Năm 1926, Hà Huy Giáp rời quê hương Hương Sơn (Hà Tĩnh), mang theo hành trang là lòng yêu nước và nhiệt huyết cách mạng vào TP Sài Gòn, thâm nhập cuộc sống của các tầng lớp nhân dân lao động, hăng hái hoạt động trong tổ chức tiền thân của Đảng. Cuối năm 1930, ông được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, đảm nhiệm công tác tuyên huấn, kiêm phụ trách Đảng bộ TP Sài Gòn-Gia Định. Nhà lão thành cách mạng Nguyễn Thọ Chân, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) kể lại:

- Những ngày bị giặc giam tại nhà tù Côn Đảo, tôi biết người tù Tư Chí, từng là lính của bốt Polo do quân Pháp quản lý. Một lần Tư Chí và một tên nữa được giao nhiệm vụ theo dõi và bắt đồng chí Hà Huy Giáp đang làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ. Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng anh vẫn một mực không khai nhận mà còn viện dẫn cách mạng tư sản Pháp đã nêu lên khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” để khẳng định mình và những cộng sự đang làm việc chính đáng, phụng sự Tổ quốc. Những lời lẽ của anh đã thức tỉnh Tư Chí. Từ đó, Tư Chí tìm cách giúp anh Giáp trốn ra khỏi bốt Polo. Khi Tư Chí bí mật trình bày kế hoạch thì anh Giáp nói: “Cảm ơn anh đã thương tôi mà bày kế thoát thân. Nhưng tôi thấy trong số anh em bị bắt ở đây có người xứng đáng được giải thoát trước, vì người đó mà được tự do thì rất có lợi cho cách mạng”. Tư Chí hỏi người đó là ai, anh Giáp trả lời: “Ung Văn Khiêm (Ba Khiêm). Anh nên giúp anh Khiêm trốn thoát trước đi!”.

leftcenterrightdel
Đồng chí Hà Huy Giáp. Ảnh chụp lại

Khoảng 9 giờ đêm đó, đồng chí Ba Khiêm được Tư Chí mở còng, men theo tường bao, leo lên chiếc xe đạp để sẵn ở góc sân, phóng nhanh ra ngoài. Nhưng không may bị phát hiện, bọn lính rượt theo bắt lại.

Mấy ngày sau, nắm được kế hoạch của Pháp bao vây ngôi nhà làm việc ở đường Tôn Thất Tùng để bắt Tổng Bí thư Trần Phú, Tư Chí báo cho Hà Huy Giáp biết. Đồng chí Giáp nghĩ ra cách phác thảo sơ bộ dáng người, tướng mạo của đồng chí Trần Phú cho Tư Chí nghe. Tối hôm đó, Tư Chí được giao canh cửa sau trong cuộc vây bắt. Khi thấy một người đúng tướng mạo mà đồng chí Hà Huy Giáp kể, xuất hiện từ phía sau nhà, Tư Chí nhanh chóng cản đường, bảo: “Trốn nhanh! Lính xét nhà”. Lần đó, đồng chí Trần Phú trốn thoát. Thế nhưng Tư Chí bị lộ đi theo cách mạng và bị quân Pháp đày ra Côn Đảo...

Sau năm 1954, đồng chí Hà Huy Giáp tập kết ra Bắc và đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau. Ở cương vị nào ông cũng thể hiện rõ bản lĩnh, nhân cách, nhiệt tâm với công việc. Bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trung ương nhớ lại:

- Công lao nổi bật của anh Hà Huy Giáp trong giai đoạn lịch sử này là đã ra sức tổ chức thực hiện thành công tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ: “Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”, ra sức “chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm”. Với tầm nhìn xa và nhân cách cao đẹp, anh Giáp đã dồn hết tâm trí chăm lo chỉ đạo việc tuyển chọn hàng vạn cán bộ và học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc, cho đi học tập văn hóa, lý luận và nghiệp vụ ở trong nước cũng như ở nước ngoài nhằm đào tạo họ trở thành những cán bộ cốt cán để trở về phục vụ cho công cuộc tái thiết quê hương sau ngày giải phóng. Đồng chí đã tham mưu giúp Trung ương Đảng chỉ đạo chi viện cho chiến trường miền Nam một đội ngũ cán bộ “tinh binh, tinh cán”, “vừa hồng, vừa chuyên”, tăng cường sức mạnh cho cuộc kháng chiến sớm giành được thắng lợi cuối cùng…

Trong cuộc sống đời thường, ông là người chồng, người cha trung hậu, hết lòng thương yêu, chăm sóc và đùm bọc gia đình; một tấm gương về nghị lực của người cộng sản. Anh Hà Huy Quang, con trai của nhà cách mạng Hà Huy Giáp tâm sự:

- Bố tôi nghỉ hưu năm 1987. Mặc dù là cán bộ cao cấp nhưng bố tôi sống giản dị, khiêm tốn, hòa đồng. Tháng 3-1990, sau một cơn tai biến, bố tôi không đi lại được, mất luôn cả tiếng nói. Thế nhưng, dù tình trạng sức khỏe nói khó, tay run, viết không được, bố tôi vẫn dùng bút chì gõ từng nốt trên máy đánh chữ, hoàn chỉnh cuốn hồi ký “Đời tôi, những điều nghe, thấy và sống”. Trong cuốn hồi ký ấy, bố tôi nêu lên quan niệm của ông về hạnh phúc, đó là: “Hạnh phúc xuất phát từ tình thương, nhưng không phải tình thương chung chung; phải biết phân biệt cái gì thương, cái gì ghét. Thương người chính là thương mình; thương người là giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành sự nghiệp chứ không phải hạ thấp người ta xuống, làm giúp cho người ta. Tình thương trong chiến đấu vì sự nghiệp chung, vì lợi ích của tập thể, như thế tình thương ngang bằng với tình chiến đấu. Đó là hạnh phúc”. Đọc những dòng chữ ấy, tôi thấm thía và nguyện noi gương cha sống hữu ích cho xã hội.

YẾN LONG