Ông bị thương rất nặng trong trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972.
Ba lần lên bàn mổ
Ông quê gốc ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tên khai sinh là Nguyễn Đức Tấn. Thân sinh ông là cụ Nguyễn Đức Vượng hoạt động cách mạng từ năm 1940, bị Pháp bắt cùng với đồng chí Văn Tiến Dũng, giam ở nhà tù Hỏa Lò, rồi chuyển lên nhà tù Bắc Ninh. Cụ vượt ngục, lấy tên con trai tiếp tục hoạt động, từ đó ở nhà đổi tên “Thao” cho ông. Năm 1953, Nguyễn Đức Thao có mặt trong đoàn thiếu niên Việt Nam sang học ở Lư Sơn, sau chuyển về Quế Lâm, Trung Quốc. Hết phổ thông, ông được sang Liên Xô học đại học.
Về nước, chàng trai Đình Bảng làm việc ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, tiếp đến là Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước. Ngày Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi vợ là bà Nguyễn Thư Kim vừa sinh bé gái thứ hai được hai tháng. Mấy năm đầu trong quân ngũ, ông dạy tiếng Nga tại Học viện Quân y. Khi Bộ đội Tên lửa chuẩn bị trang bị vũ khí mới, do thạo tiếng Nga, ông được cấp trên cử sang Liên Xô đào tạo sĩ quan tên lửa. Về nước, ông được biên chế trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn Tên lửa 277, Quân chủng Phòng không-Không quân. Thời điểm cuối năm 1972, có nhiều dấu hiệu cho thấy địch sẽ đánh đòn quyết định vào Hà Nội và Hải Phòng với “át chủ bài” là máy bay ném bom chiến lược B-52, trung đoàn của Nguyễn Đức Thao được trang bị hệ thống vũ khí phòng không mới S-125 Neva/Pechora (còn gọi là SAM-3) cho trận địa tên lửa ở Đông Anh (Hà Nội).
    |
 |
Ông bà Nguyễn Đức Thao - Nguyễn Thư Kim tại nhà riêng. Ảnh: Phạm Quang. |
Tuy nhiên, trong lúc SAM-3 chưa về thì đêm 21-12, B-52 ném bom rải thảm vào trận địa tên lửa của trung đoàn ở xã Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) 7 lần trong 2 đêm 1 ngày. Kíp sĩ quan điều khiển tên lửa của Trung úy Nguyễn Đức Thao có 7 người thì 6 hy sinh, riêng ông bị thương rất nặng. Đến sáng ngày thứ hai sau cuộc ném bom, một bà cụ tình cờ thấy ông đang bị vùi trong đất đá đã báo cho đơn vị. Đồng đội đưa ông ra, toàn thân bê bết máu, bụi đất. Cứu thương vội đặt ông vào túi nhựa đựng tử sĩ chuyển về tuyến sau. Kíp sơ cứu lau máu và đất trên mặt, trên người ông, phát hiện còn dấu hiệu sống thoi thóp, liền chuyển ông về Viện Quân y 109 đóng ở Vĩnh Yên. Nguyễn Đức Thao hôn mê sâu, bất động hàng tháng trời. Bên ngoài, cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn, ông nằm dưới hầm tránh bom có bác sĩ, y tá túc trực 24/24 giờ. Sự sống của ông như ngọn đèn leo lét trước gió. Sau đó, Nguyễn Đức Thao được chuyển về Viện Quân y 108, đích thân GS Phạm Gia Triệu, Phó giám đốc và bác sĩ, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Nguyễn Văn Cự trực tiếp xử lý những vết thương. Cần phải lấy những mảnh bom, dị vật găm trong ổ mắt, vùng đầu, song sức ông còn quá yếu. Đến tháng 12-1973, tức là tròn một năm sau ngày bị thương, ông mới lên bàn mổ. Mảnh bom đã vạch một “đường hào” vào não bộ, khâu xong vết thương, bác sĩ đậy lại bằng tấm mi ca mỏng. Năm sau, ông lên bàn mổ lần hai, từ phía gáy lấy ra một mảnh bom sắc nhọn. Ca mổ lần ba vào tháng 12-1975, hộp sọ phía thái dương trái của ông bị khuyết một mảng khá lớn, các bác sĩ đã lấy một số dẻ xương sườn của một người tử nạn giao thông ghép lại thành hộp sọ thay cho tấm mi ca. Xong các ca phẫu thuật và chỉnh hình, GS Phạm Gia Triệu tiên liệu với vợ ông: “Chồng cháu có thể sống thêm được 10 năm nữa”.
