Trong căn nhà tình nghĩa, nhắc chuyện người con út là liệt sĩ Nguyễn Bá Cường đã anh dũng nằm lại trên quần đảo Trường Sa, mẹ ngước nhìn lên tấm bằng “Tổ quốc ghi công” treo trang trọng cạnh gian thờ, hai mắt nhòa đi...
Trong lúc mọi người bày hoa quả lên bàn thờ và thắp nén hương thơm tưởng nhớ người con xứ Quảng anh hùng thì bác Nguyễn Bá Xuân (69 tuổi, anh trai liệt sĩ Cường) vào gian trong mang chiếc hòm sắt sơn xanh cũ kỹ lấy những tập thư, chiếc ba lô con cóc, tấm thẻ đoàn viên, cuốn sổ lưu niệm, tờ báo Nhân Dân ngày 28-3-1988… cho mọi người xem. Nhớ con, mẹ Ngò bất chợt khóc nấc lên từng tiếng.
Đoàn viên thanh niên Cục Chính trị Quân khu 5 đến thăm, tặng quà mẹ Ngò.
Bác Nguyễn Bá Xuân chia sẻ: “Mẹ tôi có ba người con trai là Bá Hùng, Bá Xuân và Bá Cường. Những năm tôi và anh Hùng đi bộ đội, chú Cường vừa đi học vừa phụ giúp bố mẹ cáng đáng việc nhà. Năm 1980, chú ấy thi đỗ Trường Đại học Tổng hợp Đà Lạt, ngành Vật lý. Thế nhưng mới học được một năm, thấy bạn bè nô nức đăng ký nghĩa vụ, chú ấy xin bảo lưu kết quả, xung phong đi bộ đội. Má tôi khuyên Bá Cường cứ học hết đi đã vì hai anh cũng đang phục vụ quân ngũ, nhưng chú vẫn nằng nặc đòi đi”.
Ngày chia tay, biết mẹ buồn, Bá Cường ôm mẹ động viên “hết nghĩa vụ con sẽ về học tiếp rồi cưới cho mẹ một nàng dâu thật đẹp”. Sau thời gian công tác ở Lữ đoàn Bộ binh 173 (Quảng Nam-Đà Nẵng), út Cường được cấp trên cử đi học tại Trường Sĩ quan Hải quân. Thông minh, nhanh nhẹn lại có trình độ, anh là một trong số ít học viên được quân đội lựa chọn, bồi dưỡng để chuẩn bị đưa sang Liên Xô (trước đây) học lớp hoa tiêu. Mơ ước của bao người, vậy nhưng anh xin nhường chỉ tiêu đi học cho đồng đội rồi viết đơn xung phong ra đảo Trường Sa công tác.
Mẹ Ngò thương Bá Cường nhất nhà. Lần nào viết thư, mẹ cũng kể chuyện vui để anh yên tâm rồi không quên nhắc nhở: “Khó khăn, vất vả đến đâu con cũng phải cố gắng vượt qua, tuyệt đối không được đào bỏ ngũ. Gia đình luôn tự hào về con”. Đầu năm 1988, từ đảo xa, anh Cường viết thư về chúc Tết mọi người, đó cũng là lá thư cuối cùng của út Cường mà gia đình nhận được. Ngày nghe tin Bá Cường hy sinh, mẹ Ngò như chết lặng, ngày nào cũng ra đầu ngõ ngóng chờ tin con.
Bác Nguyễn Bá Thảo - người cháu bên chồng của mẹ Ngò, nhà ở cạnh bên kể: “Nhiều hôm nhìn thím ôm ảnh chú út trong lòng rồi ú ớ gọi tên con, anh em tôi như đứt từng khúc ruột. Mỗi lần đọc lá thư do cán bộ, chiến sĩ Trường Sĩ quan Hải quân gửi, đến đoạn: “Đơn vị vô cùng thương tiếc và tự hào có người đồng chí, đồng đội đã cống hiến đời mình cho cách mạng, góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng…”, nước mắt thím tôi lại chảy dài”.
Nâng tô cháo nóng hổi đặt trên bàn, bác Xuân vừa dỗ mẹ ăn từng thìa vừa tiếp tục câu chuyện: “Năm 2010, sau khi bố tôi mất, anh em tôi bàn nhau đón mẹ ra Đà Nẵng để tiện chăm sóc nhưng mẹ một mực không chịu. Mẹ bảo, mẹ phải ở nhà đợi chú Cường về và hương khói cho bố. Hai năm nay, sức khỏe của mẹ tôi kém đi nhiều, mọi sinh hoạt, đi lại phải có người phục vụ nhưng mẹ vẫn không muốn xa quê. Anh em tôi thay phiên nhau về phụng dưỡng, chăm sóc mẹ”.
Anh Lê Tự Quốc Nam, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Điện Thắng Trung chia sẻ: “Noi gương liệt sĩ Nguyễn Bá Cường, mỗi năm xã có hàng chục thanh niên ưu tú viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào các đơn vị hải quân. Dạo trước, mỗi đợt tiễn các thanh niên lên đường nhập ngũ, mẹ Ngò ra tận trụ sở ủy ban dặn dò, động viên các em. Bây giờ, khi đã già yếu, mẹ lại nhắc các con làm điều đó. Mỗi lần về phép hay khi ra quân, các chiến sĩ đều đến thăm hỏi, nói chuyện để mẹ vui. Với người dân Điện Thắng Trung, mẹ Ngò là người mẹ Trường Sa mà họ vô cùng quý trọng”.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG