Đến xã Hoằng Trường, đồng chí Lê Xuân Tùng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã đón chúng tôi ở trụ sở, rồi dẫn đến nhà bà Lê Thị Thoa ở thôn Liên Minh. Cách đây 60 năm, bà làm nhiệm vụ đặc biệt lo hậu sự cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân hy sinh trên mảnh đất quê mình. “18 tuổi, tôi làm công an viên xã. Đầu năm 1964, tôi được cử đi học sơ cứu thương binh gần một tháng ở huyện lỵ Hoằng Hóa. Nội dung học tập chủ yếu là cầm máu, băng bó vết thương, cố định tạm thời gãy xương, vận chuyển thương binh...”, bà Thoa nhớ lại.

leftcenterrightdel

 Bà Lê Thị Thoa. Ảnh: THÁI BÌNH

Khoảng 3 giờ ngày 5-8-1964, bà Thoa cùng Trung đội dân quân xã Hoằng Trường đang dự Đại hội nông dân Hợp tác xã thì mọi người nghe kẻng báo động. Bà Thoa kể: “Thời điểm đó, có một tốp 7-8 máy bay Mỹ quần thảo, bắn rốc két xuống khu vực bến Lạch Trường, có chiếc bay sát mặt biển. Một lúc sau, đồng chí Phùng là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoằng Trường cử tôi cùng chị Trương Thị Lợi, chị Lê Thị Tiện mang túi thuốc y tế, băng ca cứu thương chạy bộ tới bến Lạch Trường thuộc địa bàn xã Hoằng Trường. Đến đây, chị Lợi và chị Tiện cùng lên xe ô tô chở thương binh, còn tôi được chỉ định tới khu nhà của Hợp tác xã ngư nghiệp của xã Hoằng Trường. Đến đó, tôi được một đồng chí cán bộ Hải quân giao nhiệm vụ lấy nước sạch lau toàn bộ thi thể cho 24 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Nhìn thấy thi thể các anh bộ đội đã hy sinh, lòng tôi đau nhói, nỗi sợ dâng lên khiến chân tay tôi run bần bật. Nhưng ngay sau đó, tôi trấn tĩnh lại và từ chiều đến tối hôm đó, tôi lặng lẽ lấy khăn, nước sạch lau sạch sẽ từng thi thể dưới ánh đèn dầu lờ mờ không rõ mặt người. Tôi khâm liệm được hơn một nửa số thi thể thì thấy có thêm 3-4 dân quân địa phương tới phụ giúp. Đêm hôm ấy, chúng tôi thức trắng để lo hậu sự cho toàn bộ các đồng chí cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Rạng sáng hôm sau, chúng tôi cùng bà con nhân dân xã Hoằng Trường đưa toàn bộ thi thể các anh vào hòm xi măng, rồi mang đi mai táng trên cồn cát”. 

Ngừng một lát, bà Thoa lấy khăn lau nước mắt rồi kể tiếp: “Toàn bộ 24 cán bộ, chiến sĩ Hải quân hy sinh đều cao to, phần lớn tuổi ngoài 20. Trong đó có 23 người thi thể gần như vẫn còn nguyên, chỉ có một đồng chí bị trúng đạn pháo mất một mảnh hộp sọ. Khi lau rửa cho từng người, tôi phát hiện có hơn một nửa cán bộ, chiến sĩ hy sinh có tờ giấy để trong túi ngực ghi họ và tên, phiên hiệu đơn vị, quê quán, số còn lại không có thông tin về cá nhân. Tuy bản thân không được hướng dẫn về việc lo hậu sự cho người đã khuất nhưng không hiểu sao tôi lại làm rất chuyên nghiệp, khâm liệm cho từng đồng chí chu đáo, tỉ mỉ như người thân của mình. Tôi vừa làm vừa nén xúc động không để nước mắt mình rơi. Sau này, khoảng 2/3 số mộ liệt sĩ chúng tôi an táng đã được các cơ quan chức năng quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hoằng Hóa, số còn lại được gia đình thân nhân liệt sĩ xin chuyển về an táng tại quê. Kể từ đó, trong làng, xã có ai mất là gia đình họ lại mời tôi đến giúp. Và tự nhiên tôi được dân làng gọi là “bà Thoa khâm liệm"”.

Với thành tích xuất sắc trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu, ngày 8-6-1965, bà Thoa vinh dự được kết nạp vào Đảng. Năm 1967-1968, bà Thoa là Phó chủ tịch Ủy ban hành chính kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hoằng Trường. Từ năm 1976 đến 1980, bà được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hoằng Trường. Sau đó, bà làm thủ quỹ Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, đến năm 1988 thì Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp giải thể. Từ đó, bà Thoa cùng chồng con sống bằng nghề đi biển. "Năm 1986, tôi vinh dự được nhận Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất”, bà Thoa cho biết.

THÁI AN VỸ