QĐND - Cụ Nguyễn Tạo (1905-1994) là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, IV, V, nguyên Trưởng phòng điệp báo Nha Công an Việt Nam, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, thuộc thế hệ các nhà cách mạng tiền bối, hoạt động chủ yếu ở hai ngành công an và lâm nghiệp. Ở cả hai lĩnh vực có vẻ “khác xa” nhau đó, tên tuổi cụ gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Những tư liệu được nêu trong bài, chủ yếu do Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, con trai cả của cụ Nguyễn Tạo cung cấp.
 |
Tập đánh máy hồi ký vụ án Ôn Như Hầu của cụ Nguyễn Tạo. |
Từ nhà hoạt động cách mạng đến trưởng phòng điệp báo
Cụ Nguyễn Tạo sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở làng Thái Yên (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Năm 1923, khi vừa 18 tuổi, Nguyễn Tạo trốn nhà đi làm cách mạng, 3 năm sau tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng. Trong một bản viết tay gửi gia đình cụ Nguyễn Tạo ngày 23-9-2002, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Năm 1929, tôi ra Hà Nội tìm gặp anh Nguyễn Tạo, còn gọi là Tạo Rỗ, lúc đó là người phụ trách kỳ bộ Tân Việt Bắc Kỳ để bàn chuyện chuyển Tân Việt thành tổ chức cộng sản. Anh Tạo đồng ý và đề nghị lấy tên là Tân Việt Cộng sản Đảng…”.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Nguyễn Tạo chủ yếu hoạt động trong ngành Công an với các chức vụ như Giám đốc Nghệ An Công an Cục, Trưởng ban Trinh sát Sở Liêm phóng Bắc Bộ, Trưởng phòng Điệp báo Nha Công an Việt Nam… Trong thời gian này, đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật, trong đó có quá trình tham gia chỉ đạo phá vụ án Ôn Như Hầu, Hà Nội.
Đến ngày 12-7-2016, vụ án phố Ôn Như Hầu xảy ra đã tròn 70 năm và ngày này đã được lấy là Ngày truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân. Thời gian qua báo chí trong nước, nước ngoài đã viết khá nhiều về diễn biến vụ án, cũng có một số phần tử còn xuyên tạc sự thật lịch sử, cho là cộng sản lúc đó đã dựng lên “vở kịch” này nhằm đàn áp đảng phái khác. Là người trực tiếp chỉ đạo đánh án, cụ Nguyễn Tạo từng viết hồi ký nói rõ diễn biến vụ án cùng bộ mặt thật của tổ chức Đại Việt Quốc dân Đảng, thủ phạm gây án. Ông Nguyễn Thanh Sơn, con trai cụ Nguyễn Tạo đã cung cấp cho người viết một bản đánh máy 20 trang của cha mình, tiêu đề “Vụ giết người ở Ôn Như Hầu”, tác giả P.D (tức Phủ Doãn, một bí danh hồi hoạt động bí mật của cụ Nguyễn Tạo). Có thêm dòng viết tay cùng chữ ký của tác giả trên đầu bản hồi ký: “Đồng chí Lê Hữu Qua. Anh xem, nếu có gì thêm bớt anh cho biết. 5-8-1970”. Thiếu tướng Lê Hữu Qua, thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an, ngày đó là một trợ thủ đắc lực của cụ Nguyễn Tạo trong vụ án.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà cách mạng Nguyễn Tạo. Ảnh tư liệu |
