Sinh năm 1950, tại làng Thanh Châu, xã Xuyên Thanh (nay là xã Duy Châu), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, sở hữu nước da trắng, vóc dáng nhỏ nhắn, lanh lẹ, học đến tiểu học, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thanh được các cán bộ an ninh lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Cam (nguyên Phó ban An ninh Quảng Đà) và bà Ngô Thị Huệ (phụ trách giao thông liên lạc của điệp báo Quảng Đà, sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân) tuyên truyền, giác ngộ, xin gia đình cho tham gia cách mạng. Tháng 9-1966, mới 16 tuổi, từ biệt quê nhà vào Đà Nẵng hoạt động, Nguyễn Thị Thanh chính thức bước vào ngành điệp báo, đi gây dựng cơ sở, theo dõi các đối tượng tình báo của địch, vận chuyển vũ khí v.v..

Sau Tết Mậu Thân 1968, điệp báo an ninh Quảng Đà phát hiện chiến dịch Phượng hoàng của địch ráo riết bôi lem (nói xấu, xuyên tạc), tăng cường bắt bớ, chiêu hàng, sát hại cán bộ và cơ sở cách mạng của ta. Được tổ chức giao theo dõi để ám sát một tên tình báo đầu sỏ, Nguyễn Thị Thanh và đồng đội tiến hành điều tra, rà soát kỹ quy luật, lịch trình sinh hoạt, di chuyển của hắn, lên phương án cụ thể rồi về căn cứ báo cáo với cấp trên xin lệnh thực hiện nhiệm vụ.

Ngày 18-3-1969, Nguyễn Thị Thanh mặc áo rộng giấu súng K54 trong người, vẫy xe Jeep của một đơn vị quân ngụỵ quá giang về Đà Nẵng, dễ dàng vượt qua hàng rào kiểm soát dày đặc của địch. Chiều hôm đó, thiếu nữ duyên dáng này được một cơ sở chở đến địa điểm chờ sẵn. Đúng 18 giờ, tên tình báo đi làm về, bước xuống xe thì cô gái trẻ giương súng. Thoáng qua trong đầu nữ điệp báo mối hệ lụy của gia đình, người thân đối tượng bị trừ khử, nhưng đồng thời cũng hiện rõ mồn một hình ảnh tên ác ôn nguy hiểm này và đồng bọn không từ thủ đoạn nào hãm hại cán bộ, cơ sở cách mạng, đồng bào ta, Nguyễn Thị Thanh điềm tĩnh, ngắm bắn chính xác hai phát đạn hạ gục hắn.

Nghe tiếng súng nổ, bọn cảnh sát chìm, nổi khu vực lân cận liền chạy đến. Biết bị lộ, khoát tay bảo cơ sở chạy xe đi, Nguyễn Thị Thanh nhanh chóng lách mình vào một ngõ hẻm. Gặp một phụ nữ đứng tuổi ngồi bên gánh bún bán dạo, Nguyễn Thị Thanh kéo ghế ngồi sát nồi nước dùng, nói: “Bán cho tôi một tô bún!”, đồng thời thả nhanh khẩu súng vào nồi nước, thì thầm: “Xin chị giữ bí mật cho, sau này cách mạng sẽ ghi nhớ và đền ơn chị”. Người bán bún mặt tái ngắt, im lặng giây lát rồi nhanh chóng đậy vung nồi bún, gánh hàng đi khuất. Nguyễn Thị Thanh tạt vào một con hẻm khác nhưng không kịp, cảnh sát, quân cảnh ngụy ập đến, chúng bắt cô đưa về Ty Cảnh sát Gia Long để tra khảo.

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Thanh (thứ năm, từ trái sang) cùng các cựu nữ điệp báo thành Đà Nẵng trong một buổi gặp mặt thân mật.

Ảnh do nhân vật cung cấp

Dù bị dụ dỗ, mua chuộc, dùng đủ cực hình tra tấn tàn độc nhưng trước sau Nguyễn Thị Thanh vẫn một mực khai: “Tôi là Nguyễn Thị Như Huệ, 16 tuổi, ở trong quê ra, nghe nói người này rất ác ôn nên người dân căm thù, cần phải tiêu diệt. Làm xong việc, tôi sẽ về chợ Cồn ngủ, rồi về quê”. Địch đưa cô ra tòa án xử công khai, người dân đến dự rất đông. Nghe hỏi có ân hận không, Nguyễn Thị Thanh trả lời: “Tôi không có gì phải ân hận, gia đình tôi, quê hương tôi bị Mỹ-ngụy càn quét bắn giết nên tôi làm việc này”. Bị đề nghị mức án 18 năm tù, Nguyễn Thị Thanh ngẩng cao đầu, đáp trả đầy kiêu hãnh: “Các ông cứ giam tôi 20 năm đi, nhưng chắc rằng tôi chỉ ở chừng vài năm thôi, phần còn lại dành cho các ông!”. Dân chúng rất ngưỡng mộ khí phách anh hùng của người nữ cộng sản trẻ tuổi. Kết thúc phiên tòa, Nguyễn Thị Thanh bị kết án 20 năm tù.

