Ông không ngồi cùng chúng tôi, một mình xăm xăm bước xuống bãi cát, ra tận gò cao gần chân sóng. Ông đứng đấy, hai tay chắp phía sau, đôi mắt bao quát khắp vùng sình lầy sú vẹt mênh mông. Bóng ông trùm lên mặt sóng. Người dân quê Thái Bình gọi ông là “Tân Nguyễn Công Trứ”...

Khi chưa tròn 15 tuổi, Nguyễn Ngọc Trìu đã tận mắt chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan. Ông kể: “Đi đâu cũng chỉ thấy những thân hình còm cõi, đói khát, vật vờ và những xác chết nằm la liệt trông rất thương tâm. Khi ấy, tôi còn trẻ, đã cùng anh em trong đội thanh niên cứu quốc thu gom xác chết khắp nơi mang đi chôn cất”. Làm cách mạng giải phóng quê hương đã muôn vàn thảm khốc, hiểm nguy, nhưng những năm cả nước tái thiết xây dựng miền Bắc và tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng miền Nam mới khó khăn, phức tạp với bao nỗi vò xé tâm can. Thời ấy, hơn 90% dân số sống bằng nghề nông. Nhưng oái oăm thay, thiếu đói triền miên. Những năm 1963-1973, nền nông nghiệp vô cùng lạc hậu. Người dân vẫn mãi “con trâu đi trước cái cày theo sau”, năng suất lúa lẹt đẹt, dù cố gắng đến đâu cũng không vượt quá 2,7 tấn/ha. Trung ương nóng ruột, tiền tuyến thì cần gấp lương thực nuôi quân mà không biết lấy ở đâu. Ngày nay nhắc lại chuyện này, nhiều người coi là cổ tích nhưng khi đó, các cấp lãnh đạo như ngồi trên đống lửa.

Đúng vào thời điểm cam go, thách thức ấy, vào một buổi chiều, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Ngọc Trìu nhận được điện lên gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng nói: “Tôi vừa sang Cuba, đồng chí Fidel Castro tặng chúng ta 80kg giống lúa Thần nông 8. Đây là món quà quý, tôi đã giao cho một số viện nghiên cứu và mấy địa phương khác, nay giao cho Thái Bình 3kg trồng thử nghiệm...”.

Nhận giống lúa mới, ông Nguyễn Ngọc Trìu ngay lập tức đến Trường Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tìm gặp những nhà khoa học hàng đầu mời về Thái Bình nghiên cứu, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng giao. Có giống rồi nhưng còn cần tới phân bón rồi mới phát động quần chúng vào cuộc. Thời điểm ấy, phân hóa học dường như là của quý hiếm, vậy phải làm thế nào? Sau bao đêm trăn trở cùng các nhà khoa học, Thái Bình đã cho sản xuất một loại phân bón vo viên bằng cách nhân rộng diện tích bèo hoa dâu, sau đó lấy loại bèo này trộn với đất ải, nước tiểu rồi vo viên dúi vào gốc lúa. Thái Bình là tỉnh đầu tiên thực hiện cách làm hoàn toàn mới mẻ này. Giải pháp mang lại hiệu quả không ngờ... Năng suất cây lúa ở Thái Bình bao đời hắt heo, còm cõi nay bỗng vươn mình vực dậy. Ở hai xã Vũ Thắng, Tân Phong làm thí điểm, năng suất vượt chỉ tiêu gần 5 tấn/ha (từ 2,7 tấn/ha lên 7 tấn/ha). Đây quả là một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử cây lúa nước ở Đồng bằng sông Hồng. Sau thắng lợi của Vũ Thắng, Tân Phong, Thái Bình tiếp tục nhân rộng diện tích sản xuất khắp các xã trong tỉnh. Năng suất bình quân ban đầu là 5 tấn, sau lên 6 tấn, rồi 7 tấn, 8 tấn/ha... Thái Bình trở thành tỉnh mẫu mực về tăng năng suất lúa cả miền Bắc lúc bấy giờ. Nghe tin này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng mừng khôn xiết. Ông về Thái Bình, lội xuống tận ruộng thăm người nông dân trồng lúa. “Tối ấy, Thủ tướng và tôi cùng bơi ra biển Đồng Châu. Thủ tướng nói: Thái Bình có cây lúa nhưng còn phải vươn ra biển”-ông Trìu kể. Phương châm “đẩy sóng ra khơi, kéo chân trời gần lại” là một chiến lược quan trọng để Thái Bình phát triển đi lên...