Nghị lực sống phi thường
Ông đã bị hỏng mắt trái, liệt nửa người bên phải, nửa người còn lại cử động rất khó khăn, song trong lòng luôn nghĩ đến việc phải thoát khỏi “nấm mồ chăn đệm”. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, ông như một đứa trẻ, tập ngồi dậy, tập bò, tập đứng, tập đi, cả tập viết bằng tay trái nữa. Tính ra mất 10 năm kiên trì tập như vậy cùng hằng ngày tập nghĩ, tập nhớ, ông mới trở lại được gần như người bình thường. Trong việc luyện nhớ, GS Phạm Gia Triệu đã bày cho ông một cách là dịch bộ tài liệu y học chuyên ngành bằng tiếng Nga. Lạ thay, tiếng mẹ đẻ có lúc còn khó nhớ, thế mà ngôn ngữ của đất nước Nga nơi ông học tổng cộng hai lần khoảng 6 năm, ban đầu khi nhìn lại mặt chữ ông vẫn lờ mờ nhận ra, rồi dần nhớ lại đến khi đọc được, kết hợp tra từ điển dịch nghĩa được. Ba đợt, mỗi đợt 3 tháng, ông nằm dịch, một y tá của khoa được phân công trực bên cạnh ghi lại. Cuối cùng thì bệnh viện đã có một bộ tài liệu y học tham khảo quý hàng mấy trăm trang, ngoài bìa ghi một dòng chữ nhỏ “Người dịch: Nguyễn Đức Thao”. Có lẽ sau này người sử dụng tài liệu không thể ngờ dịch giả là một thương binh mất tới 90% sức khỏe và cũng nhờ bản dịch mà góp phần hồi phục được trí nhớ.
Ông kiên cường vượt qua thời hạn 10 năm, đến bây giờ là dài hơn 4 lần tiên liệu của bác sĩ. Đó là minh chứng kỳ diệu về khả năng sống sót của con người trước những thử thách nghiệt ngã. Từ lâu trong ông đã nung nấu một ý nghĩ rằng mình không thể là gánh nặng cho vợ con, phải trở về với đời thường, với công việc. Đồng chí Đỗ Mười khi ấy là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cùng cơ quan bộ đáp ứng nguyện vọng tha thiết của ông được trở lại làm việc, bố trí cho ông làm cán bộ Phòng Tổ chức lao động của Viện Thiết kế xây dựng, nơi vợ ông đang công tác. Ông đảm nhiệm công việc liên tục trong 16 năm liền cho đến khi nghỉ hưu. Quả là một kỳ tích tuyệt vời!
Bà Thư Kim cho biết, hồi gia đình chuyển về căn hộ mới, một số người thấy ông gầy yếu, liệt nửa người cứ tưởng ông nghiện rượu, bị tai biến. Bản tính khiêm nhường, ít nói, nghe bàn tán vậy, ông chỉ cười mà không giải thích. Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu-2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng Bí thư Quận ủy Đống Đa đến tận nhà thăm hỏi, tặng quà, mọi người mới biết ông là thương binh nặng hạng đặc biệt. Đại tá Phạm Kiên còn cho biết, phải thuyết phục mãi, người bạn Lư Sơn-Quế Lâm năm xưa mới đồng ý để “người ngoài” gặp, khai thác tài liệu. Tìm hiểu về ông, người viết bài này thực sự kinh ngạc và kính phục về tấm gương một thương binh nặng với bao điều kỳ diệu và nghị lực sống phi thường...
PHẠM QUANG ĐẨU