Người phụ nữ với gương mặt cương nghị đã ẩn hiện nếp gấp của thời gian, nhưng vẫn rạng ngời tự hào khi được hỏi chuyện về thời kỳ tham gia xây dựng công trình Đại thủy nông Phú Ninh hơn 40 năm về trước…

Bên ly nước chè xanh, giọng bà Hà đầy hồ hởi: “Cô đăng ký tham gia xây dựng công trình Đại thủy nông Phú Ninh khi mới 19 tuổi. Cô còn nhớ rõ, đó là ngày 29-3-1977, ngày mà cấp trên đã cho nổ 29 phát mìn báo hiệu khởi công xây dựng công trình Phú Ninh. Cô được phân công ở Trung đội Tam Kỳ, Đại đội 2 Tam Thái (C2 Tam Thái). Ngày đó, anh em thanh niên xung kích làm việc hăng hái, năng nổ và đông vui lắm!”.

Với sức mạnh và nhiệt huyết của tuổi trẻ thời ấy, bà cùng hàng nghìn thanh niên các địa phương trong toàn tỉnh nô nức lên đường hướng về công trường Phú Ninh. Họ ngày đêm miệt mài cuốc đất, đẩy xe cải tiến, bạt núi, ngăn hồ đắp đập bằng khí thế hừng hực; khao khát cống hiến tuổi thanh xuân cho quê hương, cho tương lai biết bao cánh đồng đang chờ dòng nước mát lành. Khí thế ấy càng được nhân lên khi có những ngày, các đơn vị tổ chức thi xúc đất, kéo xe cải tiến; ai cũng ra sức làm, mệt nhưng rất vui. Bà Hà cười đầy tự hào: “Một mình cô kéo một buổi 35 xe đất từ đồi thôn 6, Cẩm Khê tới điểm san lấp hơn 100m, gánh mỗi buổi 40-50 gánh đất từ dưới lòng kênh lên mặt chính. Có bữa thi đua, cô kéo được 45 xe đất trong vòng hai tiếng, đứng nhất luôn!”. Khuôn mặt trẻ măng, vóc người nhỏ nhắn, nhưng với sức làm việc hơn người, Hà không ít lần vượt qua các anh chị lớn, giành phần thắng về cho đội C2 Tam Thái. Gọi là thi, nhưng phần thưởng dành cho đội thắng cuộc đâu có gì ngoài vài câu khen ngợi, tràng vỗ tay tán thưởng của anh em. Cái chính là tạo động lực, động viên nhau cố gắng hết mình xây đắp đại thủy nông. Công trường thuở ấy vì thế luôn ngập tràn tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới.

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Hà bên cháu ngoại

Mặc dầu cuộc sống trên công trường vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ đường, nhưng ai nấy đều phấn khởi, hăng hái tham gia lao động, đóng góp công sức với niềm tin mãnh liệt về một tương lai rạng ngời. Bà Hà bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó, tụi cô cực lắm; làm quần quật không ngơi tay, nhiều khi gánh đất xước cả vai, máu rỉ thấm ra áo, đỏ cả đòn gánh. Bữa nào sang thì được ăn cơm xáo khoai, mà toàn khoai cõng cơm, rồi có bữa là bo bo; lương bấy chừ là vài đồng bạc lẻ, đủ mua bánh xà phòng, hộp kem đánh răng thôi. Cô nhớ hoài cái cảnh thiếu nước sinh hoạt, tối tối các chị em phải rủ nhau vào nhà dân gần đó xin nước gánh về lán trại dùng. Khổ cực, vất vả vậy nhưng mà ai cũng quyết tâm: Đã xác định ra đi thì phải cố gắng, góp sức hoàn thành cho được đại công trình này”.

Ở cái tuổi thanh xuân hừng hực lửa, người con gái 20 tuổi năm ấy đã nỗ lực hết mình, 3 năm liền được vinh danh “Kiện tướng”, được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Với bà Hà, đó là niềm phấn khởi, tự hào khôn xiết, niềm vui vô tận. Những huy hiệu bà được trao, danh hiệu Kiện tướng lao động, danh hiệu Chiến sĩ thi đua là động lực lớn lao để bà càng hăng hái hơn, cùng động viên, cổ vũ hàng trăm thanh niên khác tiếp tục lao động, đóng góp cho công cuộc đổi mới quê hương. Bà nghẹn ngào: “Hồi đó, thấy nước còn hơn thấy vàng. Ngày thấy những dòng nước ồ ạt chảy về đồng, tụi cô mừng quá, ôm nhau khóc!”.

Xung phong đi từ những ngày đầu khởi công, 5 năm lăn lộn trên công trường, ngày trở về, bà Hà lại tất bật với cuộc sống thường nhật, với nỗi lo cơm áo. Giờ bà sống một mình, hằng ngày chăm sóc cháu ngoại không may mắc hội chứng Down, đêm về thui thủi, khổ sở vì căn bệnh thoái hóa cột sống do làm việc quá sức lúc còn trẻ. Những vui buồn, vất vả cùng cực thời cuốc đất, gánh đất xây hồ giờ đọng lại thành ký ức không quên về một quãng đời thanh xuân đầy gian lao nhưng rất đỗi hào hùng. Và thường trực trong bà là nỗi niềm được Đảng, Nhà nước quan tâm, ghi nhận những đóng góp của hàng nghìn thanh niên thời ấy đã vì một đại công trình…

Bài và ảnh: THANH THÚY