Đi dọc vùng biển để lấy tư liệu
Nhà báo Tư Đương cho biết, năm 1965, ông đang là cán bộ của Sư đoàn 308 thì được điều động về công tác ở Báo Quân đội nhân dân. Ông kể: "Những ngày đầu ở Phòng Quân sự (nay là Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh), tôi được nhà báo Lục Văn Thao hướng dẫn, đi đơn vị lấy tài liệu, viết bài. Tôi ở tổ viết về huấn luyện chiến đấu. Bài báo đầu tiên dài gần 1.000 chữ là kết quả của chuyến đi công tác một tuần ở Quân chủng Hải quân. Đến năm 1973, tôi đã là nhà báo có nhiều kinh nghiệm viết về huấn luyện chiến đấu, kinh qua các chiến trường và được tòa soạn cử đến Quân chủng Hải quân lấy tư liệu viết bài về cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ Đoàn 125 Hải quân-Đoàn tàu không số.
Nhận nhiệm vụ, tôi đến Đoàn 125 Hải quân. Thời gian này, Đoàn tàu không số vẫn đang hoạt động bí mật nên việc tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ của đoàn thật không dễ dàng. Tuy chỉ huy đoàn còn e ngại nhưng đã giới thiệu với tôi về một số tập thể tàu và cá nhân điển hình, được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và tặng thưởng nhiều huân chương, như: Tàu 41, 42, 43, 55, 56, 67; các cá nhân như Bông Văn Dĩa, Đặng Văn Thanh, Hồ Đức Thắng, Nguyễn Phan Vinh... Tôi tiếp cận tài liệu, báo cáo thành tích mà đoàn cung cấp, ghi chép cẩn thận; đồng thời được trực tiếp gặp nhiều cán bộ, thủy thủ của Đoàn tàu không số.
Những năm sau đó, tôi tiếp tục đi công tác ở Quân chủng Hải quân và một số đơn vị thuộc Quân đoàn 2, Quân đoàn 3 tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tôi có mặt tại Sài Gòn vào chiều tối 30-4-1975. Tôi đi lạc đường vào bến Bạch Đằng. Như là duyên phận, từ đây tôi được Đoàn 125 cho theo tàu đi giải phóng các đảo ở Kiên Giang, Rạch Giá, Phú Quốc... Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi liên hệ với Quân chủng Hải quân tiếp tục trở lại đề tài Đoàn tàu không số cùng những chiến công huyền thoại trên Đường Hồ Chí Minh trên biển. Những năm 1975-1976, tôi may mắn được gặp đồng chí Tư Mao (Tư Mau)-Phan Văn Nhờ, được nghe đồng chí kể chuyện những ngày hoạt động bí mật vận chuyển vũ khí trên biển và hoạt động trong lòng địch ở Sài Gòn và Đồng Nai. Từ tư liệu ghi chép được, tôi đã viết gần 200 trang bản thảo về Tư Mao, một con người huyền thoại.
Bẵng đi một thời gian, tôi đọc lại những trang tư liệu ghi chép về cán bộ, thủy thủ Đoàn tàu không số, những trang bản thảo dở dang và suy nghĩ phải tìm hiểu kỹ hơn về những công việc, chiến công của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số. Vậy là tôi quyết tâm thực hiện đề tài này. Tôi đã gặp hàng chục cán bộ, thủy thủ của Đoàn 125 Hải quân, Đoàn 962 (Quân khu 9) và những người làm nhiệm vụ phục vụ ở các bến bãi dọc ven biển từ Đồ Sơn (Hải Phòng) đến Vàm Lũng (Cà Mau). Gặp gỡ, nghe họ kể chuyện, tôi ghi chép được tới hơn 700 trang tư liệu để phục vụ cho việc viết sách sau này”.
Hành trình 12 năm cho một cuốn sách
Năm 1985, nhà báo Tư Đương đã chuyển sang công tác ở Ban tổng kết chiến tranh, do Tổng cục Chính trị quản lý. Ông xin được một miếng đất rộng khoảng 1.000m2 ở Cầu Diễn, Từ Liêm (nay thuộc Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ông phải trả 150 đồng cho địa phương để đền bù một số tài sản trên đất. Từ đó, ban ngày ông lao động trồng rau, trồng cây, đêm chong đèn dầu để viết sách.
Qua những trang tư liệu ghi chép, ông hình dung những người thuyền trưởng, chính trị viên và thủy thủ Đoàn tàu không số như: Lê Văn Một, Bông Văn Dĩa, Tư Mao, Lê Công Cẩn (Năm Công), Nguyễn Sơn (Nguyễn Văn Phe), Hồ Văn In (Bảy Thắng), Nguyễn Thanh Lồng (Hai Tranh), Đặng Văn Thanh, Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Cứng, Nguyễn Chánh Tâm, Đinh Đạt, Hồ Đức Thạnh... Ông hình dung về những con tàu thuở ban đầu vượt biển từ miền Nam ra miền Bắc nhận vũ khí, đạn dược, rồi hành trình trở lại miền Nam. Nhà báo Tư Đương kể: "Tôi rất xúc động và cảm phục những cán bộ, thủy thủ, những người con quê hương miền Nam khi họ tâm sự, ngoài mong muốn đưa được vũ khí về miền Nam, khi ra miền Bắc, họ có mong mỏi được gặp Bác Hồ".
