Lúc gặp chú, tôi cứ nghĩ chú là người cao niên nhất trong số các lão thành cách mạng ở địa phương nhưng chú bảo, còn thua xa cả về tuổi đời, tuổi hoạt động với ông Lê Kích, Chủ tịch Hội Y học cổ truyền Đà Lạt.

Đến nhà ông ở số 10B đường Lý Thường Kiệt, phường 9, tôi thực sự bất ngờ khi được diện kiến một cựu chiến binh dạn dày trận mạc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Ông Lê Kích sinh năm 1919, quê ở Quảng Ngãi, lúc về hưu mang quân hàm Đại tá. Ông từng tham gia Đội du kích Ba Tơ và ngày 23-10-1945 chỉ huy Chi đội Lê Trung Đình, cho nổ quả mìn đầu tiên làm tín hiệu mở đầu cho đội quân Nam tiến chiến đấu kìm chân quân Pháp 101 ngày đêm ở Mặt trận Nha Trang. Ông cũng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 436, đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ký của mình gọi là “tiểu đoàn thọc sâu chiến lược của bộ, mở ra một hướng quan trọng trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954, góp phần cho quân ta thắng lớn ở Điện Biên Phủ”. Ông còn là trưởng đoàn cố vấn quân sự các khu Hạ Lào, Trung Lào, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Lào và trước khi nghỉ hưu là cán bộ của Học viện Lục quân.

Đại tá Lê Kích trong cuộc đời chinh chiến ngót nửa thế kỷ có nhiều duyên nợ với cách mạng Lào. Cuối năm 1959, sau khi chiến đấu ở các chiến trường Lào, Campuchia, ông được điều về Quân khu Tây Bắc, là chỉ huy trưởng pháo binh. Thế rồi, ngày 11-12-1960, vào lúc gần nửa đêm, Tham mưu phó Quân khu Nguyễn Hữu An đột nhiên đến nhà Lê Kích, đưa ông một bức điện ngắn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đúng 10 giờ sáng mai (12-12), đồng chí Lê Kích có mặt tại Hà Nội, mang theo cả gia đình. 8 giờ sáng, máy bay quân sự đón ở sân bay Nà Sản.

leftcenterrightdel

Đại tá Lê Kích chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tháng 8-2001). Ảnh chụp lại 

Về đến Hà Nội, Lê Kích đến ngay nhà riêng của Đại tướng trên đường Hoàng Diệu. Đại tướng nói, ta cần cử một đoàn chuyên gia sang giúp bạn Lào, có mặt tại thủ đô Vientiane ngay trong ngày và đến 19 giờ phải nổ súng. Cuối câu chuyện, Đại tướng hỏi: “Anh sẽ là thành viên trong đoàn chuyên gia, phụ trách tác chiến, anh thấy thế nào?”. Sau mấy giây suy nghĩ, Trung tá Lê Kích nói: “Thưa Đại tướng, tôi xin nhận nhiệm vụ. Có điều là 12 giờ còn ở Hà Nội mà 19 giờ hôm nay đã tổ chức chiến đấu ở thủ đô Vientiane thì chưa thể lường trước được mọi chuyện, vả lại tôi cũng chưa biết nhiều về địa hình, dân cư khu vực chiến sự đang diễn ra. Nhưng tôi xin hứa trước Quân ủy Trung ương và Đại tướng sẽ cố gắng cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ”.

Vừa đặt chân đến nước bạn, Trung tá Lê Kích lập tức đi thị sát, đánh giá tình hình, trở về báo cáo Bộ chỉ huy chung Việt-Lào: Pháo binh đối phương từ Nong Khai đang bắn cấp tập sang Vientiane hòng chi viện cho bộ binh và thiết giáp của quân Nosavan chuẩn bị tiến vào. Lực lượng chiến đấu do Đại úy Kong Le chỉ huy còn mỏng, chỉ có một tiểu đoàn bộ binh không thể chống đỡ nổi. Ta cần hỗ trợ kịp thời, muốn vậy, ngoài lực lượng bộ binh của Pathet Lào phối hợp với quân Kong Le, phải có thêm hỏa lực yểm trợ của pháo binh. Lúc ấy trên đất Lào, ta không có một đơn vị pháo nào. Chậm nhất đến 14 giờ ngày 13-12-1960 cần chi viện từ trong nước một đại đội lựu pháo 105mm cùng một đại đội cối 120mm.

Yêu cầu đó đã được điện ngay về Tổng hành dinh và được đáp ứng cấp thời. Một máy bay vận tải quân sự lớn An-12 của Liên Xô, cất cánh từ sân bay Nội Bài vận chuyển các cỗ pháo, súng cối cùng 29 cán bộ, chiến sĩ hạ cánh xuống sân bay Wattay. Trận địa pháo binh được khẩn trương triển khai dưới sự chỉ huy của Trung tá Lê Kích. Pháo binh địch từ Nong Khai vẫn liên tiếp nã vào thủ đô Vientiane yểm trợ cho quân Nosavan cùng thiết giáp ngấp nghé ngoại vi thủ đô. Dân từ nội thành đã bắt đầu gồng gánh, xe thồ, xe đẩy dắt díu từng đoàn sơ tán ra khỏi thành phố. Pháo binh ta có mặt thật đúng lúc. Liên tiếp nhiều loạt đạn pháo, cối nã trúng trận địa Nong Khai và chỉ sau hơn một giờ đồng hồ, quân ta đã gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Pháo ta còn bắn chìm 3 ca nô địch trên sông Mê Công. Sau 3 ngày chiến đấu ngoan cường, hai đại đội pháo binh của Lê Kích đã buộc pháo binh địch phải câm họng và lực lượng quân Kong Le phối hợp với quân Pathet Lào đánh bật quân Phoumi Nosavan ra khỏi cửa ngõ thủ đô. Đại úy Kong Le hết lời ca ngợi pháo binh Việt Nam bắn giỏi, rất trúng mục tiêu. Lực lượng Pathet Lào từng bước lui quân về hướng bắc theo Quốc lộ 13 và dừng chân ở bản Phon Hong.

Đến đầu tháng 3-1961, Chính phủ Liên hiệp dân tộc Lào được thành lập. Hôm đó, phía Việt Nam có 4 người tham dự: Đại tá Chu Huy Mân (sau là Đại tướng), Trưởng đoàn chuyên gia giúp bạn; Thượng tá Nguyễn Hòa (sau là Trung tướng); đồng chí Đinh Khanh, Phó ban C và Trung tá Lê Kích.

Ông Lê Kích đã tham gia quân đội liên tục, kể từ tháng 4-1945, có mặt tại hầu hết các chiến trường nóng bỏng, ác liệt ở 3 nước Đông Dương. Dũng cảm, táo bạo và mưu trí trong chiến đấu, ông từng được tôn vinh là “Chapaev Việt Nam” (Sư trưởng Chapaev của Hồng quân Liên Xô trong cuộc nội chiến đánh bọn Bạch vệ những năm 1917-1922, nổi tiếng là người dũng cảm, gan góc và bách chiến bách thắng). Sau ngày nước nhà thống nhất, ông về Học viện Lục quân làm công tác đào tạo đến năm 1981 nghỉ hưu, cùng gia đình ở lại thành phố hoa Đà Lạt. Ông còn tham gia công tác xã hội, là Chủ tịch Hội Y học cổ truyền thành phố đến năm 2001. Đại tá Lê Kích lâm bệnh và từ trần tại nhà riêng vào nửa đêm 20-3-2004, hưởng thọ 85 tuổi.

PHẠM QUANG ĐẨU