Năm 2020, tôi có dịp trò chuyện với ông Trần Văn Điềm, cán bộ hoạt động từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ông kể: “Ngày 2-11-1951, khi đó tôi đang là Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ xã Việt Tiến, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi là Chính trị viên Xã đội, trực tiếp chỉ đạo du kích chiến đấu chống càn tại khu vực Núi Đôi. Trong trận này, tôi bị thương vỡ xương hông, đạn xuyên lồng ngực, gần tim. Trong lúc mê man bất tỉnh, tôi bị giặc Pháp bắt đem đi. Các đồng chí của ta tưởng tôi hy sinh, địch vứt mất xác nên huyện đã tổ chức lễ truy điệu.

Mấy tháng sau, khi biết tin, gia đình tôi lại tổ chức lễ “phục hồn nhập mộ”, thế là tôi lại phải chết... lần thứ hai. Sự thật là địch đưa tôi đi điều trị vết thương rồi giam ở trại giam Nhà Tiền, sau đó chuyển sang giam ở trại giam Gia Lâm (Hà Nội). Tôi được giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ trại giam Gia Lâm. Chi bộ có 19 đảng viên. Đầu năm 1952, tôi cùng hai đồng chí, được tổ chức cho vượt ngục thành công. Tháng 2-1952, tôi trở về được bố trí làm Phó ban Đảng vụ (Ban Tổ chức Đảng hiện nay) Huyện ủy Đa Phúc...”.

leftcenterrightdel

 Ông Trần Văn Điềm (1928-2021). Ảnh do gia đình cung cấp

Ông Điềm cho biết, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình cố nông, quê gốc thôn Tây Lạc, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 1939, mới 11 tuổi, ông theo bố mẹ lên sinh sống tại làng Xuân Bảng (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn). Lúc đó, gia đình ông không có một tấc đất cắm dùi. Cuộc sống của bố mẹ ông lam lũ, cơ cực, cày thuê cuốc mướn, “thắt lưng buộc bụng”, ông được gửi cho một người họ hàng nuôi nấng, cho đi học và khi học đến sơ học yếu lược (bán tiểu học) thì ông phải bỏ học giữa chừng, về quê làm tá điền kiếm sống. Tháng 3-1945, ở tuổi 17, ông được giác ngộ cách mạng, tích cực, xông xáo công tác. Có chút chữ nghĩa nên ông được phân công phụ trách thanh thiếu niên cứu quốc của xã Nam Sơn. Tháng 5-1948, ông được kết nạp Đảng.

Năm 1956, ông Điềm được trên điều động đi công tác ở khu Hồng Quảng (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Một thời gian sau, ông trở về địa phương công tác. Năm 1968, ông được đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn công tác xây dựng, củng cố hợp tác xã nông nghiệp. Đoàn gồm có 20 đồng chí là cán bộ các ban, ngành, các ty ở tỉnh, trực tiếp về công tác, khảo sát, nghiên cứu thực tế tại các xã: Phú Cường, Minh Phú (huyện Kim Anh) và xã Tân Hưng (huyện Đa Phúc). Ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...

leftcenterrightdel
Tác giả (bên phải) và ông Trần Văn Điềm (năm 2020). Ảnh do gia đình cung cấp 

Năm 1990, ông Trần Văn Điềm được nghỉ hưu theo chế độ. Ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ông Trần Văn Điềm qua đời năm 2021 tại quê nhà. Bài viết như một nén tâm nhang tưởng nhớ tới ông, người cán bộ cách mạng, nhân chứng lịch sử của địa phương tôi, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

NGÔ VĂN HỌC