Một trong những người con tiêu biểu đó là đồng chí Lê Thanh Nghị. Ông tên thật là Nguyễn Khắc Xứng (hay Nguyễn Văn Xứng), sinh ngày 6-3-1911, trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở làng Thượng Cốc, huyện Tứ Lộc (nay là xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).
Tháng 6-1926, Lê Thanh Nghị xuống Hải Phòng làm thợ điện ở nhà máy hóa chất, gọi là Xưởng Simi. Làm ở đây được khoảng hai năm, nhà máy phải đóng cửa vì khủng hoảng kinh tế từ Pháp tràn sang, Lê Thanh Nghị ra làm ở vùng mỏ Vàng Danh (Quảng Ninh). Năm 1928, Lê Thanh Nghị đã được giác ngộ cách mạng và năm 1929 gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên-tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hồi ký “Trọn một cuộc đời”, đồng chí Lê Thanh Nghị viết: “... Cái hội kín mà tôi mong muốn được vào là Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Mục đích của hội không chỉ là đánh Tây, giành lại độc lập mà còn xây dựng nước nhà thành một nước cộng sản như ở nước Nga”. Tìm thấy lý tưởng sống của cuộc đời, Lê Thanh Nghị tích cực hoạt động cách mạng và trở thành một trong những chiến sĩ cách mạng ưu tú trong phong trào công nhân vùng mỏ Đông Bắc.
Lê Thanh Nghị trở thành đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng. Đồng chí Lê Thanh Nghị từng ghi trong hồi ký: “... Cuộc kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga ngày 7-11-1929 đã thành công tốt đẹp. Sau đấy vài tuần, tôi được kết nạp Đảng. Hôm ấy là một buổi chiều chủ nhật... Lễ kết nạp được tổ chức ở trong lán... nhưng đối với tôi thật thiêng liêng, cảm động!”.
Sau khởi nghĩa Yên Bái và trước cao trào cách mạng những năm 1930-1931 lên cao, thực dân Pháp tăng cường đàn áp các cuộc đấu tranh, lùng bắt những cán bộ cốt cán của Đảng. Ở vùng mỏ Cẩm Phả, Hòn Gai, sau thắng lợi ngày 1-5, một số đảng viên nòng cốt hoạt động ở đây chủ quan trong công tác hoạt động, không giữ gìn đúng nguyên tắc bí mật, coi thường sự theo dõi của tay sai và mật thám Pháp, dẫn đến cơ sở đảng ở vùng mỏ bị vỡ, nhiều đồng chí bị thực dân Pháp bắt. Phong trào bị tổn thất nặng nề do có kẻ hèn nhát không chịu được đòn roi của mật thám Pháp nên đã khai ra. Tháng 5-1930, trong số những người bị mật thám Pháp bắt có đồng chí Lê Thanh Nghị.
Trong hồi ký, ông viết: “Một hôm, vào buổi chiều, tôi đang làm ở trong nhà máy thì tên đốc công cùng một tên Pháp mặc xi-vin (thường phục) ở ngoài xộc vào. Đi theo chúng là hai tên mật thám... Thấy tên đốc công chỉ tay về phía tôi, nói gì với tên Pháp, tên này liền cùng với hai tên mật thám tiến thẳng lại phía tôi. “Mày là Nguyễn Khắc Xứng phải không?”. Nó hỏi bằng tiếng ta rất sõi, rồi không đợi tôi trả lời, ra lệnh cho hai tên mật thám xích tay tôi lại dẫn ra ô tô đã đỗ sẵn ở ngoài sân”.