Thời gian đầu, Nguyễn Thị Thanh bị nhốt vào xà lim cấm cố của nhà lao Kho Đạn chừng hơn một tháng, không cho tiếp xúc với ai. Đã nhiều ngày trôi qua, thấy người nữ tù này chỉ mặc độc một bộ đồ không đủ che thân do bị tra tấn, anh quân phạm đưa cơm tù hằng ngày thương tình, ngang qua chỗ phơi quần áo của tù nhân nữ, lấy một bộ lén đem cho. Nơi cô bị nhốt gần trại giam của tù chính trị. Mỗi lần có người nhà đến thăm nuôi, các anh đều dành lại một phần, cẩn thận bỏ thức ăn qua lỗ thủng trên nóc xà lim xuống để đồng đội cải thiện.

Đến giữa tháng 5-1969, Nguyễn Thị Thanh bị đày vào trại biệt giam nhà lao Thủ Đức. Tại đây, hòa mình vào phong trào đấu tranh của các tù nhân, cô đã chứng kiến hai nữ tù dũng cảm hy sinh vì bị địch thả chó béc-giê vào cắn xé. Người trước ngã, người sau vẫn kiên cường tranh đấu, buộc địch phải chấp nhận một số yêu sách của ta.

Đầu tháng 9-1969, chúng đưa hơn 400 nữ tù, trong đó có Nguyễn Thị Thanh về khám Chí Hòa. Khi Bác Hồ mất, các phòng giam đều lập bàn thờ ở nơi trang trọng nhất, thể hiện niềm tiếc thương vô hạn, thành kính, tưởng nhớ công ơn vị lãnh tụ kính yêu. Tháng 11-1969, cảnh sát dã chiến và đám trật tự xông vào đàn áp nhằm đày tù chính trị đi Côn Đảo, các tù nhân phản đối quyết liệt. Trong các buồng giam, số trẻ được phân công đứng trước, số lớn tuổi đứng sau làm hậu thuẫn, dùng những loại dây sẵn có chằng buộc kỹ, chặn cửa ra vào và dùng nước tiểu ngăn cai ngục mở khóa. Địch phải dùng vôi bột và ném lựu đạn cay, chờ cho mọi người ngất xỉu mới mở được cửa, lôi những tù chính trị lên xe.

Ra chuồng cọp Côn Đảo-nơi “địa ngục trần gian”, Nguyễn Thị Thanh bị giam cùng các đồng chí: Võ Thị Thắng (sau này là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Trương Mỹ Hoa (sau này là Phó chủ tịch nước) và nhiều nữ tù đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng như Lê Thị Liên, Trương Thị Chiến, Võ Thị Tam, Trần Thị Thu Vân... Dù điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt nhưng họ vẫn liên hệ chặt chẽ với nhau, đoàn kết một lòng, giữ vững tinh thần lạc quan, kiên cường đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, bảo toàn thanh danh, khí tiết người chiến sĩ cộng sản, tin tưởng sắt đá vào ngày thắng lợi.

leftcenterrightdel
Bìa sách “Một thời mãi nhớ” của tác giả Nguyễn Thị Thanh. 

Sau khi miền Nam giải phóng, các tù nhân ở Côn Đảo được đón về đất liền, trở lại quê hương. Hòa mình vào công cuộc xây dựng đất nước, Nguyễn Thị Thanh không ngừng nỗ lực, tự học tập, tích cực tham gia công tác xã hội. Sau này, bà Nguyễn Thị Thanh lập gia đình cùng ông Lý Văn Công, một cựu tù Phú Quốc thời chống Mỹ, cứu nước, nguyên Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Hải Châu (Đà Nẵng). Bà làm Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đến khi về hưu năm 2005. Gia đình bà hiện có 6 đảng viên, gồm 2 vợ chồng, 2 con trai và 2 con dâu, luôn gương mẫu đi đầu và có nhiều đóng góp cho những phong trào ở khu dân cư.

Năm tháng qua đi, “bông hồng thép” Nguyễn Thị Thanh nay đã bước sang tuổi 75. “Ôn cố tri tân”, hiện nay, cứ vào thứ ba đầu tháng, bà Nguyễn Thị Thanh và các chiến sĩ điệp báo Đặc khu Quảng Đà năm xưa lại tổ chức gặp mặt tại nhà anh hùng Ngô Thị Huệ ở kiệt trên đường Trần Quý Cáp (Đà Nẵng), động viên nhau vượt lên thương tích, bệnh tật, lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự phát triển của đất nước, nêu gương sáng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Hôm ra mắt cuốn hồi ký “Một thời mãi nhớ” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 9-2024), bà xúc động phát biểu: “Nếu được sống thêm một lần nữa, tôi cũng vẫn sống như đã từng sống, từng chiến đấu... Tập sách này là những ghi chép trung thực về ký ức một đoạn đời mà tôi đã trải qua và mãi mãi không bao giờ quên”.

DIỆP NGỌC