Tôi quen Khol trong một trận đấu bóng chuyền trên bãi cát cạnh bờ suối Pursat. Tôi và Khol cùng đội, Khol là cầu đập chính, còn tôi nêu bóng. Trận đấu khá gay cấn nhưng nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn, ăn ý, đội chúng tôi giành chiến thắng sít sao. Thế là thân nhau.

Khol nhỏ hơn tôi hai tuổi, có nước da ngăm đen, thân người gầy nhưng rắn rỏi. Đôi mắt Khol to đen, buồn buồn, hay nhìn xa xăm. Đặc biệt là khi nở nụ cười, mắt Khol sáng lên, nét buồn biến mất, dễ thương lạ lùng. Cha mẹ Khol bị Pol Pot giết hại. Lúc Khol 14 tuổi cũng bị đưa vào trại tập trung, lao động đến kiệt sức. Khi bộ đội Việt Nam truy kích tàn quân Pol Pot thì gặp Khol cùng một số người dân nằm thoi thóp vì đói lả ở bìa rừng. Khol bị bệnh khá nặng, được Quân tình nguyện Việt Nam điều trị tại đơn vị trong thời gian dài, nhờ vậy Khol biết tiếng Việt đôi chút. Điều này rất thuận lợi cho tôi, một người thích tìm hiểu nhưng không hề biết tí gì về ngôn ngữ nước bạn.

Nhờ Khol dạy nên tôi ngộ ra, cách xếp câu ngôn ngữ Khmer cũng xuôi như tiếng Việt. Ví như “tức” là nước, “cót” là đá lạnh; “tức cót” là nước đá. Học tiếng Khmer với Khol thật thú vị. Ngược lại, tôi cũng dạy Khol tiếng Việt. Người Campuchia phân chia địa vị rất rạch ròi. Dù Khol với tôi thân nhau nhưng có những lúc tôi đến Tỉnh đội Pursat liên hệ công tác, Khol chắp tay chào rất kính cẩn. Khi tôi làm việc với chỉ huy của Khol, Khol chỉ đứng từ xa liếc nhìn chứ không đến chào hỏi. Nếu công việc chúng tôi trao đổi có liên quan tới Khol thì Khol ngồi một cái ghế thấp hơn và cách chúng tôi một khoảng nhất định.

 Khol có chiếc xe đạp cũ, không có vè chắn bùn, cũng không có phanh. Những khi rảnh rỗi Khol hay chở tôi loanh quanh thị xã Pursat. Có lần, Khol chở tôi qua cầu Spien Thom (cầu đá), cây cầu bắc ngang suối Pursat vào thị xã. Xe đang bon bon đổ dốc, bỗng Khol đưa bàn chân phải miết vào lốp trước bánh xe khiến xe lảo đảo. Tôi giật mình nhảy xuống, tay cầm gác-ba-ga kéo lại. Khol giao xe đạp cho tôi giữ rồi chạy vội sang bên kia cầu, đến trước một nhà sư áo vàng đang đi khất thực, chắp tay cúi lạy chân thành, rồi lấy tiền bỏ vào cái cà-tanh nhà sư ôm trước bụng. Đợi nhà sư đi một đoạn, Khol mới quay trở lại. Tôi như đứng hình, tay vịn xe đạp, mắt mở to, miệng há ra vì ngạc nhiên. Lúc vào quán nước mía ven đường, Khol chầm chậm giải thích bằng thứ ngôn ngữ 4 phần tiếng Việt, 6 phần tiếng Khmer: Phật giáo với người Campuchia là quốc giáo. Toàn đất nước có hơn 3.500 ngôi chùa (tính đến năm 1984) nên Campuchia còn gọi là quê hương chùa tháp. Ở lứa tuổi thanh niên, từ vua đến thứ dân bắt buộc phải vào chùa tu một khóa mới được xem là trưởng thành, đủ tư cách lấy vợ. Họ học tập, sinh hoạt trong tăng viện; sống nhờ khất thực từ bá tánh; tránh tiếp xúc với phụ nữ; suốt ngày phải tĩnh tâm, học giáo lý, đọc kinh, học ngôn ngữ và văn tự Khmer do các nhà sư truyền thụ.

Vì vậy, các nhà sư có một địa vị tinh thần và chính trị ưu tiên trong xã hội. Người Campuchia hiền lành nhưng lại dễ nổi nóng khi ai đó đụng chạm vào tôn giáo và tín ngưỡng của họ.

Chủ nhật nọ, Khol chở tôi đến nhà Suol Nat, bạn cùng công tác ở Tỉnh đội Pursat với Khol. Thấy bọn tôi, Nat xăng xái thổi lửa, nấu nước, làm thịt con gà mái đang ấp. Có khoảng 5, 6 quả trứng gà trong ổ, cậu ấy cũng đổ luôn vào nồi, cản thế nào cũng không được. Sợ ăn không hết, tôi bảo Nat chừa lại một phần nhưng cậu kiên quyết không chịu. Cầm chai rượu còn một nửa, Nat rót ra ly cối, cứ vậy xoay vòng, tới ai người ấy uống. Uống nhiều hay ít thì tùy, nhưng Nat yêu cầu khi ra về thì mồi và rượu phải hết. Trên đường về, Khol giải thích: “Người Campuchia cho rằng đã yêu quý nhau thì phải thật lòng. Khi khách đến nhà chơi, họ có thức gì đãi thức ấy. Khách ăn hết, uống hết mới có tình nghĩa. Hôm nay Nat vui lắm đó”...!

 Ngày 22-12-1984, cơ quan tôi chuẩn bị vài mâm cơm thịnh soạn liên hoan mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Các cán bộ, chiến sĩ Tỉnh đội Pursat cũng vui chung, trong đó có cả Sok Khol và Suol Nat. Tôi cố tình xếp hai bạn ngồi chung bàn với mình và cùng nâng ly samaki (đoàn kết). Ngoài những món ăn thông thường, chúng tôi còn làm món tiết canh vịt xiêm. Khol chỉ vào đĩa tiết canh hỏi: “Món gì lạ vậy?”. “Việt Nam gọi là tiết canh”, vừa trả lời tôi vừa múc cho Khol và Nat muỗng tiết canh, bỏ thêm rau thơm, vắt vào tí chanh. Hai người ăn xong mắt sáng lên, đưa ngón tay cái nói: “Sơ nganh ná!” (ngon quá) rồi vô tư ăn hết đĩa tiết canh. Tôi hơi sốc, nhưng nhớ lại chẳng qua anh em quý mình nên mới “hết tình, hết nghĩa” như vậy. Chợt Khol khều tôi, hỏi: “Còn nữa không?”. Tôi đáp nhỏ: “Đây là đặc sản nên mỗi bàn chỉ có một đĩa”. Tôi thấy hai đứa có vẻ ái ngại. Sau này, khi hai đứa chở nhau loanh quanh thị xã, tôi mới rỉ rả kể cho Khol nghe về món tiết canh vịt xiêm. Đang đạp xe, nó nhảy xuống nhìn tôi với gương mặt nhăn nhó, lắp bắp nói: “Vậy là... tôi ăn... máu vịt sống?... Lại còn là vịt xiêm nữa!”. Từ đó, tôi biết thêm chuyện người Campuchia không ăn vịt xiêm.

Đúng ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-1985, tôi trực ban tại Ban chỉ huy Đoàn Quân sự 9903. Khi tôi vừa đánh xong hồi kẻng báo ngủ thì Pol Pot đồng loạt nổ súng tập kích vào thị xã Pursat. Lực lượng ta và bạn phối hợp chống trả quyết liệt, khoảng 45 phút sau địch rút chạy, để lại nhiều dấu máu. Phía ta, 3 người bị thương nhẹ, trong đó có 2 dân thường và Sok Khol. Bàn giao trực ban xong, tôi tới bệnh xá thăm Khol. Khol bị một mảnh cối liếm ngang mông, tuy không nghiêm trọng nhưng phải khâu gần chục mũi. Nhìn Khol nằm sấp trên giường, mặt mày nhăn nhó vì đau, tôi không nhịn được cười. Khol trách: “Tại anh cho tui ăn vịt xiêm nên mới xui xẻo vầy nè!”. Tôi định cãi “Suol Nat cũng ăn nhưng có sao đâu”, nhưng lại sợ tổn thương đến niềm tin của Khol nên cười trừ xin lỗi và lấy trong túi ra tặng Khol mấy phong lương khô, thứ mà Khol rất thích...

PHAN HIẾU LỄ