QĐND - Đến dự buổi giao lưu, ra mắt cuốn hồi ký “Lính bay” của Trung tướng Phạm Phú Thái, người xem không chỉ ấn tượng với những trang hồi ký chân thực, xúc động về một thế hệ những người lính không quân Việt Nam anh hùng mà còn được giao lưu với các khách mời là những vị tướng lĩnh từng vào sinh ra tử. Trong đó có một nhân vật được Thượng tướng Phạm Thanh Ngân dành những lời giới thiệu vô cùng trân trọng: “Ông là một chính ủy mà phi công rất yêu quý và kính trọng. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông luôn gần gũi, sâu sát, rất tâm lý, góp phần không nhỏ giúp đội ngũ phi công vững vàng ý chí, quyết tâm, lập nên những chiến công hiển hách”. Ông là Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân.

Phát súng của “ông chính trị”

Trung tướng Phạm Phú Thái, tác giả cuốn hồi ký “Lính bay” nhớ lại: “Khi chúng tôi về Trung đoàn 921 thì ông đang là Phó chính ủy trung đoàn. Ấn tượng ban đầu của tôi về ông là người tận tâm, nhiệt tình, sắc sảo. Khi đứng trên bục giảng, ông luôn say sưa, tâm huyết truyền đạt tới người nghe những vấn đề lý luận, thực tiễn của nghị quyết, của những chuyên đề về chính trị, tâm lý, tinh thần... Thế nhưng ngày ấy, không phải không có những sĩ quan trong đơn vị có định kiến với cán bộ chính trị, nhất là với một số cán bộ hay lên gân, dạy dỗ theo kiểu lên lớp, lúc nào cũng coi cấp dưới là đối tượng để chấn chỉnh, xét nét. Bên cạnh đó, có những anh em chưa hiểu được bề dày công tác và những cống hiến của các đồng chí lãnh đạo công tác Đảng, công tác chính trị cấp trung đoàn trở lên như trường hợp Phó chính ủy Chu Duy Kính.

Trung tướng Phạm Phú Thái, tác giả cuốn hồi ký “Lính bay” tặng sách cho Trung tướng Chu Duy Kính tại buổi giao lưu, giới thiệu sách.

Một lần, đơn vị tổ chức bắn súng ngắn. Hôm đó, lần đầu tiên tôi bắn đạn thật. Phát đầu không hồi hộp lắm, nhưng khi súng nổ, mùi thuốc súng khét lẹt cùng tiếng nổ ngay bên cạnh làm tôi giật mình, tung cả tay cầm súng lên. Tôi bắt đầu run. Phát thứ hai, tôi ngắm thì đầu ruồi cứ xoay tròn quanh điểm đen. Tôi bóp đại cò súng. Tổng cộng tôi được 23 điểm cho 3 lần bắn. Bỗng lúc đó, một đồng chí nói to, giọng hơi sỗ sàng:

- Ông Kính “nháy” xuống này! Chính trị thì biết gì mà súng với chẳng ống!

Nhìn ra, tôi thấy Phó chính ủy Chu Duy Kính đang xem mấy người bắn và nghe báo cáo kết quả. Ông không nói gì hết, tiến vào vị trí bắn, yêu cầu thay bia mới. Sau đó, ông giơ súng lên, người hơi nhao về phía trước. Chúng tôi thì thào với nhau, kiểu đứng bắn thế kia chắc gì đã trúng. Thế nhưng, 3 phát súng vang lên, báo bia về: 27 điểm. Trong khi chúng tôi chưa hết “choáng” thì ông lại tiếp tục bắn thêm 3 phát nữa, cũng vẫn tư thế đó. Báo bia: 28 điểm. Ai cũng tròn mắt ngạc nhiên, không hiểu “ông chính trị” này học bắn từ bao giờ mà giỏi thế!

Sau này chúng tôi mới biết, Phó chính ủy Chu Duy Kính từng là biệt động thành Hà Nội. Ông từng lập nhiều chiến công từ thời chống Pháp”.

Tôi đã hiểu...

Tại buổi giao lưu, giới thiệu sách hôm ấy, bằng trí nhớ tuyệt vời và lối nói chuyện sắc sảo, lôi cuốn, Trung tướng Chu Duy Kính điểm lại một cách khái quát, cô đọng chặng đường hơn 60 năm trưởng thành và phát triển của Không quân nhân dân Việt Nam. Kết thúc, ông xúc động: “Hôm nay tôi ngồi đây, thật mừng là các phi công thiện chiến của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng vẫn còn đây: Ông Ngân (Thượng tướng Phạm Thanh Ngân)-người phi công lì lợm, mưu trí, trực tiếp bắn rơi 8 máy bay của không quân Hoa Kỳ, 1 trong 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu át chủ bài; đây ông Hanh (Trung tướng Trần Hanh), một trong những phi công Mig 21 lập công đánh trận đầu, bắn rơi máy bay Mỹ trên vùng trời miền Bắc; Nguyễn Đức Soát (Trung tướng Nguyễn Đức Soát), phi công  xuất sắc đã phối hợp cùng đồng đội tiêu diệt 4 chiếc F-4. Đây là trận thắng oanh liệt khi chỉ trong ít phút bốn phi công của ta đã bắn rơi 4 máy bay phản lực do những phi công sừng sỏ Không quân Mỹ điều khiển. Đây, Việt (Thiếu tướng Trần Việt), con trai Bình Định, đánh rất dũng cảm, một mình cất cánh ở Sân bay Miếu Môn, bắn rơi một máy bay của trung tá phi công Hoa Kỳ. Đây, Tưởng (Trung tướng Hán Vĩnh Tưởng), phi công Mig 17, bắn rơi F-4 của Mỹ, máy bay bốc cháy mà vẫn về hạ cánh an toàn ở Sân bay Nội Bài. Đây, Phạm Tuân (Trung tướng Phạm Tuân), phi công tiêm kích bay đêm, hạ siêu pháo đài bay B-52 và trở về an toàn...”.

Khi ông dừng lời, cả hội trường Nhà khách Quân chủng Phòng không-Không quân vang lên những tràng pháo tay không ngớt. Nhà báo Lại Văn Sâm, người dẫn chương trình buổi giao lưu hôm ấy không giấu nổi sự thán phục: “Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao thế hệ những người lính ngưỡng mộ ông đến thế. Gần 90 tuổi, ông đến đây, vẫn nhớ tất cả từng gương mặt đồng đội cũ cùng những chiến công của họ. Tôi hiểu rằng, với một người làm công tác chính trị, trên cương vị Chính ủy như ông, không có lý gì mà những cán bộ, chiến sĩ cấp dưới của ông không sẵn sàng xuất trận, chiến đấu xả thân vì Tổ quốc, dù biết có thể sẽ hy sinh”.
Bài và ảnh: VÂN HƯƠNG