Mùa xuân năm 1967, đang học cấp 3, cha tôi viết đơn xin đi bộ đội. Khi còn sống, bà nội vẫn thường kể với tôi rằng cha đã hứa khi đất nước thống nhất sẽ về học lên đại học như bà mong muốn. Lời hứa đó cha đã mang theo và rồi mãi nằm lại cùng cha nơi điểm cao 1015 (còn gọi là đồi Charlie) trên dãy Ngọc Bờ Biêng thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tuổi niên thiếu, tôi cũng thường được nghe ông nội tự hào kể về sự tiến bộ vượt bậc của cha khi vào Quân đội, về những lần gia đình nhận được phiếu báo công từ mặt trận gửi về. Dù còn trẻ tuổi nhưng cha đã không ngừng học tập, rèn luyện và liên tục phát triển. Theo các tài liệu còn được lưu giữ tại Sư đoàn 320 mà tôi được tiếp cận, 18 tuổi cha đã là Đại đội trưởng, 21 tuổi là Tiểu đoàn phó và 22 tuổi là Tiểu đoàn trưởng, chỉ huy một đơn vị dày dạn trận mạc và nhiều chiến công. Khi ra trận, cha luôn đi đầu, kiên cường xốc tới, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu cho bộ đội.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cha cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh lớn-nhỏ, khiến kẻ thù nể sợ. Đặc biệt, trong trận chốt giữ ở ngã tư Sòng (Cam Lộ, Quảng Trị), Trung đội 2, Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64 của cha đã thu hút và ngăn chặn cả một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ở Gio Hải, Cửa Việt. Sau khi kết thúc Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, cha được tặng 2 bằng Dũng sĩ diệt Mỹ, 1 bằng Dũng sĩ diệt xe cơ giới, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba. Bước vào Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971, cùng đơn vị bạn, Tiểu đoàn của cha tham gia trận đánh lịch sử tiêu diệt căn cứ 31 của ngụy, bắt sống tên Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ trưởng Lữ đoàn dù số 3. Sau đó, cha được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp sư đoàn và đi dự hội nghị tổng kết báo cáo thành tích toàn mặt trận. Nhờ những thành tích xuất sắc đó, đơn vị thưởng phép cho cha về quê tổ chức cưới mẹ. 7 ngày sau đám cưới, cha trở lại đơn vị, hành quân vào thực hiện nhiệm vụ ở Mặt trận Tây Nguyên. Trước khi đi, cha dặn dò mẹ nếu may mắn có thai, sinh được con gái thì đặt tên là Tố Giang, nếu là con trai đặt tên là Vũ Hùng.

leftcenterrightdel
 Tác giả (ngoài cùng, bên phải) cùng chồng trong lần thăm gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến (tháng 12-2023). Ảnh: TUẤN TÚ

Ở Tây Nguyên, trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, cha đã tham gia trận đánh tiêu diệt Tiểu đoàn 11 của địch trên cao điểm 1015. Trong khi chỉ huy bộ đội tiến công giằng co với địch, cha đã anh dũng hy sinh. Hôm đó là ngày 12-4-1972. Hơn hai tháng sau, ngày 25-6-1972, tôi mới chào đời. Dẫu chưa biết mặt cha, nhưng sau này được nghe đồng đội của cha kể về những năm tháng ở chiến trường, những câu chuyện về cha với bao điều tốt đẹp đã nuôi dưỡng trong tôi niềm tự hào, thôi thúc tôi cố gắng vượt mọi khó khăn để học tập và công tác tốt hơn. Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 mỗi lần gặp tôi vẫn bồi hồi xúc động khi nhớ về cha. Ông kể cho tôi nghe nhiều chuyện. Ấn tượng nhất với tôi là việc cha có thói quen ghi chép chi tiết quá trình tổ chức chỉ huy bộ đội chiến đấu, tổng kết kinh nghiệm sau mỗi trận đánh. Cha còn làm thơ ở chiến trường với một tinh thần lạc quan, hăng hái, dù bấy giờ cuộc chiến đấu đang vô cùng khốc liệt. Điều đó càng khiến tôi thêm khâm phục và tự hào về cha nhiều hơn!

