Như một lời hẹn định sẵn, dịp cuối năm là những cựu tù Phú Quốc ở Kiên Giang lại hội ngộ để “ôn cố tri tân”. Những cuộc gặp gỡ ấy đều diễn ra rất sôi nổi. Bên cốc trà, chén rượu, họ nói với nhau về những năm tháng chiến đấu ác liệt và những ngày sống nơi “địa ngục trần gian”. Trong rất nhiều ký ức thiêng liêng ấy, câu chuyện hai lần chết đi sống lại và những cuộc nổi dậy đòi địch không được đánh đập, đàn áp, nhục hình tù binh của CCB Mai Văn Bé, sinh năm 1949, ngụ thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang được nhắc lại nhiều.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Mai Văn Bé.

Ông Mai Văn Bé sinh ra và lớn lên ở quê hương Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng trong một gia đình yêu nước. Năm 1962, do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng nên cha ông đưa cả gia đình về xứ Cạnh Đền, Vĩnh Phong (nay là ấp Cạnh Đền, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) ở để hoạt động. Với tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, năm 1963, ông xin cha mẹ được rời gia đình theo Bộ đội Cụ Hồ đi kháng chiến và làm trợ lý văn hóa Tiểu đoàn 307, Quân khu 9. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chiến sĩ Mai Văn Bé cùng Tiểu đoàn 307 hành quân từ Hà Tiên về lộ Vòng cung đánh sân bay Cần Thơ. Trong lúc chiến đấu ác liệt với kẻ thù thì Mai Văn Bé bị một loạt đạn AR15 xuyên qua thân người. “Tôi tưởng sẽ không sống nổi vì mất máu quá nhiều, nặng nhất là vết thương ở phổi. Tuy may mắn sống sót nhưng tôi bị giặc bắt đem về trại giam vùng 4 chiến thuật tại Cần Thơ. Đến khoảng tháng 7-1969, chúng đưa tôi ra Nhà tù Phú Quốc. Đây là lần thoát chết đầu tiên”, ông Bé bộc bạch.

Những năm tháng bị giam cầm, ông Mai Văn Bé cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng luôn giữ vững tinh thần, bản lĩnh cách mạng. Trong tù, ông nhiệt tình tham gia các tổ chức đoàn thanh niên, chi bộ và rất hăng hái trong các hoạt động của tổ chức. Tháng 10-1969, các chi bộ ở khu 8 tổ chức cuộc đấu tranh quy mô lớn bằng cách tuyệt thực đòi giặc không được đánh đập, đàn áp, nhục hình tù binh; cải thiện bữa ăn cho tù binh; tù binh bị thương phải được chữa trị. Cũng trong lần đấu tranh đó, ông đã tận mắt chứng kiến bọn quân cảnh xả súng bắn chết gần 200 người. Riêng ông và hơn 10 đồng đội khác bị tra tấn, nhục hình dã man với nhiều hình thức. “Sau cuộc đấu tranh lần đó, những tên lính canh đánh đập, hỏi cung liên tục khoảng một tuần lễ. Chúng đánh tôi ngất xỉu, tỉnh lại thì tiếp tục đánh; vừa tra tấn tinh thần, vừa dụ dỗ khai cơ sở đảng của chúng ta. Không khai thác được gì, chúng đưa tôi giam ở chuồng cọp kẽm gai, thùng sắt… Đây là lần thứ hai tôi nghĩ mình đã chết. Nhưng nhờ anh em đồng đội chăm sóc, bón thức ăn, nước và động viên tôi cố gắng sống đợi ngày hòa bình, nên tôi mới có được như ngày hôm nay”, ông Bé kể.

Tấm lòng kiên trung và hành động dũng cảm, sẵn sàng hy sinh của ông Bé và nhiều đồng đội khác như ông Phạm Tấn Thiện (ngụ ấp Đá Nổi A, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) hay ông Phạm Văn Thanh (nay là Chủ tịch Hội CCB huyện Vĩnh Thuận)... khi đấu tranh đòi quyền lợi cho anh em tù binh là bài học sống động, động viên tinh thần anh em. Bởi thế, nhiều người dù bị đánh đập, tra khảo dã man cũng quyết không khai.

 Đến năm 1973, được trở về theo chính sách trao trả tù binh theo Hiệp định Paris, bên cạnh nỗi đau trên thịt da do hậu quả của những ngày bị giam cầm ở nhà tù đế quốc, các cựu tù Phú Quốc còn nặng trĩu trong lòng nỗi nhớ thương đồng đội. Vì vậy, mỗi lần gặp mặt, các cựu tù Phú Quốc ở Kiên Giang luôn cố gắng có mặt đông đủ để cùng nhau ôn lại những ngày gian khổ năm xưa.

Bài và ảnh: THÚY AN