, nhà Chà Me phải dựa vào những cánh rừng chênh vênh trên núi quanh năm mây mù bao phủ để mưu sinh. Không có ruộng, mẹ con Chà Me chỉ biết phát nương, dùng gậy vót nhọn chọc lỗ, tra ngô, tra lúa vào đá rồi để cây tự nhiên lớn lên.
    |
 |
Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Trần Văn Thọ. Ảnh tư liệu |
Cuốn “Lịch sử Đồn BP Leng Su Sìn” còn ghi lại: Sau ngày Điện Biên được giải phóng năm 1954, đơn vị của đồng chí Thọ tiếp tục làm nhiệm vụ tiễu phỉ, ổn định đời sống nhân dân ở vùng cao biên giới từ Bát Xát, Sa Pa đến Mường Hum, Tà Mường. Lúc đó, trình độ giác ngộ của nhân dân còn thấp, tệ nạn mê tín dị đoan nặng nề, bọn gián điệp, phản động vẫn thường xuyên chống phá. Nhân dân hoang mang lo sợ, tình hình an ninh trật tự phức tạp, căng thẳng. Nhưng anh Thọ và đồng đội không bi quan, họ chịu đựng gian khổ, học tiếng dân tộc thiểu số (anh Thọ thông thạo 7 ngôn ngữ của đồng bào) để gần dân, giúp dân.
Bà Chà Me nhớ lại: “Nhà tôi lúc ấy nghèo nhất vùng. Tôi là con một, ở với mẹ, thiếu tình cảm của cha từ nhỏ. Từ ngày có anh Thọ, anh Kiêm về ở cùng trong gia đình, được tiếp xúc với các anh, ngôi nhà mẹ con tôi như ấm cúng hơn, lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, tiếng hát”.
Mùa đông năm 1957, Leng Su Sìn trời rét căm căm. Nhà Chà Me lợp mái tranh, xung quanh tường đất không đủ che chắn. Mỗi khi trời mưa, ngồi trong nhà, nước chảy xuống thành từng dòng. Nhìn ngôi nhà cũ kỹ, dột nát, anh Thọ đã đề xuất với đồn dựng lại căn nhà mới cho mẹ con Chà Me. Các anh tỏa vào rừng, người chặt gỗ, người chặt tre, người cắt tranh giúp đỡ mẹ con Chà Me làm nhà mới. Thấy các anh bộ đội làm, dân bản cũng tự nguyện đến giúp. Gần 6 ngày thì ngôi nhà mới được hoàn thành trong niềm vui sướng khôn tả của mẹ con Chà Me. Hôm ấy, anh Thọ được phát một chiếc mền bông mới nhưng anh tặng lại mẹ con Chà Me. Bà Chà Me cho biết: “Tình cảm của anh Thọ không chỉ với riêng gia đình tôi mà anh luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Ai có công việc khó khăn, nhà ai vợ chồng bất hòa, anh Thọ lại đến khuyên giải. Từ ngày có các anh, bản tôi đông vui, nhộn nhịp, thêm sức sống”.
Năm đó, Chà Me đã 17 tuổi mà chưa biết đọc, biết viết. Một hôm, anh Thọ nói: “Chà Me phải đi học mới có kiến thức để làm cho quê hương, núi rừng của mình tốt hơn, ở nhà vất vả lắm. Đi học, có kiến thức, trình độ văn hóa, làm gì cũng dễ hơn, tương lai em sẽ tốt hơn!”. Nghe anh nói vậy nhưng trong lòng Chà Me luôn có một nỗi mặc cảm tự ti rằng “con gái Hà Nhì chỉ biết ăn cơm thôi chứ không học được”. Chà Me lại sợ mẹ già ở nhà một mình không nơi nương tựa. Như hiểu rõ nỗi lòng của cô, anh Thọ, anh Lâm đã động viên và hứa sẽ thay Chà Me chăm sóc mẹ thật tốt. Ngày 16-2-1959, Chà Me lên đường về Trường Dân tộc khu tự trị Thái-Mèo để vào học lớp 1. Trước khi đi, anh Thọ tặng Chà Me một chiếc bút máy kim tinh màu xanh nước biển-vật dụng quý hiếm hồi ấy.
Đổi thay một vùng quê
Tháng 3-1959, Thiếu úy Trần Văn Thọ được biên chế về Đồn 5. Thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân ổn định đời sống ở vùng cao biên giới, trên cương vị là đội trưởng đội trinh sát, anh Thọ và các cán bộ tiếp tục thực hiện “4 cùng” giúp dân bản.