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu (ngoài cùng, bên phải) đến thăm và chúc Tết lãnh đạo tỉnh Thái Bình, ngày 5-2-2016. Ảnh: TẤT ĐẠT 

Chuyện bây giờ nói thì đơn giản, nhưng thời ấy để thực hiện thành công cách làm này thật cơ cực, gian nan. Ban đầu nông dân không chịu. Họ bảo: “Cây lúa thân cao không bằng cây mạ thì năng suất nỗi gì!”. Thế là người ta ầm ầm phản đối. Có người làm đơn gửi lên tận Trung ương quy cho Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Trìu là phản động, dám phá hoại cây lúa truyền thống. Ngay cả một số lãnh đạo khi về Thái Bình cũng hoài nghi. Lúc ấy, theo ông Trìu: “Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn ủng hộ tôi hết sức. Ông đã chia sẻ với tôi, khuyến khích, động viên tôi phải cố làm cây lúa xuân thành công. Khổ là cái mới ban đầu không phải ai cũng ủng hộ, đôi khi nó cản trở và gây không ít phiền phức”...

Bàn về cái mới quả cũng nhiêu khê, rắc rối, không ít người lao đao, khốn khổ một thời. Thì đấy, ông Kim Ngọc ở tỉnh Vĩnh Phúc là một ví dụ điển hình. Còn với ông Trìu, không phải chỉ hồi làm Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình (sau ông là Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình) đã bao lần mất ăn, mất ngủ, bị kiện lên kiện xuống vì cây lúa mới, mà khi ông lên làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cũng không ít lần “sứt đầu mẻ trán” vì chuyện khoán sản phẩm cho nông dân. Thời ấy, phong trào khoán chui ở Hải Phòng bắt đầu manh nha. Thái Bình có xã Nguyên Xá (Đông Hưng) đi tiên phong. Xã Nguyên Xá hồi ấy do ông Tiến làm bí thư. Ông Tiến thấy Hải Phòng khoán thì lên thẳng Hà Nội gặp ông Trìu kể về nỗi khổ của nông dân, về tình cảnh èo oặt của kinh tế tập thể, rồi ông xin ra Hải Phòng học tập kinh nghiệm. Ông Trìu ngồi nghe chỉ thở dài. Sau ông bảo: “Cậu cứ đi xem người ta làm ăn thế nào, miễn là đem lại cái ăn, cái mặc cho dân”. Ông Tiến nghe theo ông Trìu ra Hải Phòng, rồi về tổ chức khoán chui cho xã viên. Bí thư huyện ủy biết chuyện làm chui của ông Tiến, ra lệnh cách chức Bí thư Đảng ủy xã của ông Tiến... Chuyện đời oái oăm là thế, đâu cứ làm Bộ trưởng là chuyện gì cũng giải quyết được.