Sau khi hỏi cung không moi được gì, chúng giải đồng chí Lê Thanh Nghị sang giam ở nhà lao Hải Phòng cùng với các đồng chí: Lương Khánh Thiện, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) và Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh)... Sau đó, chúng kết án đồng chí Lê Thanh Nghị phát lưu chung thân và đày ra Côn Đảo. Tháng 6-1936, trước áp lực đấu tranh của nhân dân tiến bộ Pháp và phong trào cách mạng trong nước sau ngày Chính phủ Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, do Léon Blum, lãnh đạo Đảng xã hội làm Thủ tướng, thực dân Pháp ở Đông Dương buộc phải ân xá nhiều tù chính trị, trong số đó có đồng chí Lê Thanh Nghị. Đồng chí bị đưa về quản thúc tại quê nhà Hải Dương. Không quản hiểm nguy, Lê Thanh Nghị lên Hà Nội bí mật bắt liên lạc với tổ chức đảng. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Sáng kiến, được thành lập vào tháng 8-1936, giữ vai trò như Xứ ủy lâm thời ở Bắc Kỳ để đi tìm và tập hợp những đồng chí mới ở tù ra và các đồng chí còn sót lại ở ngoài để xây dựng lại phong trào, đồng chí Lê Thanh Nghị đã tích cực tham gia hoạt động khôi phục lại hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở Hà Nội, rồi Hải Dương, góp phần vào phong trào cách mạng dân chủ sôi nổi trong những năm 1936-1939.
Cuối năm 1938, đồng chí Lê Thanh Nghị được Xứ ủy Bắc Kỳ cử tham gia Liên tỉnh ủy B (gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh), được giao trực tiếp phụ trách tổ chức đảng ở Hải Dương và vùng mỏ. Đồng chí đã chỉ đạo phát triển đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho sự phát triển của phong trào cách mạng ở khu vực này.
Với những đóng góp quan trọng đối với phong trào cách mạng ở Hải Dương và vùng mỏ, giữa năm 1939, đồng chí Lê Thanh Nghị được Xứ ủy Bắc Kỳ điều lên giúp việc đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Xứ ủy. Đầu năm 1940, đồng chí Lê Thanh Nghị bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai. Thực dân Pháp đưa đồng chí ra tòa, kết án 5 năm tù và thêm 2 tháng tù vì tội phá rối trị an ở Hải Dương, đày lên Nhà tù Sơn La. Tại Nhà tù Sơn La, đồng chí Lê Thanh Nghị được chi bộ nhà tù tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ từ tháng 10-1941 đến tháng 6-1943. Đến đầu năm 1945, đồng chí Lê Thanh Nghị được mãn hạn tù. Trong hồi ký, đồng chí Lê Thanh Nghị đã viết: “Anh Trần Quốc Hoàn được bầu làm Bí thư chi bộ thay tôi... không phải tất cả những người mãn hạn tù được trả tự do ngay, mà nhiều người còn phải đưa đi căng... Chắc chắn tôi sẽ bị liệt vào loại này, cho nên đã bàn với đồng chí đại diện của Trung ương sẽ tìm cách trốn ở dọc đường...”.
Sau khi trốn thoát, đồng chí Lê Thanh Nghị tiếp tục hoạt động cách mạng và được chỉ định vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 9-3-1945, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, đồng chí được giao trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng An toàn khu 2, phụ trách Chiến khu 2 (gồm: Bắc Giang, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ và một phần Thái Nguyên). Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, chỉ trong thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở các địa phương trong An toàn khu 2, nhất là Bắc Giang phát triển mạnh mẽ, chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều xã. Tháng 4-1945, tại Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ-Bộ chỉ huy LLVT cách mạng khu vực phía Bắc, có nhiệm vụ giúp đỡ về quân sự cho toàn quốc. Đồng chí Lê Thanh Nghị được cử làm Ủy viên Thường trực Ủy ban, trực tiếp phụ trách Chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là Chiến khu Đông Triều) gồm một số tỉnh miền duyên hải và Đông Bắc, đồng thời vẫn trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Giang đến ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ; Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-Hành chính Khu 3, rồi Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-Hành chính Liên khu 3; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng những năm 1951-1986; Ủy viên Bộ Chính trị những năm 1956-1981; đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII; nhiều năm được bầu vào cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Bộ trưởng Bộ Công nghiệp; Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách ngành công nghiệp kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước.
Do có nhiều công lao cống hiến với sự nghiệp cách mạng của dân tộc cho tới lúc mất năm 1989, đồng chí Lê Thanh Nghị đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
NGUYỄN BIỂU