50 năm làm công tác mặt trận, trải qua các cương vị từ Thư ký Chủ tịch đến Vụ trưởng, rồi Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Túc có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ông kể:
“Lúc đầu, khi biết tin được điều chuyển công tác, tôi cũng có đôi chút tâm tư. Nhưng càng làm càng thấy say sưa. Hồi làm giảng viên ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mỗi bài giảng tôi đều đã học thuộc, công việc hằng ngày lặp đi lặp lại, bây giờ làm công tác mặt trận, mỗi ngày lại có cái mới đặt ra phải học. Học về giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, rồi tình hình trong nước, thế giới... Phải học, phải đọc rất nhiều mới đáp ứng được công việc.
    |
 |
Ông Nguyễn Túc (thứ ba, từ phải sang) cùng đoàn công tác Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Lào, năm 2004. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Những tấm gương vì dân
Được phục vụ qua 9 đời Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (sau đây gọi tắt là Chủ tịch Mặt trận), tôi thấy mỗi người có một phong cách riêng. Cụ Tôn Đức Thắng là người hết sức giản dị. Là người giữ trọng trách cao, cụ vẫn tự tay sửa chiếc xe đạp của mình. Anh em có đề xuất gì, bao giờ cụ cũng hỏi: “Cái đó mất bao nhiêu tiền của dân?”.
Chủ tịch Mặt trận Hoàng Quốc Việt là người cương nghị nhưng lại rất dễ xúc động, thường rơi nước mắt khi thấy những cảnh đời bất hạnh. Ngày đầu về làm thư ký cho cụ, tôi được tháp tùng cụ đi công tác ở Tuần Giáo, Điện Biên. Năm 1970, Vàng Pao định thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông” tại Tuần Giáo. Trung ương cử đồng chí Hoàng Quốc Việt lên giải quyết. Lên đến nơi, đồng bào tiếp đoàn rất trọng thị. Theo phong tục, đồng bào đã mổ trâu và mời cụ thưởng thức món đặc sản “tiết canh trâu”. Thấy vậy, đồng chí bác sĩ quân y vội ngăn: “Báo cáo thủ trưởng, tiết canh này không nên ăn!”, cụ liền bảo: “Các anh nói thế là “xui dại” tôi rồi! Dân ăn được thì chúng ta ăn được! Bụng tôi chưa quen thì bác sĩ chữa trị. Tôi không ăn thì làm sao vận động được dân!”. Hay một kỷ niệm khó quên trong chuyến công tác ở Sơn La ngay sau đó. Mẹ của một nhân sĩ trí thức có uy tín qua đời. Phong tục của đồng bào ở đấy là người chết được đặt ở góc nhà, bên cạnh có một đĩa thịt luộc sẵn và đĩa xôi, để tưởng nhớ, mỗi người đến viếng đều chấm miếng thịt lên miệng người chết và ăn luôn. Tôi rất sợ nhưng cụ thì không nề hà!”. Cụ Hoàng Quốc Việt chính là người đề ra khẩu hiệu: “Đâu dân cần mặt trận có. Đâu dân khó có mặt trận”. Từ những việc cụ thể trên, tôi càng hiểu ý nghĩa của việc “ba cùng” với dân.
Sau này, các cụ Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Quang Đạo đến các anh Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm..., mỗi người “mạnh” ở một điểm nhưng có cái chung là đều hết lòng vì dân, vì nước, đều thực hiện nghiêm lời Bác Hồ căn dặn: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Cụ Lê Quang Đạo là người chủ động đề xuất việc xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc. Đồng chí Phạm Thế Duyệt là người của những “phong trào” khi luôn có những ý tưởng mới, gợi mở ra các hoạt động nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, như phong trào “xóa đói, giảm nghèo”; đề xuất mặt trận giám sát cán bộ, đảng viên, công chức ở khu dân cư, mở ra một thời kỳ mới cho công tác mặt trận khi đã thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội...
    |
 |
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo tại tỉnh Phú Thọ (tháng 3-2019). Ảnh: HƯƠNG DIỆP |
“Cốt ở yên dân”
Làm công tác mặt trận, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân chính là công tác xử lý mối quan hệ giữa các dân tộc, tôn giáo, các giai tầng xã hội, giữa Nhà nước với nhân dân và ngược lại. Trong mọi hoàn cảnh, mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội lại càng phải phát huy triệt để việc “yên dân”. Là người trực tiếp xử lý một số vụ việc, tôi càng thấm thía điều đó.
Còn nhớ, năm 2001, xảy ra vụ biểu tình bạo động ở Tây Nguyên. Sáng hôm ấy (2-2), trong lễ mít tinh kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Đảng, tôi thấy anh Phạm Thế Duyệt (khi ấy đang là Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Mặt trận) cứ đi ra đi vào, dáng chừng lo lắng chuyện gì đó. Sau buổi lễ, anh chỉ thị cho tôi về họp gấp và giao một nhiệm vụ bất ngờ: Đi công tác đặc biệt.
Gấp rút thu dọn đồ đạc, đúng 14 giờ, tôi và một đồng chí nữa khẩn trương lên đường. Hôm sau đến Đắc Lắc, chứng kiến tình trạng người dân biểu tình, kích động, tôi khá bối rối. May sao, đồng chí Chủ tịch Mặt trận của tỉnh là anh Ama Pheng, một trí thức người Ê Đê, rất có uy tín với đồng bào. Đồng chí đã mời một số người đại diện của đoàn biểu tình về trụ sở mặt trận hỏi rõ tình hình để tìm cách khắc phục. Hôm sau nữa thì chúng tôi đi Gia Lai. Chúng tôi đã đến từng nhà, gặp gỡ những người tiêu biểu trong các dân tộc, vận động, giải thích cho những người vợ, người mẹ của những người tham gia biểu tình. Nghe bà con trình bày, chúng tôi hiểu ra việc bà con bức xúc vì bị mất đất làm ăn, lại thêm bị kẻ xấu lợi dụng gây chia rẽ nên mới xảy ra biểu tình, đập phá trụ sở cơ quan công quyền. Tất cả các tổ chức, từ công đoàn, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh... đã vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân thấy được các chính sách đúng đắn của Đảng và hướng xử lý khắc phục. Quả nhiên, sau một thời gian, tình hình đã lắng xuống và dần đi vào ổn định”.
Hiện nay, ở tuổi 84, ông Nguyễn Túc vẫn làm việc. Ông đi phát biểu ở hội thảo; đi giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; khi thì viết bài cho các báo, tạp chí... Bằng kinh nghiệm của mình, ông vẫn đang tích cực trao truyền tới thế hệ hôm nay và mai sau.
THU THỦY