Phá án Ôn Như Hầu
Trích hồi ký: “18 giờ chiều hôm 11-7-1946, trong một gian phòng nhỏ, chỉ vẻn vẹn có hai cái ghế dài và một cái bàn gỗ tạp ở trụ sở Nha Công an (phố Trần Bình Trọng), đồng chí Lê Giản, Tổng giám đốc Nha Công an, đồng chí Nguyễn Tuấn Thức, Trưởng ty Công an Hà Nội và tôi, Trưởng phòng Điệp báo Nha Công an đón tiếp đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong ngót tháng nay, chúng tôi liên tiếp báo cáo lên Trung ương Đảng và Chính phủ về vụ Việt Nam Quốc dân (VNQD) Đảng phối hợp với bọn chỉ huy quân đội thực dân Pháp đóng tại nội thành Hà Nội âm mưu gây rối loạn, cướp các cơ quan và bắt cán bộ Đảng, Nhà nước ở thủ đô Hà Nội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp vừa ngồi xuống ghế, không cần giới thiệu, với thái độ bình tĩnh hỏi chúng tôi: “Các đồng chí cho biết cụ thể kế hoạch của chúng nó”. Đồng chí Lê Giản bảo tôi: “Anh theo dõi các tổ chức phản động, anh báo cáo cụ thể âm mưu của chúng nó”. Tôi nói: “Chúng tôi có nhiều nguồn tin khác nhau, tổ chức Đại Việt Quốc dân Đảng (trong VNQD Đảng) định phối hợp với quân đội viễn chinh Pháp đóng tại nội thành Hà Nội bạo động, cướp chính quyền vào ngày 14-7-1946. Cụ thể kế hoạch của chúng là: Nhân ngày 14-7, Quốc khánh Pháp, quân đội Pháp sẽ đi duyệt binh các đường phố lớn Hà Nội, thẳng phố Huế xuống Bạch Mai. Đảng viên Đại Việt trang bị súng trường, súng ngắn, lựu đạn nấp trên mái nhà hoặc các tầng gác ở các cơ sở bí mật, nhất là dọc phố Huế, ném lựu đạn, bắn súng vào các đơn vị lê dương, lính thuộc địa Pháp. Giặc Pháp sẽ lấy cớ Việt Minh đánh quân đội viễn chinh Pháp, vi phạm Hiệp định Sơ bộ. Quân đội Pháp sẽ bất ngờ đánh chiếm các cơ quan công an, đài phát thanh, Bắc Bộ phủ, các đơn vị Vệ Quốc quân, các trụ sở Việt Minh, sau đó đưa ngay bọn thủ lĩnh Đại Việt lên lập chính phủ lâm thời”. “Anh cho tôi biết những tổ chức lấy tin của anh”-Đồng chí Võ Nguyên Giáp lại hỏi…”. Đoạn này người viết hồi ký nêu khá nhiều trang cụ thể về lai lịch hai “đặc tình” là P.H bí số H120 và C3… Rồi viết tiếp: “…Hai tổ điệp báo này không hề biết nhau, nhưng nhiều tin tức ăn khớp nhau. Đồng chí Võ Nguyên Giáp ngắt lời tôi, nói: Hôm qua tướng Pháp Sa-lăng (Salan) gọi điện thoại sang Quốc phòng chính phủ ta xin duyệt binh nhân ngày 14-7 trên các đường phố Hà Nội. Tôi nghĩ: Như vậy có thêm một chứng cớ là chúng đã phối hợp với nhau. Đồng chí Giáp nói tiếp: Các đồng chí biết rõ chúng như vậy, cách đối phó ra sao? “Chúng tôi tin, sẽ đập tan được âm mưu của chúng, nhưng còn phải chờ chỉ thị của Trung ương”-Tôi nói. Đồng chí Võ Nguyên Giáp bảo: Buổi sáng mai (12-7-1946) tôi sẽ trả lời.
