Bà là Ngô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Tháng 6-1971, 17 tuổi, Ngô Ngọc Thanh làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Chưa đủ tuổi theo quy định, Thanh khai tăng tuổi, lúc khám tuyển lại độn thêm “vật liệu” vào người mới đủ cân. Người con gái làng La Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội) mới đầu còn ngơ ngẩn trước những chùm phong lan rực rỡ dưới tán rừng già, ngỡ ngàng thấy những cây cổ thụ đến chục người ôm không xuể, những cánh rừng săng lẻ đẹp đến nao lòng..., nhưng rồi muỗi, vắt cùng những trận mưa bom bão đạn, những cơn sốt rét hành hạ làm cho Ngọc Thanh dần cảm nhận đến tận cùng sự khốc liệt của chiến tranh.
Được phân công về Trung đội vô tuyến điện, Đại đội 1, Tiểu đoàn 226, Sư đoàn 472, Ngọc Thanh vui mừng khi nhìn thấy chiếc máy 102E do Liên Xô sản xuất, nghĩ mình sẽ là người ngồi bên máy gõ "tịch tà" để đưa tín hiệu đi xa. Nhưng Ngọc Thanh lại được giao nhiệm vụ ngồi quay máy phát điện cùng đồng đội, một công việc tương đối nặng nề so với nữ giới. Thanh không buồn mà tự nhủ, lúc viết đơn tình nguyện đã hứa sẽ hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì, nên càng quyết tâm hơn. Công việc của Ngọc Thanh và đồng đội Hồng Hạnh là mỗi khi báo vụ ấn ma-níp tịch tà, tín hiệu moóc-xơ được phát đi thì hai cô gái phải gồng mình lên mà quay máy liên tục.
Giữa lửa đạn chiến tranh, dù cái chết luôn cận kề, Ngọc Thanh vẫn tin tưởng vào ngày chiến thắng, đất nước thống nhất sẽ được bước chân vào cánh cổng trường đại học. Vậy là tháng 10-1973, sau chuyến về phép thăm nhà, trong hành trang trở lại đơn vị của Ngọc Thanh có thêm bộ sách cấp III với suy nghĩ “phải ôn luyện kẻo rơi rụng kiến thức”. Tháng 5-1974, Thanh cùng một số đồng đội được ra Bắc để ôn thi đại học. Sau 4 năm dùi mài đèn sách tại Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Ngọc Thanh ra trường và được phân công về công tác tại Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.
    |
 |
Bà Ngô Ngọc Thanh (thứ tư, từ trái sang) cùng đồng đội thăm Khu di tích K9, Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội, tháng 5-2020. Ảnh: KHÁNH AN |
Từ một nhân viên đến trưởng phòng, giám đốc rồi chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, bà Thanh đã trải qua bao thăng trầm để tạo bước phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Giai đoạn 1988-1990 là những năm vô cùng khó khăn của công ty. Hàng cùng chủng loại của nước ngoài tràn lan trên thị trường, giá thành lại rẻ hơn, sản phẩm của công ty không bán được. Lãnh đạo công ty đã phải ngồi lại với nhau để bàn cách tháo gỡ. Biện pháp cấp bách được đưa ra lúc ấy là phải đổi mới cơ chế điều hành, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế, công nhân phải cho nghỉ việc hàng loạt. Nhưng “giữ” ai, “bỏ” ai thì Phòng trưởng phòng Tổ chức điều hành sản xuất Ngô Ngọc Thanh phải là người tham mưu quyết định chính. “Phải cho nghỉ việc già nửa công ty, tôi cũng đau lòng lắm, nhưng không còn cách nào khác. Công ty đang ở bờ vực phá sản, không sắp xếp lại lao động tức là tất cả cùng "chết chìm" luôn!”, bà Thanh bộc bạch. Việc tổ chức lại từ quy mô đến phương thức sản xuất ấy đã dần đưa công ty trở lại ổn định. Từ năm 1991, công ty đã bắt đầu có lãi. Nhưng cũng từ công cuộc “tái thiết” ấy mà bà vướng vào rắc rối.
“Có người làm đơn lên cấp trên tố cáo tôi khai man tuổi tác rồi dùng bằng giả. Toàn việc hết sức nghiêm trọng mà không phải không có lý”. Bà cười nhỏ nhẹ rồi kể tiếp: "Ngày đó, đồng chí đồng chí cán bộ ở Vụ Tổ chức gặp tôi cứ đắn đo mãi mới nói: “Chị có đơn kiện!”. Sau khi nghe anh trình bày, tôi cười phá lên bảo: "Khai man" tuổi là vì ngày đi bộ đội phải tăng tuổi mới được chấp nhận. Còn đúng là không có bằng đại học vì học xong trường có cấp bằng đâu. Thời ấy, tốt nghiệp xong, chúng tôi chỉ được nhận quyết định về đơn vị công tác. Sau này, tôi có quay lại trường để xin cấp bằng, nhưng trường đã đổi tên. Thủ tục phức tạp, vậy là tôi chẳng xin cấp nữa!”.
Chuyện lá đơn kiện được giải quyết nhanh chóng. Nhưng lại nảy sinh khó khăn khác. Sau khi công ty đi vào sản xuất ổn định lại xuất hiện tình trạng hàng giả thương hiệu Rạng Đông tràn lan trên thị trường. Bà lại lăn lộn với những chuyến đi thị sát nơi biên giới, "ăn cơm bụi, ngủ bìa rừng" để tìm hiểu hoạt động của các đối tượng phi pháp, cung cấp thông tin cho công an vào cuộc. Từ đó, công ty mới vượt qua sóng gió để giữ thương hiệu, lấy lại lòng tin với người tiêu dùng.
Giờ đây, đã nghỉ công tác nhưng bà Ngô Ngọc Thanh chưa “nghỉ việc”. Bà chia sẻ: “Những năm tháng ở Trường Sơn luôn ám ảnh, khiến tôi luôn đau đáu về những đồng đội đã nằm lại chiến trường. Tôi muốn dành thời gian để đến thăm, tri ân đồng đội”. Cựu chiến binh Phùng Nhật Minh, Trưởng ban liên lạc thông tin Sư đoàn 472, cho biết: "Bà Ngô Ngọc Thanh luôn nhiệt tình, tâm huyết với các hoạt động tình nghĩa. Bà hiếm khi vắng mặt ở các buổi gặp mặt, tri ân đồng đội hay đón hài cốt liệt sĩ trở về quê hương. Bà luôn là "mạnh thường quân" tài trợ cho các hoạt động của Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Ban liên lạc thông tin Sư đoàn 472... Nhiều năm qua, bà đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động nghĩa tình đồng đội".
Với bà Ngô Ngọc Thanh, sự tâm huyết và niềm vui của bà bây giờ chính là nụ cười của đồng đội ngày gặp lại!
THỦY TIÊN