Giáo sư Ngô Thế Dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kể với tôi: “Ông Trìu là người thổi ngọn lửa đổi mới vào trong nông nghiệp Việt Nam. Ở con người ông lúc nào cũng thôi thúc đổi mới, phải đổi mới bằng mọi giá”. Thời ấy, việc đổi mới vô cùng nhạy cảm. Người nào nói đến hai chữ “đổi mới” là có vấn đề. Có khi bị kiểm điểm, mất chức như chơi. Người ta sợ đủ thứ, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Nhưng ông Trìu là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nên biết Hải Phòng khoán chui, ông ngay lập tức về tận nơi nắm tình hình. Rồi chỉ sau đấy ít ngày, ông cho tổ chức hội nghị toàn quốc về nông nghiệp. Lúc bấy giờ có một số ý kiến phản đối nhưng ông kiên quyết bảo vệ: “Tôi là Bộ trưởng, tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước dân về nông nghiệp, nếu sai tôi xin chịu kỷ luật”.

Cái thời ấy là vậy, dù phải vượt qua nhiều rào cản, phiền phức nhưng cuối cùng ông cũng tổ chức thành công hội nghị. Bộ Chính trị nhất trí các quan điểm đổi mới bằng Chỉ thị 100... Tuy nhiên, bước đầu Chỉ thị 100 có một số nhược điểm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Trìu đã cùng các nhà khoa học kiên trì nghiên cứu, nhiều lần đề xuất thay đổi, bổ sung và cuối cùng các nhược điểm được khắc phục với Nghị quyết 10 (còn gọi là Khoán 10) chính thức ra đời. Nghị quyết mà ông Trìu thường hay gọi là: “Nghị quyết giao ruộng đất cho dân cày”...

Thời gian sau này khi về hưu, không lúc nào ông không đau đáu về nghề nông, về “miếng cơm manh áo” của người nghèo. Phong trào vườn, ao, chuồng (VAC) do ông khởi xướng và thực hiện lúc đầu cũng không suôn sẻ, nay đã thành phong trào rộng khắp cả nước. Hội làm vườn do ông thành lập lớn mạnh và lan tỏa với hơn 1 triệu hội viên. Loại hình kinh tế này đã mang lại hiệu quả vô cùng lớn, đóng góp quan trọng cho nền nông nghiệp, nông thôn...

Những năm cuối đời, lúc nào ông cũng nghĩ suy, trăn trở về nông nghiệp-nông thôn-nông dân. Ông bảo: Nếu chúng ta giải quyết không tốt sẽ tạo ra đối kháng giữa chính quyền và nhân dân. Ở nhiều địa phương đã xảy ra thực tế này. Chính quyền không thể làm ngơ hiện tượng công nhân bãi công, đình công, nông dân thì khiếu kiện, rõ ràng ở đây có vấn đề. Rồi khoảng cách giàu nghèo ngày càng cao... Hiện nay, vẫn còn nhiều cán bộ quan liêu khi về với dân. Không vì lợi ích công việc, không vì lợi ích người dân thì làm sao dân tin, dân ủng hộ...

Ông Nguyễn Ngọc Trìu là thế. Khảng khái và quang minh. Tôi chợt nhớ ai đó, vì cảm phục đã viết tặng ông đôi câu đối treo trong phòng khách gia đình: Dĩ nông vi quý tân Công Trứ/ Đãi sĩ như kim cổ Mạnh Thường... Ý tác giả muốn ví ông Trìu như một Nguyễn Công Trứ, người từng nói lên cái chí của bậc trượng phu: Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông. Còn câu sau lại coi ông như mạnh thường quân-là người giàu có, nghĩa hiệp, thích giao du, chiêu hiền đãi sĩ, thường mang cơ nghiệp của nhà mình ra nuôi kẻ sĩ, trong nhà lúc nào cũng tiếp đãi vài nghìn tao nhân mặc khách... Ông Trìu không phải là ông mạnh thường quân. Ông xuất thân từ người nông dân đi làm cách mạng với hai bàn tay trắng, nhưng là người thiện trí thức và quý mến danh tài nên bạn văn chương qua lại với ông như huynh đệ: Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chu Văn, Tào Mạt... là những người từng cùng ông no, đói có nhau, quý trọng, thương yêu, hết lòng vì nhau. Âu cũng là nghĩa khí của bậc quân tử vậy!

TRẦN ANH THÁI