20 giờ ngay đêm đó (11-7) đồng chí Lê Giản lại triệu tập đồng chí Bùi Đức Minh, đồng chí Lê Hữu Qua và tôi thảo luận kế hoạch đối phó. Câu hỏi cần giải đáp: Đã cấp thiết phải phá vụ án này chưa? Tôi khẩn khoản: Cần đánh ngay!... Tôi được ủy nhiệm cố lấy cho được một vật chứng, tờ hiệu triệu hay tờ truyền đơn cổ động bạo động. 24 giờ đêm hôm đó (11-7), C3 lại bí mật báo tin cho tôi: Lời hiệu triệu và tờ truyền đơn lật đổ chính quyền cộng sản đã in xong, một số đã gửi đi các cơ sở bí mật. Năm giờ sáng mai thì các trụ sở công khai của Quốc dân Đảng sẽ phân tán rút hết người, tài liệu vào bí mật. Trước trụ sở vẫn treo cờ VNQD Đảng và chỉ còn một tên mặc đồng phục “tàu vàng” đứng gác. Ngày 14-7, chúng nhất thiết bạo động. Như vậy chỉ còn 5 tiếng đồng hồ nữa, nếu không nhanh tay xử lý, có thể rất nguy hiểm cho đất nước. Anh Lê Giản suy nghĩ, sau đó cầm điện thoại gọi cho anh Lê Hữu Qua. Lòng tôi thấy nhẹ nhõm, mắt tôi như sáng lên. Anh Lê Hữu Qua vốn luôn vui vẻ xung phong, rất ăn ý với tôi trong việc đánh phản động… 3 giờ sáng ngày 12-7, anh Qua và tôi ngồi trên một chiếc xe con chạy trước, theo sau là 2 xe tải, chia hai ngả im lặng bao vây nhà 132 Đuy-vi-nhơ (Duvignaud, nay là phố Bùi Thị Xuân). Một tên lính Đại Việt còn ôm súng ngủ gật bị tước súng, run lập cập. Chúng tôi chạy lên gác, hơn 10 tên phản động hôm qua thức khuya còn ngủ như chết. Chúng tôi lục soát bắt quả tang hàng chồng truyền đơn, hiệu triệu lật đổ chính quyền, hàng tá súng trường, hàng trăm quả lựu đạn. Anh Qua vội chạy đi gặp anh Trần Vĩ, anh Lê Trung Toản xin thêm lực lượng giúp sức đại đội Vệ quốc đoàn gác Nha Công an, đại đội Công an xung phong. Chúng tôi tiếp tục bao vây trụ sở của chúng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), bắt được 6 tên và tìm thấy 2 người bị giam trong phòng tắm… Tên X chui vào làm nhân viên công an thấy đồng bọn của nó bị bắt, bị truy lùng ráo riết, hoảng sợ vội tố giác để chuộc tội. Hắn khai: Tại trụ sở số 7 Ôn Như Hầu đã bắt cóc, giết, chôn ngay tại đó 7 mạng người và thắt cổ, dìm xuống hồ Thiền Quang 2 mạng nữa. Chúng tôi đưa X tới, chỉ chỗ và đào ngay được 7 xác, đều là cán bộ chính quyền, người buôn bán hay tư sản bị bắt cóc hoặc tống tiền rồi giết. Người mới bị giết độ nửa tháng, lâu nhất 6 tháng. Những tiếng khóc thảm thiết của người thân nạn nhân, những tiếng la thét phẫn nộ của quần chúng ngay tại số 7 Ôn Như Hầu. Tôi trao đổi với anh Lê Giản: Không nói tới vụ âm mưu bạo động lật đổ chính quyền, chỉ cần nói tới vụ Ôn Như Hầu cũng đủ đập tan bọn phản động Quốc dân Đảng cả về chính trị và tổ chức. Đông đảo phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, các đồng chí lãnh đạo và nhân dân tới xem, chứng kiến tội ác của bọn chúng. Tôi mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà ái quốc chân chính, lúc đó đang là quyền Chủ tịch nước tới thị sát. Cụ vô cùng phẫn nộ. Sau đó có mấy lãnh tụ VNQD Đảng xin vào yết kiến cụ, mong được thanh minh. Được người bảo vệ báo cáo, cụ Huỳnh hỏi ngay: Đâu, chúng nó đâu? Rồi cụ xách ba-toong đi ra, chỉ mặt hét to: Đồ kẻ cướp! Đồ vô lại! Quốc gia dân tộc gì chúng mày!”…
PHẠM QUANG ĐẨU