Bà Chà Me nhớ lại: “Một hôm, anh Thọ tổ chức họp bản. Trước bà con, giọng anh vang vang như có lửa: Hiện nay, Huyện ủy Mường Tè đã có chủ trương từng bước củng cố tổ đổi công xây dựng hợp tác xã (HTX), chuyển hướng canh tác, đẩy mạnh sản xuất, vậy chúng ta phải thay đổi tập quán canh tác. Bà con phải lập các tổ mẫu làm ăn, xuống thấp định cư, dùng cày bừa làm ruộng, cấy lúa nước, làm cỏ, bón phân...”.
Để giúp dân bản, mỗi lần đi công tác về, bao giờ anh Thọ cũng mua tặng các HTX một vài hạt giống, cây trồng mới có năng suất cao. Cuối năm 1959, anh về quê Phú Thọ, khi lên, anh đem theo 20kg thóc giống. Vượt hơn 700km đường ô tô, đi bộ thêm 10 ngày, không ngại núi cao, vực thẳm, anh đem thóc giống tới tận bản Sen Thượng, hành động này đã làm cho nhân dân vô cùng mến phục, cảm động.
Hằng ngày, anh Thọ cùng với cán bộ cốt cán vận động bà con xuống vùng thấp để định cư, làm ruộng nước. Anh bỏ tiền của mình tìm mua một số lưỡi cày, hướng dẫn bà con cày, bừa, gieo mạ, làm phân bón ruộng, làm đồng với kỹ thuật mới. Anh còn giúp đỡ cán bộ địa phương biết lập kế hoạch làm ăn, thời vụ cây trồng, kỹ thuật chăm bón lúa và hoa màu, cách quản lý, tổ chức, tính công điểm, phân công trách nhiệm rõ ràng. Từ thành công đó, anh Thọ đã giúp địa phương xây dựng được nhiều tổ đổi công, thu hút nhiều gia đình vào làm tập thể. Qua một thời gian, địa phương xây dựng được nhiều HTX làm ăn hiệu quả. Do tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ càng nên bà con vô cùng phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, sản lượng lúa thu hoạch ngày càng được nâng cao. Đời sống nhân dân được ấm no hơn, không phải cứu trợ như trước.
    |
 |
Tượng đài Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Trần Văn Thọ. Ảnh: THÙY NGÂN |
Mãi trong lòng dân bản
Hoàn thành lớp học ở Trường Dân tộc khu tự trị Thái-Mèo, Chà Me trở về công tác tại Châu đoàn Mường Tè rồi bất ngờ được tin anh Thọ hy sinh vào một đêm đầu tháng 8-1961. Hôm ấy, trời mưa như trút nước. Nước suối dâng cao, chảy cuồn cuộn làm guồng nước bị đổ, nhà kho HTX Phú Bì trên nương bị hư hỏng nặng. Anh Thọ cùng anh em mặc áo mưa chạy ra ngoài trời để sửa sang nhà kho cứu thóc, ngô. Cũng đêm hôm đó, anh Thọ bị cơn sốt rét ác tính quật ngã...
Nghe tin sét đánh, trước mắt Chà Me lúc ấy trời xanh như đổ sập xuống. Những lời khuyên bảo của anh Thọ trước đó cứ hiện về làm trái tim cô gái Hà Nhì như có ai xát muối... Ngày làm lễ truy điệu anh, bà con dân bản Leng Su Sìn mỗi người bê một hòn đá từ suối Păng Pơi về xếp quanh mộ và dựng bia tưởng niệm để khắc ghi công ơn người đồng chí, người con yêu quý của dân bản. Năm 1967, liệt sĩ Trần Văn Thọ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Ngày 27-2-2016, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên đã khánh thành tượng đài Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Trần Văn Thọ và khu tưởng niệm 28 liệt sĩ đã chiến đấu, công tác và hy sinh nơi mảnh đất địa đầu của Tổ quốc.
Ngày khánh thành tượng đài, dẫu lúc ấy tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt nhưng bà Chà Me vẫn vượt qua chặng đường gần 200km lên thắp nén tâm nhang tưởng nhớ người anh quý mến. Trong những dòng lưu niệm, bà Chà Me xúc động viết: “Anh Thọ ơi! Em ghi nhớ mãi lời anh dặn, cố gắng học tập để có kiến thức về xây dựng quê hương mình. Ở nơi xa, anh cứ yên lòng về sự bình yên của mảnh đất biên cương này...”.
PHẠM KIÊN