Lần đầu tiên tôi gặp ông vào một ngày đầu hè năm 1972. Hồi đó, trên cương vị Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, ông có chủ trương chọn lựa về cục những cán bộ trẻ là thương binh, đã trải qua chiến đấu ở chiến trường, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với yêu cầu công tác chính sách. Vì vậy, tôi đã lọt vào “tầm ngắm” của các đồng chí cán bộ cục khi xuống chọn người ở Đoàn An dưỡng 251, Quân khu Tả Ngạn.
    |
 |
Cục trưởng Lê Tiến Phục (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại buổi họp mặt của Quân ủy Trung ương với đại biểu gia đình liệt sĩ, thương binh ưu tú, ngày 25-8-1968. Ảnh tư liệu |
Chúng tôi vừa về cục, việc đầu tiên là dự lớp tập huấn bồi dưỡng về nội dung và phương thức tiến hành công tác chính sách, được tổ chức ở nơi sơ tán là đình làng Cống Xuyên, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Ông Lê Tiến Phục đến khai mạc và trực tiếp giảng bài “Đạo đức người cán bộ chính sách”. Chúng tôi chăm chú lắng nghe lời giảng chân tình, sâu sắc của ông. Ông nói đại ý: Chính sách là thể hiện quan điểm, thái độ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người, những gia đình có công với cách mạng. Là cầu nối giữa tổ chức với đối tượng có công, đòi hỏi cán bộ chính sách phải tận tụy, chí tình, chu đáo với gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ, thương binh; phải khiêm tốn, trung thực, thanh liêm, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện tư lợi, cửa quyền… Bài giảng của ông vừa có tính lý luận vừa liên hệ thực tiễn một cách phong phú, sinh động. Ngày đó, ông chừng 50 tuổi, dáng cao gầy, vai rộng, tóc húi cua, bước đi nhanh. Khi tiếp xúc với mọi người, ông đều gần gũi, chăm chú lắng nghe. Lúc giảng bài thì mọi cử chỉ của ông từ khóe miệng, giọng nói đến ánh mắt, nụ cười đều toát lên sự truyền cảm, thân thiện, ấm áp. Cảm nhận đó in đậm nguyên vẹn trong lòng tôi suốt nhiều năm được công tác dưới quyền ông. Thời gian tập huấn không dài, nhưng để lại cho chúng tôi những ấn tượng sâu sắc. Những điều thu hoạch được đối với tôi là rất bổ ích. Đó là khối kiến thức hành trang ban đầu, là cẩm nang cho tôi trong suốt chiều dài thời gian công tác sau này.
Ông Lê Tiến Phục sinh năm 1922 tại xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông hoạt động trong phong trào công nhân Hà Nội từ những năm 1938-1939, được kết nạp vào Đảng năm 1940, từng là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Nam Định, Chủ tịch Việt Minh, Bí thư Huyện ủy Mỹ Lộc những năm sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Năm 1950, ông được tổ chức điều động vào quân đội giữ chức Chính trị viên tiểu đoàn, rồi Chính trị viên Ban Cung cấp Trung đoàn 64, Đại đoàn 320 hoạt động ở Đồng bằng Bắc Bộ. Năm 1954, ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị Trung đoàn bậc phó, cán bộ Phòng Cán bộ, Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Chính trị Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam tại Lào do ông Chu Huy Mân làm đoàn trưởng. Tháng 7-1963, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào thời kỳ quyết liệt, công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội đặt ra với khối lượng lớn, tính chất khó khăn phức tạp, cả ở tiền tuyến và hậu phương. Trước tình hình đó, ngày 21-11-1967, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Cục Chính sách trực thuộc Tổng cục Chính trị. Đang là Phó cục trưởng Cục Tổ chức, ông Lê Tiến Phục được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Chính sách.
Suốt trong nhiều năm chiến tranh, được sự chỉ đạo của cấp trên, Cục Chính sách với sự chỉ huy của Cục trưởng Lê Tiến Phục đã tích cực triển khai đồng bộ và thu được nhiều kết quả như: Kịp thời giải quyết chính sách phục viên, chuyển ngành cho hàng chục vạn thương binh đã lành vết thương, ổn định sức khỏe nhưng không còn khả năng tiếp tục phục vụ quân đội; chỉ đạo việc xác minh, kết luận để báo tử và giải quyết kịp thời quyền lợi gia đình liệt sĩ đối với hàng chục vạn quân nhân hy sinh trong chiến đấu ở các chiến trường; chỉ đạo cơ quan quân sự các địa phương thực hiện chính sách quản lý và thực hiện chế độ, chính sách chăm sóc đối với gia đình có quân nhân đi chiến đấu. Thời điểm đó, tổng số toàn miền Bắc có 53 vạn gia đình có người thân đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam, với 1,6 triệu thân nhân (bố, mẹ, vợ, con…) hưởng trợ cấp B hằng tháng...
Trong nhiều năm, công tác chính sách đạt được rất nhiều kết quả, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, cổ vũ động viên tiền tuyến, ổn định hậu phương, góp phần rất xứng đáng vào sự nghiệp chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta. Trong thành tích chung của cục, của ngành, vai trò của Cục trưởng Lê Tiến Phục là rất to lớn, cả trong nghiên cứu đề đạt nội dung chính sách cũng như trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách. Ngoài quản lý, điều hành công việc ở cơ quan, ông đã dành nhiều thời gian xuống các địa phương, bám cơ sở, thâm nhập sâu sát các đối tượng chính sách để nắm chắc tình hình thực tiễn. Có lần trên đường đi kiểm tra công tác chuyển thương ở tuyến lửa Khu 4, xe ô tô của ông bị máy bay Mỹ ném bom rất gần. Sức ép chấn động mạnh hất ông bật khỏi xe, ngất lịm. Lúc đó, anh Nguyễn Đức Lạc, chiến sĩ công vụ đã cõng ông vượt qua nguy hiểm.
Giữa năm 1978, Cục Chính sách sáp nhập vào Cục Tổ chức. Ông được cấp trên bổ nhiệm giữ chức Phó chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (phiên hiệu là Binh đoàn 678). Đồng chí Trần Văn Quang (sau này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đảm nhiệm cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy binh đoàn.
Trước yêu cầu của công tác chính sách, ngày 19-3-1982, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập lại Cục Chính sách trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ông được cấp trên điều trở lại làm cục trưởng. Đến tháng 9-1985, do sức khỏe, ông chuyển sang làm chuyên viên cục trưởng. Từ tháng 5-1988, ông nghỉ dưỡng bệnh. Ông mất ngày 16-5-1999 và được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch-Hà Nội.
Trong lãnh đạo, chỉ huy cũng như trong đời sống sinh hoạt, ông luôn chân thành, thẳng thắn. Ông thường xuyên quan tâm đến đời sống và sự tiến bộ của cấp dưới. Trọn đời tôi không bao giờ quên lần ông trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi. Tháng 1-1973, đang công tác tại đoàn kiểm tra chính sách, tôi được điều động về cơ quan cục. Ông đã dành thời gian giảng giải cho tôi rất cụ thể về những yêu cầu cần thực hiện khi công tác ở cơ quan. Ông khuyên tôi phải không ngừng học tập, phấn đấu. Sau này tôi được biết, việc cử tôi lên biên giới phía Bắc khi chiến tranh biên giới tháng 2-1979 mới nổ ra, tiếp theo là phân công tôi sang trực ở Campuchia là nằm trong ý định quy hoạch rèn luyện, bồi dưỡng tôi của các thủ trưởng. Đó là một cách đào tạo cán bộ có hiệu quả. Vừa là cán bộ cấp dưới thuộc quyền, vừa đáng bậc con cháu, tôi xúc động, cảm kích về những lời căn dặn chí tình, chí nghĩa của ông qua các lần giao nhiệm vụ. Được công tác dưới quyền và luôn nhận sự bảo ban, giúp đỡ quý báu, chân tình của Thiếu tướng Lê Tiến Phục trong suốt nhiều năm, đối với tôi là một may mắn-hơn nữa có thể nói là một ân huệ. Ông là một tấm gương lớn về đạo đức của người cán bộ chính sách như chính ông đã từng bày dạy lớp cán bộ chúng tôi từ nhiều năm trước.
Trung tướng NGUYỄN MẠNH ĐẨU