 Có thể, tôi may mắn hơn nhiều thân nhân liệt sĩ khác vì tôi được nối nghiệp cha, trở thành quân nhân và có cơ hội tiếp xúc với các chú, các bác là đồng đội của cha. Được nghe kể chuyện, đọc lịch sử Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 và sau này qua những trang hồi ký của các tướng lĩnh đã giúp tôi hiểu hơn về thế hệ cha ông trong những năm kháng chiến. Sự chịu đựng, hy sinh gian khổ của bộ đội ta thật lớn lao. Sau này chứng kiến và cả trực tiếp thụ hưởng sự quan tâm, nghĩa tình qua việc làm của các bác cựu chiến binh, tôi càng cảm phục, kính trọng họ nhiều hơn. Trên nhiều cương vị công tác khác nhau, các bác, các chú luôn phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, tích cực lao động, sản xuất, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, góp phần xây dựng đất nước. Khi còn công tác, dù bận rộn, các bác, các chú vẫn đau đáu quan tâm tới các gia đình chính sách, đồng đội còn khó khăn. Đến tuổi nghỉ hưu, tình đồng đội, nghĩa đồng bào của những người lính Cụ Hồ lại càng nồng thắm hơn. Tình cảm yêu thương, nghĩa tình đồng đội sâu nặng đó đã sưởi ấm anh linh các liệt sĩ, trong đó có cha tôi; xoa dịu nỗi đau mất mát của thân nhân liệt sĩ, trong đó có tôi.

Được tham gia những chuyến đi cùng các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa, thăm đơn vị cũ, đó thực sự là những trải nghiệm đáng nhớ với tôi. Qua những chuyến đi ấy, tôi cảm nhận rõ tình cảm đồng chí, đồng đội của các cựu chiến binh không chỉ được thể hiện trong những ngày chiến đấu gian khổ mà cho đến tận bây giờ, họ vẫn dành cho nhau và cho cả đồng đội đã nằm lại chiến trường những tình cảm chân tình, thắm thiết. Mặc dù các bác, các chú tuổi đều cao, sức cũng đã yếu nhưng lại luôn nỗ lực đóng góp nhiều công sức và vật chất để xây dựng nhà bia tưởng niệm kiên cố, uy nghiêm ở những nơi ghi dấu chiến tích của đơn vị. Tôi đã tận mắt chứng kiến hình ảnh những cựu chiến binh tuổi đã ngoài 70 như chú Lê Mạnh Hải, Nguyễn Thế Tân... không quản khó khăn, cõng từng can nước, viên gạch lên xây dựng nhà bia trên các điểm cao, từ Chư Bồ-Đức Cơ, 1049 (Delta), 1015 cho đến Đồng Dù-Củ Chi. Gia đình tôi vô cùng biết ơn các chú, các bác. Nhờ có nhà bia trên cao điểm 1015 mà vợ chồng tôi đã đưa được con trai tới thăm nơi còn in những dấu chân cuối cùng của ông ngoại các cháu. Nhà bia uy nghi từ điểm cao 1015 và 1049 cùng mỗi nhành cây, ngọn cỏ đang hồi sinh từng ngày qua bàn tay chăm sóc của chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

leftcenterrightdel
Tác giả (ngoài cùng, bên trái) tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: TUẤN TÚ 

Tôi được biết, vào những ngày lễ trong năm, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) vẫn thường tới thắp hương, chăm sóc ở các nhà bia. Những việc làm, tình cảm của các cựu chiến binh và của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 tạo ra sức lan tỏa, không chỉ làm ấm lòng thân nhân liệt sĩ mà còn chạm đến trái tim của nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Đồng bào Tây Nguyên đã xem các chú bộ đội Sư đoàn 320 như người thân của họ. Chính điều đó đã làm tôi càng tự hào hơn về cha, về đồng đội của ông và thầm nhủ phải cố gắng sống, làm việc sao cho thật xứng đáng với bộ quân phục màu xanh đang mang trên mình.

Cũng nhờ các bác cựu chiến binh mà tôi có thêm một người bạn đặc biệt: Bạn Đỗ Hoài Nam, con gái của liệt sĩ Đỗ Trọng Hải-bác sĩ của Trung đoàn 64. Chúng tôi có hai người cha cùng hy sinh trong ngày 12-4-1972 ở cao điểm 1015. Và đúng 2 tháng 13 ngày sau, vào cùng một thời điểm, hai người mẹ đã đồng thời sinh ra chúng tôi. Tháng 7-2022, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2022), chúng tôi đã được giới thiệu gặp nhau và từ đó trở thành những người bạn gắn bó, thân thiết. Đầu tháng 1-2024 vừa qua, khi phát biểu tại buổi gặp mặt truyền thống kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập đơn vị, tôi cũng bày tỏ mong muốn có được nhiều hơn nữa những kết nối để sự gắn bó giữa những người con, người cháu của Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 anh hùng được nối dài mãi về sau!

Thượng tá ĐÀM THỊ TỐ GIANG (Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý, Khoa Khoa học tự nhiên, Trường Sĩ quan Lục quân 1)