Bà sinh năm 1943 tại xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa trong gia đình đồng bào Mường có 14 người con. Là con thứ 9 trong nhà, mặc dù người gầy gò, thấp bé nhưng Lê Thị Cửu rất tháo vát, nhanh nhẹn, hỗ trợ bố mẹ và các anh chị đủ việc trong nhà, từ chăn trâu, cắt cỏ, đi rừng kiếm củi... Tháng 5-1962, không đủ tiêu chuẩn vào bộ đội nhưng Lê Thị Cửu nằng nặc xin với bố mẹ, rồi bám riết chú cán bộ về làng tuyển quân để xin được vào làm công nhân quốc phòng. Vậy là từ đây, cô xa nhà, bắt đầu cuộc sống của người công nhân tại các xưởng của Cục Quân giới. “Ngày ấy, các xưởng quân giới của ta thường xuyên phải di chuyển để vừa bảo đảm an toàn, tránh sự đánh phá của địch, vừa phải gần nguồn nguyên liệu. Giờ tôi không nhớ nổi đã công tác ở bao nhiêu cơ sở sản xuất, chỉ biết trên bảo lên đường là đóng gói hành trang đi thôi. Hồi ấy chị em chúng tôi tuổi mười tám, đôi mươi, không ai nghĩ đến chuyện riêng, chỉ chuyên tâm làm nhiệm vụ. Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn... xa mấy, vất vả mấy, không ai ngại ngần từ chối nhiệm vụ”-Anh hùng Lê Thị Cửu nói.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 1963 đến năm 1973, bà Lê Thị Cửu làm công nhân ở các nhà máy sản xuất ngòi nổ. Thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, dễ nổ, dễ cháy, nhưng bà không quản ngại nguy hiểm, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức tìm tòi, rút kinh nghiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, không ngừng nâng cao năng suất lao động. Bà thực sự là “kiện tướng” của ngành quân giới với 10 năm làm công nhân, năm nào bà cũng làm việc đạt mức hơn 320 ngày công. Do yêu cầu công tác, bà đã thay đổi qua 10 công việc khác nhau và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cụ thể, bà đã nghiên cứu cải tiến cách lắp viên mồi bộ lửa (nụ xùy), đưa năng suất từ 5.000 sản phẩm lên 8.000 sản phẩm một ngày công. Trong công việc quét keo đệm phòng ẩm và lắp dán đệm vào bộ lửa, Lê Thị Cửu có sáng kiến đưa năng suất lao động tăng gần 10 lần. Ngoài ra, bà còn nghiên cứu hợp lý hóa từ khâu sản xuất đến khâu kiểm nghiệm sản phẩm, đưa năng suất lao động của toàn tổ do mình phụ trách tăng 330%.

leftcenterrightdel

Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thị Cửu (bên trái) tại Đại hội đại biểu Công đoàn Quân đội lần thứ X, tháng 10-2023. Ảnh: TUẤN TÚ

Trong kháng chiến, bà Lê Thị Cửu phụ trách 5 tổ lao động thì cả 5 tổ đều được công nhận là Tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Bà luôn chú trọng xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt, tích cực dìu dắt, bồi dưỡng nghiệp vụ cho anh chị em, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, kỷ luật, khiêm tốn, giản dị, được mọi người tin yêu. Bà vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, 8 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 18 bằng khen và giấy khen. Nữ anh hùng bồi hồi nhớ lại: “Vinh dự nhất là năm 1968, tôi tham gia đoàn đại biểu vào thăm Phủ Chủ tịch và được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người. Hôm ấy do bận, Bác Hồ không trực tiếp gặp đoàn nhưng qua các chú cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, Người gửi lời căn dặn chúng tôi khi trở về đơn vị cần tiếp tục phát huy sức trẻ, chịu khó cải tiến kỹ thuật lập nhiều thành tích cao hơn nữa!”.

Ngày 31-12-1973, bà Lê Thị Cửu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân khi là Tổ trưởng Tổ sản xuất hóa chất thuộc Phân xưởng 4, Nhà máy Z4 (Nhà máy Z121 ngày nay), Cục Quân giới, Tổng cục Hậu cần. Một thời gian sau đó, bà Lê Thị Cửu được cấp trên cử đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và chuyển về công tác tại Ban Công đoàn của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cho đến khi nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá.

Lập gia đình với Đại tá Nguyễn Ngọc Đương (đã mất năm 2022), hơn nửa thế kỷ nên duyên chồng vợ, hai người luôn yêu thương nhau. Tiếc rằng hạnh phúc không được trọn vẹn do nhiều năm làm việc trong điều kiện môi trường độc hại đã ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ của bà. Bảy lần sảy thai, ba lần sinh con ra lành lặn nhưng con chỉ sống được vài ba tháng là lại rời xa ông bà. Cuối cùng vợ chồng bà quyết định nhận con trai của em gái làm con, nuôi dưỡng cháu cho đến ngày lập gia đình. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ ở ngõ Xã Đàn 2 (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội), Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thị Cửu sống trong tình cảm yêu mến của xóm giềng và sự chăm sóc của gia đình người con nuôi sống ngay bên cạnh. Bà bộc bạch: “Một đời cống hiến cho cách mạng, những thiệt thòi của tôi có là gì so với nhiều gia đình quân nhân khác. Chỉ mong đất nước mãi hòa bình, ai cũng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thế là vui rồi!”.

SONG THANH