Đến thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), tôi nhờ anh Phượng, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy chở đến thăm ông Ngô Văn Liễu “nhà ở khối 3, thị trấn bên đường mòn Hồ Chí Minh”.
Trên mấy cây số làm xe ôm tự nguyện, anh Phượng cho biết: Năm nay ông Liễu trước ngưỡng bát tuần, nhưng sau khi gặp “lão giả” người ta vẫn cảm nhận được cái mặn mòi biển cả, cái màu xanh đậm đặc bao la của đại dương in trên bộ quân phục ông luôn mặc trên người. Song, ấn tượng nhất vẫn là phẩm cách thanh tao của Bộ đội Cụ Hồ đi suốt 2 cuộc kháng chiến giữ nước.
 |
Ông bà Ngô Văn Liễu cùng các con cháu.
|
Sinh ra, lớn lên nơi sông Lam, 3/4 cuộc đời binh nghiệp gắn với biển, 62 tuổi ông Liễu nghỉ hưu mới về Tân Kỳ sống với miệt rừng. Ông bảo, người 50 tuổi trở lên đều chứng kiến ngày 5-8-1964 Chiến thắng trận đầu. Ngày này địch tập trung hàng trăm lượt máy bay đánh phá các hải cảng, cửa sông, cửa biển từ Quảng Ninh tới Quảng Bình. Trận đầu quân và dân miền Bắc bắn hạ 8 máy bay, bắt sống một số giặc lái, cũng từ ngày ấy Nghệ An và các tỉnh Khu 4 trở thành “cán soong”, khắp miền Bắc gồng mình chia lửa với đồng bào chiến sĩ miền Nam. Chiến thắng trận đầu là mốc son trong cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, trở thành ngày truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Ông Ngô Văn Liễu sinh năm 1933, quê xóm Lưu Thủy, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương. Ngày 1-6-1951 ông nhập ngũ vào Trung đoàn huấn luyện Quân khu 4, năm 1952 bổ sung về Tiểu đoàn 436, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong kháng chiến chống Pháp và huấn luyện chiến đấu thời bình, tháng 3-1960 ông được đi học hệ Chính trị Trường Sĩ quan Lục quân. Năm 1963 ông ra trường là một trong 50 sĩ quan Chính trị được điều về Quân chủng Hải quân. Vừa về đơn vị mới, cấp trên điều ông đi học thêm 6 tháng Trường Hải quân đóng tại Quảng Yên, gần Thành nhà Mạc. Đầu năm 1964 học xong, ông xuống tàu chiến đấu tại Hải Phòng.
Ngày 5-8-1964 tàu của ông tham gia ngay trận đầu “thủy đối không”, góp phần cùng quân chủng chiến thắng giòn giã. Sau chiến thắng trận đầu, cấp trên điều ông làm Chính trị viên phó Phân đội 6 thuộc căn cứ 2 Hải quân, trấn giữ vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Bình. Không quân, hải quân Mỹ đánh phá miền Bắc ngày càng ác liệt, cấp trên điều ông làm Chính trị viên tàu 201 thuộc Hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171). Ngày 23-8-1965 tại Cọc 5 Hòn Gai, tàu của ông suốt một ngày đánh trả hàng chục lượt máy bay địch. Hôm ấy, Chỉ huy trưởng đang nằm viện điều trị, một Phó chỉ huy trực ở nhà, một Phó chỉ huy khác ở trên chiếc tàu khác, ông là cán bộ chính trị được anh em tàu 201 “đề bạt” làm Chỉ huy trưởng chiến đấu. Trận ấy toàn tiểu đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tàu 201 và cá nhân ông được tặng thưởng huân chương.
Sau trận ấy quân chủng điều ông lên bờ đảm trách Phó ban chính trị Hạm đội 171, Trợ lý kiểm tra Đảng của Cục Kỹ thuật Quân chủng. Năm 1981 Quân chủng điều ông làm Phó hiệu trưởng phụ trách Chính trị Trường Hậu cần Hải quân, tháng 7-1985 ông nghỉ hưu với quân hàm Trung tá.
Trở về đời thường, Đảng bộ địa phương đề nghị ông “gánh” chức Bí thư Chi bộ HTX Thủ công nghiệp xã Kỳ Tân. Năm 1990, huyện Tân Kỳ thành lập Hội CCB, ông làm Phó chủ tịch Thường trực Hội khóa I, Chủ tịch Hội khóa II (1996-2002). Tuổi cao sức yếu, mấy năm nay ông xin giao việc Đảng, việc Hội để anh em trẻ làm. Nhưng sống giữa tình làng nghĩa xóm, nhiều việc người dân nhờ tham vấn thì ông không thể từ chối. Những ý kiến đóng góp của ông luôn thấu tình đạt lý, giúp xóm giềng xử lý chuyện nội bộ gia đình trong ấm ngoài êm, không để chuyện nhỏ xé thành chuyện lớn; không để đồng tiền làm méo mó gia tộc gia phong, không để kẻ xấu khuynh đảo nghĩa xóm tình làng. Giờ đây nhiều người vẫn gọi ông là “Bí thư Chi bộ dân” một cách trìu mến. Bỗng nhớ anh Phượng “xe ôm” tâm sự dọc đường:
- Công tác Chính trị “mênh mông bể sở”, tụi em hậu sinh phải biết chăm chỉ lắng nghe trải nghiệm của các thế hệ đi trước về lĩnh vực này. Từ khi em được phân công làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, em năng đến thăm “ông Liễu hải quân” để học hỏi kinh nghiệm về công tác chính trị tư tưởng, công tác xây dựng Đảng. Ông Liễu có 34 năm gắn bó trong quân đội, hầu hết thời gian binh nghiệp làm công tác Đảng, công tác chính trị. Đã 25 năm về giữa đời thường, song những kinh nghiệm xương máu luôn được ông chưng cất thành “thuốc quý”. Mỗi khi những cán bộ trẻ đến hỏi xin, ông Liễu luôn nhiệt tình mở bảo bối biếu tặng và không quên kèm theo lời dặn:
- Làm bất cứ việc gì cũng phải đặt quyền lợi Tổ quốc, nhân dân lên trên nhé!
Bài và ảnh: Giao Hưởng