Chàng trai Võ Văn Minh (Tư Minh) được nuôi dưỡng trong gia đình trọng chữ nghĩa ở xã Bình Triều, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam). Nhờ chịu ảnh hưởng của người anh (Võ Dũng) luôn tự học mà biết được nhiều ngoại ngữ, Võ Văn Minh đã định hình cho mình ý chí ham học, ham tìm tòi, khám phá. Theo dân làng đi đấu tranh giành chính quyền, rồi vào hướng đạo sinh, Tư Minh trưởng thành từng ngày. Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội, ông thầy dạy chữ Hán ở làng đến đưa cho Tư Minh một tờ giấy và nói: “Đây là tờ tuyên truyền về tổng tuyển cử, người ta viết dài, sợ khó thuộc, thầy viết ngắn gọn, Minh học thuộc rồi đọc cho bà con nghe nhé!”. Vậy là cậu đã biết làm cán bộ tuyên truyền từ tuổi 16, xông xáo làng trên, xóm dưới. Cuối năm đó, toàn quốc kháng chiến, Võ Văn Minh đăng ký đi bộ đội vào thủy đội hải quân ở cửa biển Phước Trạch. Ngực lép không đủ tiêu chuẩn, nhưng nghe chàng trai báo có được học hành, đơn vị liền cho làm liên lạc. Cũng nhờ có trình độ, Võ Văn Minh được rút lên làm thư ký Tiểu đoàn 100, rồi làm cán bộ đại đội thuộc Tiểu đoàn 39, Trung đoàn 803, được kết nạp Đảng năm 19 tuổi. 

Ông tham gia nhiều trận đánh và cũng không ít lần suýt chết. Đặc biệt ở trận Plei Ring (Gia Lai), ông bị thương và nằm bất động suốt một ngày ở bụi cỏ ven sông, chịu đói khát rồi tự tìm về đơn vị. Vì thế, 54 năm sau, dù địa hình thay đổi nhiều, ông vẫn tìm về đúng nơi xảy ra trận đánh, làm sống lại một chiến công lừng lẫy gần như bị lãng quên. Ông nhớ từng chiến dịch, từng đồng đội nhờ thiên bẩm cùng thói quen ghi chép, sắp xếp sự việc khoa học, rành mạch. Tư liệu, sự kiện cứ như trong túi lấy ra. Cũng chính trong những ngày đánh Pháp, ông gặp chiến sĩ quốc tế Kostas Sarantidis người Hy Lạp, tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập, tạo nên mối thâm giao kỳ lạ xuyên qua hai thế kỷ. Tập kết ra Bắc, ông Minh làm chủ nhiệm câu lạc bộ Trung đoàn 803 rồi làm cán bộ tuyên huấn Quân khu 4, được coi như thư ký riêng của Tư lệnh Quân khu 4 Lê Quang Hòa. Hoàn thành xong cuốn: “Quân khu 4-Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, ông về Đà Nẵng nghỉ hưu, bắt đầu một cuộc sống mới sôi động không kém khi còn đương chức.

leftcenterrightdel
 Đại tá Võ Văn Minh với những cuốn sách đã xuất bản.

Khoe “gia tài” viết lách “khủng” của mình, Đại tá Võ Văn Minh tự hào: “Lúc đầu viết bằng tay, sau rồi sử dụng vi tính, internet, học thích nghi dần. Tôi cứ túc tắc mà ra sách đều đều, khoảng 10 đầu sách đã xuất bản. Nhiều bài trong đó được đăng ở các báo từ Trung ương đến địa phương”. Hỏi lấy tiền đâu để in thì ông nói có cuốn được nhà xuất bản, thành phố hay đồng đội tài trợ, nhưng cũng có tác phẩm tự bỏ tiền ra làm. Ít thì vài trăm cuốn mỗi lần xuất bản, nhiều lên đến hàng ngàn cuốn. Nhìn tựa các đầu sách: “Lịch sử Tiểu đoàn 39”, “Lịch sử Trung đoàn 803”, “Một thời để nhớ”, “Có thể nào quên”, “Còn mãi tên anh nơi “túi lửa”, “Từ chân trần trở thành đội quân “thần thoại”, “Dòng đời”, “Không còn vô danh”... đủ biết ông tâm huyết với quá khứ như thế nào. Với ông, viết là để tri ân với lịch sử, quê hương, đồng đội đã ngã xuống. Đặc biệt, với những người chỉ huy cũ của ông, hy sinh khi còn quá trẻ, qua sự tái hiện của ông, những người cộng sản chân chính ấy sống mãi trong ký ức của đồng đội.

Kỷ niệm sâu sắc trong “nghề” là nhờ một bài báo, ông tìm được ân nhân cứu mạng của đồng đội. Đó là cuối năm 1997, nhớ đến người bạn thời chống Pháp, ông tìm đường đến huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Chứng kiến anh bộ đội Võ Minh Tâm thành tích oai hùng một thời nay sống quá khổ, ông không khỏi xót xa. Ngoài giúp gia đình CCB Võ Minh Tâm có được sự hỗ trợ cần thiết của Nhà nước, ông còn mang trọng trách phải tìm cho được ân nhân đã cứu mạng bạn mình. Ông viết trên báo kể câu chuyện xúc động ấy. Thật may mắn, ông tìm cơ sở cách mạng ngày xưa. Thấy được sức mạnh của báo chí, từ đó, ông tăng tốc viết. Càng viết, càng sung, con người, sự kiện cứ hiện lên sống động qua từng con chữ. Các bài báo đều được ông lưu trữ theo sự kiện, thời gian nên dễ tìm, dễ lấy. Chiến sĩ quốc tế Nguyễn Văn Lập sau bao nhiêu năm không gặp lại nhưng ông không hề quên lãng. Ông viết báo và người bạn đã đọc được, rồi tìm về Đà Nẵng. Ông cùng các CCB Trung đoàn 803 chấp bút làm hồ sơ để ông Nguyễn Văn Lập được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, được Chủ tịch nước gặp gỡ, đón tiếp thân mật. Hiện nay, ông vẫn giữ mối liên lạc với người chiến sĩ quốc tế này, những ngày Tết vẫn gửi những món quà Việt Nam bình dị vượt hàng vạn cây số cho bạn. Đôi bàn tay hiện nay đánh máy đã vất vả hơn trước, nhưng không vì thế mà Đại tá Võ Văn Minh cho phép mình “thất nghiệp”. Ông vẫn hăm hở dùng những hiểu biết và năng lượng của mình làm sống lại một thời theo Đảng vẻ vang từ tuổi niên thiếu.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN