Mới đây, thầy vừa được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020. Thầy là Nguyễn Đức Trường, giáo viên dạy Toán của Trường THCS Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Nguyễn Đức Tuấn-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thầy Nguyễn Đức Trường là tấm gương vượt khó của trường. Là một thầy giáo có chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề, liên tục có học sinh đoạt giải cấp thành phố, quốc gia, thầy rất trách nhiệm, đi đầu trong mọi công tác, là tấm gương “truyền lửa” tình yêu Toán học cho học sinh”.

Nỗ lực vượt khó

Chúng tôi đến thăm Trường THCS Đa Tốn khi hồi trống báo hiệu giờ ra chơi vừa điểm. Học sinh từ các lớp ùa ra sân trường. Nhưng tại lớp 9E, một nhóm học sinh vẫn vây quanh thầy Trường, một bài toán khó khiến thầy trò say sưa trao đổi mà quên mất giờ nghỉ. Đến tận giờ vào học, khi ổn định lớp xong, chúng tôi mới có thể trò chuyện riêng với thầy. “Như các bạn thấy, chân tôi đi lại không được như bình thường. Nhà trường đã tạo điều kiện để tôi không phải giảng dạy ở những lớp trên tầng cao. 26 năm qua, tôi đã đồng hành với ngôi trường này, để lan tỏa tình yêu với Toán học của mình đến các thế hệ học sinh thân yêu”-sau phút ngập ngừng nhớ lại một thời gian khó, thầy chậm rãi kể tiếp: “Mẹ sinh tôi được mấy tháng thì người anh trai hơn tôi 2 tuổi đột ngột qua đời. Hơn 2 tuổi, tôi vẫn không thể đứng lên đi lại như bao đứa trẻ bình thường khác. Đưa tôi đi khám, nghe kết luận của bác sĩ, bố mẹ tôi choáng váng khi được biết dù trí não tôi bình thường nhưng đôi chân có dấu hiệu teo cơ, khả năng không đi lại được. Cái tin tôi bị di chứng chất độc da cam do những năm tháng cha tôi phục vụ ở chiến trường khiến bố mẹ tôi ngờ ngợ về cái chết của anh trai...”.

leftcenterrightdel
Thầy Nguyễn Đức Trường tận tình chỉ dạy cho học sinh. Ảnh: KHÁNH AN

Kể từ đó, theo lời khuyên của các bác sĩ, cựu chiến binh, thầy giáo Nguyễn Đức Hưng (bố thầy Trường) đã đưa con trai đi khắp các bệnh viện. Cứ nghe chỗ nào có thầy hay, thuốc tốt là ông lên đường. 6 năm ròng rã, mỗi tuần 3 lần ông đưa con đến bệnh viện để các bác sĩ bấm huyệt, châm cứu, phục hồi chức năng cho con với hy vọng “còn nước còn tát”. Và ông trời đã không phụ lòng người. 6 tuổi, Nguyễn Đức Trường đã có thể tự đi lại nhờ đôi nạng gỗ. Đó cũng là lúc Trường bước vào cấp I. Lớp 1 học ở đình làng còn đỡ vì trường cách nhà có mấy trăm mét. Nhưng từ khi lên lớp 2, phải học tập trung ở trường, Trường phải nỗ lực rất nhiều để có thể đến lớp mỗi ngày. Đi lại khó khăn, Trường phải rời khỏi nhà trước các bạn hàng tiếng đồng hồ mới đến lớp được đúng giờ. Ngày nắng không sao, ngày mưa có khi ngã lên ngã xuống, Trường tới lớp với bộ quần áo lấm lem bùn đất. Nhỏ bé hơn chúng bạn, sức khỏe lại kém, tháng nào cũng phải nghỉ học vài buổi nhưng Trường quyết không từ bỏ.

Những ngày tháng vất vả nhất rồi cũng qua đi, lên cấp II, có bạn bè giúp sức, Trường hăng say với các môn học, đặc biệt là môn Toán. Năm nào Trường cũng là thành viên đội tuyển học sinh giỏi Toán đi dự thi các cấp. Khi Trường chuẩn bị ôn thi vào cấp III thì cũng là lúc bố bán cả bụi tre to ở đầu ngõ để sắm cho Trường một cái... máy khâu. Ông an ủi con trai: “Sức khỏe con yếu như thế, sau này nghề may sẽ bảo đảm cuộc sống cho con!”. Trường vâng lời bố tự học máy may nhưng vẫn lẳng lặng tiếp tục ôn thi. Khi biết điểm đỗ vào trường cấp III cũng là lúc Trường cất chiếc máy khâu đi với suy nghĩ: “3 năm sau sẽ lấy nó ra để làm nghề”. Nhưng lại một lần nữa dự định ấy “bị” bỏ dở khi anh có giấy báo trúng tuyển đại học và cao đẳng sư phạm. Sau những tháng ngày trăn trở giữa việc học đại học hay tiếp nối truyền thống gia đình, anh đã lựa chọn gắn bó với ngành sư phạm Toán học, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) để trao truyền tình yêu với các con số đến các em học sinh!