Như là duyên phận, tôi được Đoàn 125 cho theo tàu đi giải phóng các đảo ở Kiên Giang, Rạch Giá, Phú Quốc... Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi liên hệ với Quân chủng Hải quân tiếp tục trở lại với đề tài Đoàn tàu không số với những chiến công huyền thoại trên Đường Hồ Chí Minh trên biển. |
Nhà báo Tư Đương nhớ kỹ và kể tỉ mỉ về việc hóa trang, cải dạng cho đồng chí Tư Mao để hoạt động hợp pháp trong lòng địch. Ông kể: “Vào cuối năm 1973, anh Tư Mao nhận nhiệm vụ đưa đồng chí Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu 9 (sau này là Chủ tịch nước) ra miền Bắc. Khi ra đến Hà Nội thì ta nhận được tin của cơ sở chuyển đến, trong nội bộ Đoàn S950 có kẻ phản bội, chúng biết mặt anh Tư Mao. Vì thế, thời gian ở miền Bắc, anh Tư Mao phải đi chỉnh hình đổi dạng, trải qua 5 ca phẫu thuật đổi lông mày hơi xếch sang nét ngang; đổi mắt một mí thành hai mí; nâng gò mũi cao hơn trước, làm cho cằm to hơn trước; thay đổi đường vân trên mười đầu ngón tay và đặc biệt là đổi chỗ cho mảng da có tóc ở sau gáy về phía trước che cái trán hói. Sau đó, ta tung tin Tư Mao bị chết do đắm tàu. Vì thế, khi cải dạng xong, anh Tư Mao mang khuôn mặt khác và tên khác, trở về vùng rừng đước Cà Mau, rồi tổ chức móc nối lại cơ sở trong vùng địch. Từ đó, có tuyến đường vận tải vũ khí, vật chất hậu cần cho miền Nam bằng những con tàu đánh cá có đầy đủ thủ tục hợp pháp hoạt động trong lòng địch”.
Mỗi chuyến đi của các con tàu không số, cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ đều xác định rõ tư tưởng, chấp nhận hy sinh. Song ở đây, mỗi lớp sóng, mỗi hòn đảo, mỗi cửa biển, mỗi khe lạch đều được chứng kiến sức mạnh của ý chí giải phóng miền Nam, chứng kiến trí tuệ và tài năng, tinh thần gan góc táo bạo phi thường, chứng kiến sự đoàn kết nhất trí muôn người như một của quân và dân ta. Chính vì thế, con đường Hồ Chí Minh trên biển trở nên huyền thoại.
|
Nhà báo Tư Đương là một trong những người đầu tiên viết sự thật về thất bại ở Vũng Rô tháng 2-1965. Ông đã tiếp xúc với các nhân chứng như nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Bá Phát; Phan Hàm, nguyên cán bộ Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu). Vụ việc Tàu 143 bị lộ ở Vũng Rô, làm lộ con đường vận tải chiến lược, mà sai lầm trước hết là do chủ quan, nắm tình hình không tốt, tổ chức thiếu thận trọng. Tàu 143 được lệnh vận chuyển vũ khí vào sâu Nam Bộ, khi đi được quá nửa đường thì gặp địch theo sát, không thể hành trình tiếp. Lẽ ra tàu quay trở lại miền Bắc thì lại được trên yêu cầu vào bến Vũng Rô, chuyển toàn bộ vũ khí cho Khu 5. Việc mở bến đưa hàng vào Khu 5 một cách ào ạt, rộng rãi, nhưng việc giáo dục ý thức bảo mật của bến lại chưa kỹ càng nên bị lộ là không tránh khỏi. “Tất nhiên, không phải lúc nào cũng xuôi lọt, êm thấm. Có lúc tàu mắc cạn ở Trường Sa, trên các bến bãi ven biển, có lần gặp địch ở Đức Phổ, Hòn Hèo, Hàm Luông, Bồ Đề... anh em đã chiến đấu dũng cảm, rồi phá tàu, nhưng cái giá phải trả vẫn thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu; hiệu quả vận chuyển trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển là rất lớn. Mỗi chuyến đi của các con tàu không số, cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ đều xác định rõ tư tưởng, chấp nhận hy sinh. Song ở đây, mỗi lớp sóng, mỗi hòn đảo, mỗi cửa biển, mỗi khe lạch đều được chứng kiến sức mạnh của ý chí giải phóng miền Nam, chứng kiến trí tuệ và tài năng, tinh thần gan góc táo bạo phi thường, chứng kiến sự đoàn kết nhất trí muôn người như một của quân và dân ta. Chính vì thế, con đường Hồ Chí Minh trên biển trở nên huyền thoại”, nhà báo Tư Đương khẳng định.
Nhà báo Tư Đương viết xong cuốn sách “Đường mòn trên biển” năm 1985, sau 12 năm đi thực tế, ghi chép hơn 700 trang tư liệu, cho thấy sức làm việc bền bỉ của ông. Tôi được nghe ông kể những câu chuyện trên đây vào tháng 10-2011. Ông đã về với tổ tiên vào tháng 7-2018...
Bài và ảnh: ĐÌNH XUÂN