Để mỗi con số có sức hút riêng

Với thầy Nguyễn Đức Trường, mỗi con số đều có sức hút riêng. Khi về công tác tại Trường THCS Đa Tốn, thầy càng hăng say tìm tòi cách giải hay cho những bài toán khó. Ngày ấy, internet chưa phát triển, có thời gian rảnh rỗi là thầy Trường lại tìm đến các thư viện và mua sách về đọc để bổ sung kiến thức. Thu nhận được điều gì tâm đắc là thầy chép vào sổ tay. Những kiến thức bổ trợ, kinh nghiệm chuyên môn cứ dày lên theo năm tháng. Sau một năm ra trường, thầy Nguyễn Đức Trường đã có sáng kiến kinh nghiệm đầu tiên: “Một số suy nghĩ về phương pháp tính số đo góc” đoạt giải C cấp thành phố cùng với danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” cấp huyện. Miệt mài học tập, nghiên cứu, cho đến nay, thầy Nguyễn Đức Trường đã có 24 sáng kiến kinh nghiệm được các cấp đánh giá cao. Thầy Trường còn tham gia biên soạn, xuất bản gần 40 đầu sách tham khảo Toán cho học sinh của các nhà xuất bản uy tín như: NXB Giáo dục, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh...

Ngay từ khi còn là sinh viên, Nguyễn Đức Trường đã say mê nghiên cứu các kỹ năng, cách ứng xử sư phạm của các thầy cô có nhiều kinh nghiệm. Ra trường, gắn bó với nghề, thầy luôn tự nhủ, phải làm sao để học sinh tự giác học và yêu thích môn Toán. Học sinh thực sự “học” được gì và thu nhận được bao nhiêu kiến thức sau mỗi bài giảng mới là điều quan trọng nhất. Phương pháp của thầy là vừa kết hợp truyền thụ kiến thức, vừa đưa những bài toán đố vui, các câu chuyện về nghị lực sống, tình yêu thương, trách nhiệm của bản thân... vào giờ giảng. Thầy quan niệm, với môn Toán, đừng đưa cho các em những “đỉnh núi” ngay, không nhất thiết phải “đánh đố” học sinh mà hãy tạo các “nấc thang” để các em đi từ dễ đến khó, kích thích sự ham học, ham tìm hiểu ở người học. “Bảng thành tích” dày đặc danh sách các học sinh giỏi Toán quốc gia, thành phố... suốt những năm qua đã chứng minh phương pháp dạy học khoa học, đúng hướng của thầy.

“Chắp cánh” ước mơ cho học sinh

Bên cạnh những câu chuyện nghề, thầy giáo Nguyễn Đức Trường còn chia sẻ với chúng tôi về những học sinh mà thầy nhớ mãi. Ví như hoàn cảnh của cô học trò Dương Tú Anh. Do hoàn cảnh gia đình, Tú Anh và mẹ phải “tạm lánh” về quê ngoại ở Đa Tốn, có nguy cơ không thể tiếp tục việc học tập. Biết gia cảnh của em, lại nhận thấy Tú Anh rất có tố chất sau vài buổi phụ đạo, thầy đã đề nghị với thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Tuấn nhận em về Trường THCS Đa Tốn học. Tích cực truyền dạy kiến thức và hướng dẫn phương pháp học, thầy đã “góp công” không nhỏ khi Tú Anh liên tục đoạt danh hiệu học sinh giỏi Toán cấp thành phố. Ngày đỗ đại học, em phải chở hai chuyến xe mới hết số sách đã mượn thầy. “Tôi càng hạnh phúc hơn khi Tú Anh thông báo, em nằm trong số ít những sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam khóa ấy được tuyển chọn đi du học tại Nhật Bản. Sau 4 năm miệt mài học tập tại nước bạn, giờ đây, em đã trở về xây dựng quê hương”-thầy Trường cho biết.

Chia tay thầy Trường và ngôi trường giàu truyền thống, chúng tôi còn biết thêm nhiều câu chuyện cảm động về thầy khi gặp bà con trong xã Đa Tốn. Nhiều người dân đều dành cho thầy những tình cảm trân trọng, quý mến. Chị Dương Mai Anh không nén nổi xúc động khi nhớ lại hình ảnh thầy chở mình đi thi đại học: “Nhà chỉ có một mẹ, một con. Mẹ tôi lại hay đau ốm. Biết chuyện, thầy đã nhận kèm cặp ngoài giờ cho tôi mà không thu tiền học phí và nói “kết quả học tập của em sẽ là “học phí” lớn nhất với thầy”. Sau này, khi lên bậc THPT, không được học thầy nữa nhưng tôi vẫn qua lại thăm hỏi và xin lời khuyên bảo từ thầy. Năm tôi thi đại học, mẹ tôi không thể đưa đi, thầy đã nhận thay phần việc ấy dù sức khỏe bản thân không được tốt. Tấm gương nghị lực và tình thương của thầy chính là nguồn cổ vũ, động lực để tôi trưởng thành và vững vàng trước những sóng gió cuộc đời!”.

PHẠM THU THỦY